Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hội nhập

THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NGOÀI NGÂN SÁCH CAO NHẤT TỪ TRƯỚC TỚI NAY, 22.900 DOANH NGHIỆP ĐƯỢC THÀNH LẬP MỚI... LÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG MỪNG MÀ HÀ NỘI ĐẠT ĐƯỢC SAU NHỮNG NỖ LỰC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP. THỜI GIAN TỚI, THÀNH PHỐ TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP, VỚI TINH THẦN CẢI CÁCH MẠNH MẼ, THÔNG THOÁNG VÀ MINH BẠCH, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỦ ĐÔ.

Năm 2016 là năm rất đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực; Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết với tinh thần xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ, vì doanh nghiệp. Với riêng Hà Nội, hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đã tạo ra những kết quả tích cực trên nhiều mặt. Kinh tế Thủ đô ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,03% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thành phố đã thu hút được 424 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,6 lần, vốn đầu tư xã hội tăng 10% so với năm 2015. Số doanh nghiệp thành lập mới là 22.900 đơn vị, đưa số doanh nghiệp trên địa bàn cán đích và vượt con số 200 nghìn doanh nghiệp.

Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực triển khai đồng bộ tám nhóm giải pháp chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là việc ban hành nhiều kế hoạch, đề án phát triển doanh nghiệp. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Từ tháng 1-2017 tới đây, thành phố sẽ thành lập Tổ công tác chuyên trách về tháo gỡ khó khăn, thường trực tại trụ sở UBND thành phố để tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp. Thành phố cũng đẩy mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... để tạo bước đột phá. Nhờ đó, doanh nghiệp đã không mất nhiều thời gian, công sức khi thực hiện các thủ tục này. Đơn cử, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đã chiếm tới 54%; tỷ lệ đơn vị kê khai, nộp thuế điện tử đạt hơn 98%...

Về vấn đề vốn, trước thực trạng có tới 80% số doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do không đủ điều kiện về tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng thủ tục, quy trình vay vốn, thành phố đã tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Dự kiến, tới hết tháng 12-2016, dư nợ cho vay của chương trình ước đạt 225,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,69 lần so với cùng kỳ 2015. Đối với những vấn đề khó khăn có tính đặc thù của địa bàn như đất đai, quy hoạch, thành phố đã chỉ đạo đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện từ 30-50% theo quy định... Hà Nội cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị quan tâm tư vấn pháp lý, hỗ trợ cung cấp thông tin, nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, mức tăng trưởng vừa qua của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn chủ yếu dựa vào chiều rộng, chưa có chiều sâu. Chủ trương, chính sách của thành phố chưa thật sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. Kết quả xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm qua của Hà Nội đã khẳng định rất rõ điều này.

Tại hội nghị “Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp năm 2016”, nhiều đại biểu đã trao đổi, trình bày những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội đang gặp phải. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam Vũ Thị Hậu phản ánh, việc nhập khẩu các thiết bị đang gặp nhiều phiền phức, tốn kém khi phải mang đi kiểm định ở nhiều cơ quan khác nhau. Quy hoạch mạng lưới thương mại chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng nhiều khu vực tập trung quá nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, nơi lại thiếu, khiến các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh khó khăn. Đại diện các doanh nghiệp như Công ty CP Dầu khí Đông Đô, Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty CP Sữa Hà Nội... phản ánh nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khung làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án của doanh nghiệp. Với một số quy định, doanh nghiệp phải đi hỏi nhiều đơn vị, từ sở, ban, ngành cho tới chính quyền quận, huyện, mất rất nhiều thời gian. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố, bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp phải có cơ chế ưu đãi để “giữ chân” các doanh nghiệp lâu năm, doanh nghiệp lớn. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp lớn sau khi di dời khỏi khu vực trung tâm thành phố thường chuyển hẳn sang tỉnh, thành khác, chứ không chuyển vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, gây tổn thất cho kinh tế Thủ đô.

Trước những vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời cụ thể và giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan có trách nhiệm rà soát, kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố tiếp tục xác định cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập. Hà Nội sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm minh bạch, nhanh chóng; định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau; triển khai các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ sau khởi nghiệp như tiếp cận các nguồn lực gồm vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, xúc tiến thương mại... “Năm 2016, thành phố đã đón nhận làn sóng đầu tư mới và sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Mong cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với thành phố, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước” - đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

“Điều đặc biệt trong công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nội là không bắt đầu bằng những tuyên ngôn to tát mà bằng chính những hành động, việc làm cụ thể, cách làm mới rất thiết thực. Nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều gian nan, công cuộc cải cách mới bắt đầu. Chúng ta còn nhiều dư địa để cải cách, cho nên Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa, nhất là trong đẩy mạnh cổ phần hóa và xã hội hóa, chuyển giao các dịch vụ công cho doanh nghiệp, thay đổi tư duy, lối làm việc của từng cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động, tự đổi mới chứ chính quyền không thể “dắt tay chỉ việc” cho doanh nghiệp được”.

VŨ TIẾN LỘC
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng và các chính sách ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân... Chúng ta đang hội nhập với môi trường kinh tế thế giới nên cách làm và phương thức hoạt động cũng phải hòa nhịp với thương trường quốc tế. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần “cú huých” mạnh hơn để phát triển hiệu quả.

ĐỖ QUANG HIỂN
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền thành phố cho phép và tạo điều kiện để triển khai các hoạt động vì cộng đồng. Thí dụ như Hanoimilk đang muốn triển khai chương trình Sữa học đường, tổ chức cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống sữa hằng ngày, theo chính sách hỗ trợ miễn phí 100% cho các con em hộ nghèo, giảm 50% cho con em hộ cận nghèo và giảm 30% cho con em các hộ còn lại. Để có thể triển khai, công ty đề nghị thành phố hỗ trợ 15% tổng kinh phí thực hiện (khấu trừ từ số tiền thuế và tiền thuê đất mà doanh nghiệp nộp cho ngân sách), phần hỗ trợ còn lại doanh nghiệp xin tự nguyện đóng góp.

HÀ QUANG TUẤN
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31402702-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-de-hoi-nhap.html