Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nông nghiệp

Thực hiện Nghị định số 123/2018/NÐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp tích cực, quyết liệt nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thu hoạch mía bằng máy Shaktiman (Ảnh: Văn Lương)

Riêng năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện cắt giảm 173 trong số 345 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 50%, đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng, tỷ lệ cắt giảm hơn 77%.

Ðây thật sự là một bước tiến rất lớn của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bởi cách đây chưa lâu, vào các năm 2016-2017, nông nghiệp vốn nổi tiếng là một trong những ngành còn không ít thủ tục chồng chéo, bất cập, còn nặng kiểu "ngăn sông cấm chợ" gây khó khăn tới người sản xuất và các cơ sở kinh doanh. Thí dụ câu chuyện giá quả trứng gà ở ngay sát Hà Nội khi xuất chuồng chỉ có 20.000 đồng/chục, sau khi đi một đoạn đường tới tay người tiêu dùng Thủ đô đã tăng lên gấp hai lần do phải chịu quá nhiều loại "phí chồng lên phí". Hay mặt hàng thịt lợn, có thời điểm ba cơ quan gồm công thương, nông nghiệp, y tế cùng tham gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhưng thịt bẩn, thịt không rõ nguồn gốc vẫn xuất hiện trên thị trường khiến người chăn nuôi, cơ sở kinh doanh chân chính gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, tình trạng đó đã từng bước được giảm bớt, thậm chí đã được ngăn chặn triệt để, nhất là khi việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí cho người dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Chỉ riêng việc ngành nông nghiệp cắt giảm, đơn giản hóa 32 trong tổng số 63 thủ tục hành chính đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng. Hay như Cục Bảo vệ thực vật, trước đây, bình quân mỗi năm phải cấp giấy chứng nhận nhập khẩu và quá cảnh sản phẩm thực vật cho hơn 130 nghìn lô hàng của các doanh nghiệp trồng trọt bằng giấy tờ trực tiếp tại cơ quan, vì vậy có khi phải mất vài ngày doanh nghiệp mới hoàn thiện được hồ sơ. Thế nhưng, từ khi thực hiện Quyết định 2185/QÐ-TTg về Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, hơn 85% số lô hàng của các doanh nghiệp được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, nhờ vậy đã rút ngắn được thời gian, giảm chi phí giao dịch,…

Tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính thật sự hiệu quả, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành Nông nghiệp cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa. Việc thực hiện cắt giảm này phải bắt đầu từ nhận thức của cán bộ công chức, từ các cấp lãnh đạo sau đó được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh", "một cửa, nhiều khóa". Ðồng thời, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, các tầng lớp trong xã hội, sự phản biện, giám sát của công luận, báo chí, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, để bảo đảm sự đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới, đơn giản hóa thủ tục, nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật. Làm được như vậy, sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực tam nông, sau đó là góp phần nâng tầm cho cả nền nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

TÂM THỜI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/38922602-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-trong-nong-nghiep.html