CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ: KHÔNG NÓI SUÔNG! (*): Công khai tất tần tật

Hàng loạt giải pháp mạnh mẽ nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất sẽ được TP HCM triển khai trong Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư

Chia sẻ với nhà đầu tư trong và ngoài nước tại một cuộc đối thoại gần đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết trước đây, vốn đầu tư nước ngoài vào TP tăng cao, mỗi dự án giá trị trung bình khoảng 2 triệu USD. Đến năm 2020, vốn đầu tư trong và ngoài nước vào TP HCM có giảm, trong đó mỗi dự án đầu tư nước ngoài giảm chỉ còn khoảng 500.000 USD.

Những giải pháp mạnh mẽ

"Thực tế này đặt ra câu hỏi việc xây dựng môi trường đầu tư của TP HCM có những vấn đề chưa được thuận lợi? Trong quá trình điều hành, chúng tôi đã nhận thức được một số khâu, một số dự án gặp khó khăn.

Mọi thông tin liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM công khai đến doanh nghiệp và người dân .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mọi thông tin liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM công khai đến doanh nghiệp và người dân .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM tập trung giải quyết nhưng nhà đầu tư cũng chia sẻ, vì có những khó khăn thuộc thẩm quyền của TP sẽ được tập trung chỉ đạo các sở - ngành để phối hợp xử lý nhưng với những vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo xin ý kiến trung ương để đeo bám kiến nghị sớm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)" - ông Nguyễn Thành Phong cho biết. Chủ tịch UBND TP HCM cam kết xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư trong năm 2021 và thời gian tới với hàng loạt giải pháp mạnh mẽ.

Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư năm 2021 của TP. Cụ thể, các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; công tác phối hợp giữa các cơ quan; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; đầu tư công; quy hoạch và xây dựng; lao động và đào tạo nguồn lao động; tiếp cận nguồn lực tài chính; thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và nhóm giải pháp về khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Đơn cử, ở nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, TP HCM sẽ công khai quy trình xử lý tất cả thủ tục hành chính để người dân, DN có thể kiểm soát tiến độ thực hiện, vướng mắc phát sinh và trách nhiệm giải quyết. Nội dung hướng dẫn thủ tục hành chính phải bảo đảm chính xác, đầy đủ, cụ thể để người dân và DN dễ dàng thực hiện, bảo đảm "tăng tỉ lệ người dân và DN nộp hồ sơ đầu tiên và giảm tỉ lệ hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung ở mức thấp nhất". Không để người dân, DN phải đi lại nhiều lần khi thực hiện thủ tục hành chính…

Trong năm nay, TP HCM sẽ giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của DN so với quy định trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay. Số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện được đưa vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tăng 5% so với năm ngoái. Phấn đấu hồ sơ đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử đạt tỉ lệ từ 93% trở lên…

Ở nhóm giải pháp về tiếp cận nguồn lực đất đai, TP HCM sẽ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên trang thông tin điện tử của UBND TP HCM, các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện nhằm minh bạch hóa tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Các sở, ngành phải tham mưu ban hành khung giá đất sát với giá thực tế thị trường; trên 80% chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đúng hạn từ 96%.

Ngoài ra, TP HCM sẽ rà soát, công khai quy hoạch KCX-KCN, quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại KCX-KCN; nghiên cứu thành lập các cụm công nghiệp tập trung cho DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất - kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa có nhu cầu…

Theo quy định của TP HCM, các đơn vị khi được hỏi ý kiến phải khẩn trương trả lời. Nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan.

Nhà đầu tư kiến nghị, hiến kế

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho hay JETRO là tổ chức duy nhất có số lượng thành viên tăng trong năm 2020, phản ánh sự gia tăng về đầu tư của DN Nhật ở thị trường Việt Nam. Các DN Nhật Bản đều bày tỏ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có TP HCM.

Tuy vậy, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư ở TP HCM, ông Hirai Shinji đề xuất TP cần tăng cường kết nối với các tỉnh, thành xung quanh với chiến lược, kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Bởi nếu trước đây, các DN Nhật thường chọn đặt nhà máy, trụ sở tại TP HCM và các tỉnh lân cận vùng Đông Nam Bộ thì gần đây, nhà đầu tư Nhật đã bắt đầu đi xa hơn. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để thời gian di chuyển từ TP HCM đến các tỉnh, thành xung quanh chỉ trong khoảng 2 giờ. Muốn vậy, cần phải xây dựng đường cao tốc kết nối TP HCM với các địa phương lân cận phía Nam. Đây là một lực đẩy vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội cả vùng, khi đó TP HCM sẽ là trung tâm.

Theo bà Mary Tanowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), nhiều DN Mỹ đang rất quan tâm và sẵn sàng đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có TP HCM. Để môi trường đầu tư thuận lợi hơn, đại diện AmCham đánh giá chính sách thuế rất quan trọng, những quy định về hồi tố sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng.

"DN kiến nghị chính quyền TP HCM tiếp tục cải thiện chính sách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, bắt đầu bằng việc gửi thư mời họp qua kênh online. Với TP Thủ Đức mà TP HCM kỳ vọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, cần phát triển cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, cải thiện hệ thống cấp thoát nước, phát triển gắn với bảo vệ môi trường" - đại diện AmCham góp ý.

Đối với nhà đầu tư trong nước, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP HCM, cho rằng các KCN trên địa bàn TP đang rất phát triển nhưng thủ tục còn nhiều bất cập khiến không ít nhà đầu tư dịch chuyển sang địa phương khác. Do đó, trong bối cảnh công nghệ phát triển, TP HCM có thể hình thành các KCN chuyên ngành, sử dụng kỹ thuật cao, nhân lực chất lượng cao...; có cơ chế ưu đãi đối với DN tốt và ngược lại.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-4

Kỳ cuối: Cam kết mạnh mẽ từ chính quyền

Nâng cao mô hình tổ công tác

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Thường trực Tổ công tác về đầu tư TP HCM

TP HCM là địa phương đầu tiên thành lập Tổ công tác về đầu tư - mô hình đầu tiên với mục tiêu tạo ra cơ chế đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư; điều phối, triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trên địa bàn. Đến nay, tổ công tác đã có 21 nội dung kết luận chỉ đạo chung về mặt chủ trương, định hướng, nhằm cải thiện môi trường đầu tư của TP và thúc đẩy quá trình thực hiện các dự án.

Để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ công tác, cần ưu tiên tìm giải pháp tháo gỡ cho các vấn đề lớn, điểm nghẽn tác động đến nhiều dự án, nhiều DN, trong thời gian ngắn có thể tạo hiệu quả tổng thể, tác động tích cực đến kinh tế - xã hội TP.

Đối với vấn đề liên quan đến chức năng, quyền hạn của các cơ quan trung ương, tổ công tác chủ động phối hợp với bộ, ngành trung ương để kịp thời nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ. Trong những trường hợp cần thiết, xem xét mời đại diện các cơ quan trung ương tham dự các buổi làm việc của tổ công tác để cùng TP HCM tháo gỡ khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, cần gắn công tác chỉ đạo với thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai các kết luận của tổ công tác đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ. Nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan nếu chậm trễ thực hiện nhiệm vụ được tổ công tác giao...

Đơn giản thủ tục cấp phép lao động

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham), hiệp hội thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến về những khó khăn liên quan việc không được gia hạn giấy phép cho người lao động, trong khi người đã làm việc ở TP HCM 10-15 năm rất nhiều. Do đó, EuroCham đề xuất TP HCM nghiên cứu đơn giản hơn thủ tục cấp phép lao động cho người nước ngoài.

"Sau dịch Covid-19, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, đó là cơ hội. Tuy nhiên, thời gian qua, trong lĩnh vực bất động sản, đất đai có nhiều dự án ở khu vực trung tâm TP bị chậm khiến một số chủ đầu tư phải chuyển sang tỉnh, thành khác. Do đó, lãnh đạo TP HCM cần sớm chỉ đạo gỡ vướng để hoàn thành các dự án đầu tư đang dang dở, từ đó xây dựng dự án có tính chất biểu tượng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài" - đại diện Hiệp hội DN Hồng Kông tại Việt Nam góp ý.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/cai-thien-moi-truong-dau-tu-khong-noi-suong-cong-khai-tat-tan-tat-20210427215759439.htm