Cải thiện chất lượng cuộc sống người dân qua các chương trình, đề án, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội

Từ nguồn xổ số kiến thiết và các nguồn thu khác, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các đề án, chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển hệ thống dạy nghề, việc làm, chăm lo sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các đơn vị trường góp phần nâng chất lượng giáo dục

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các đơn vị trường góp phần nâng chất lượng giáo dục

Từ năm 2015-2016 đến nay, các công trình đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được thực hiện mỗi năm, các dự án dành cho giáo dục như: dự án mua sắm bàn ghế cho học sinh các trường phổ thông; dự án phục vụ chương trình kiên cố hóa trường lớp học; dự án đối ứng hỗ trợ có mục tiêu các trường học của 12 huyện, thị xã, thành phố. Hoặc dự án ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo, dự án Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu; Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu; dự án mua sắm các trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh... Các dự án được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, hoặc phối hợp cùng UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện và đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ, lộ trình. Cơ sở vật chất các đơn vị trường từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh ở các trường trong tỉnh. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo đã giúp ngành từng bước thay thế các phòng vi tính, máy vi tính xuống cấp, phục vụ nhu cầu soạn, giảng bài bằng giáo án điện tử của giáo viên, khuyến khích học sinh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học, nghiên cứu, đầu tư dự thi các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc. Ngoài ra, Dự án ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo giúp ngành giáo dục trang bị, hoàn thiện hệ thống kết nối mạng thông tin nội bộ, phát triển hệ thống trực tuyến, thuận lợi khi tổ chức các hội nghị với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trường. Hệ thống kết nối giúp chuyển tải nhanh các thông tin của ngành đến với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, đồng thời hỗ trợ các đơn vị trường trong công tác quản lý, quản trị trường học.

Bên cạnh các dự án đầu tư cho các ngành học, cấp học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hệ thống các cơ sở dạy nghề cũng được UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quan tâm đầu tư mỗi năm. Năm 2017, tỉnh đã đầu tư dự án Trường Trung cấp nghề - Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Bình... Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng tham mưu, rà soát sắp xếp lại các hoạt động, chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, công ty và nhu cầu thực tế tại địa phương, cấp tỉnh, khu vực theo đề án đào tạo nghề, việc làm. Khuyến khích các cơ sở đào tạo tuyển sinh, đào tạo kết nối với các doanh nghiệp, công ty theo cơ chế đặt hàng đào tạo, việc làm, trang bị các thiết bị giảng dạy mới, hiện đại giúp học viên giỏi lý thuyết và thực hành khi tốt nghiệp. Công tác phân luồng, định hướng, tư vấn nghề cho học sinh được thực hiện đa dạng gắn với nhu cầu việc làm.

Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới đào tạo nghề ở cả các cấp trình độ cho 21.536 học viên, đạt 101% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 48%, gồm hệ cao đẳng, hệ trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng tỷ lệ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 80%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới, bổ sung các ngành nghề đào tạo gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp. Theo thống kê từ các đơn vị đào tạo, tỷ lệ học viên có việc làm sau khi tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 85%. Các đơn vị trường, cơ sở đào tạo nghề ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị giảng dạy gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với các nghề cơ khí, công nghệ ô tô, xây dựng...

Trong lĩnh vực y tế, các dự án y tế được đầu tư từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện được nâng cấp, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị. Nguồn nhân lực y tế được đào tạo, cải thiện thái độ phục vụ. Cơ sở y tế công lập và ngoài công lập có sự phối hợp trong việc sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị y tế đạt hiệu quả từng bước khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ. Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp được xây dựng mới với quy mô 700 giường bệnh, từng bước khắc phục, giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai, phối hợp thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh có 144/144 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 90%.

Cùng với các dự án đầu tư lĩnh vực kinh tế, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, duy trì ổn định các hoạt động giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập người dân. Năm 2020, các dự án đầu tư lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện, trong đó ưu tiên các dự án y tế, giáo dục, việc làm...

C.Phương

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/cai-thien-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-qua-cac-chuong-trinh-de-an-du-an-dau-tu-thuoc-linh-vuc-van-89815.aspx