Cải thiện chất lượng cứu trợ thiên tai cho các tôn giáo

Tại buổi tập huấn về hiến chương nhân đạo và tiêu chuẩn cứu trợ cho các tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại diện các tôn giáo đã đề xuất các nhóm giải pháp để cải thiện chất lượng cứu trợ thiên tai tại cộng đồng như việc tăng cường kết nối giữa các bên liên quan để có sự thống nhất trong quản lý hàng cứu trợ cũng như có sự lựa chọn địa bàn ưu tiên cứu trợ, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp trong cứu trợ.

Tập huấn về hiến chương nhân đạo và tiêu chuẩn cứu trợ cho các tôn giáo.

Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2018 của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và kế hoạch phối hợp năm 2018 giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam), ngày 10/11, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với NCA Việt Nam tổ chức tập huấn về hiến chương nhân đạo và tiêu chuẩn cứu trợ cho các tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại buổi tập huấn, các tôn giáo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã được cung cấp những kỹ năng trong việc tham gia cứu trợ thiên tai, cải thiện chất lượng cứu trợ thiên tai theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các tôn giáo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã cũng chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm trong công tác cứu trợ, bảo vệ môi trường, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện hoạt động cứu trợ thiên tai tại cộng đồng. Những hạn chế trong công tác cứu trợ đã được đại biểu các tôn giáo nêu ra đó là hoạt động này vẫn mang tính tự phát, thường tiến hành riêng lẻ, chưa có sự điều phối chung để phân bổ nguồn lực. Các nhóm cứu từ thiện chưa được trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng khoa học hợp lý liên quan đến cứu trợ. Các cuộc cứu trợ thường tập trung vào giai đoạn sau thiên tai chưa phải là cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ phục hồi.

Trên cơ sở những hạn chế đó, đại diện các tôn giáo cũng đề xuất các nhóm giải pháp để cải thiện chất lượng cứu trợ thiên tai tại cộng đồng như việc tăng cường kết nối giữa các bên liên quan để có sự thống nhất trong quản lý hàng cứu trợ cũng như có sự lựa chọn địa bàn ưu tiên cứu trợ, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp trong cứu trợ.

Sau 3 năm triển khai, chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã có những bước tiến dài. Đến nay đã có khoảng 350 mô hình của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được xây dựng tại các tỉnh, thành trong cả nước.

T. Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-giao/cai-thien-chat-luong-cuu-tro-thien-tai-cho-cac-ton-giao-tintuc422339