Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật tại 7 tỉnh

Ngày 20/4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) đã ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật tại 7 tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ, chứng kiến lễ ký kết

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ, chứng kiến lễ ký kết

Theo bản ghi nhận ý định hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh ưu tiên, trong 5 năm tới, USAID và Văn phòng 701 sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các tổ chức địa phương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh sẽ cung cấp các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, các tổ chức của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế, phục hồi chức năng, chỉnh hình, hỗ trợ hòa nhập đời sống xã hội đối với người khuyết tật Việt Nam. Những hoạt động này thực sự có ý nghĩa thiết thực, từng bước hỗ trợ nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin, xoa dịu nỗi đau chiến tranh, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cùng các nghị sĩ Mỹ hỏi thăm người khuyết tật Việt Nam

Tuy nhiên, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam có số lượng rất lớn, hàng triệu người đã và đang bị phơi nhiễm và di truyền, ảnh hưởng sang thế hệ thứ 3, trở thành nỗi đau của nhiều gia đình và là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Vì vậy, việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, tạo sinh kế cho những nạn nhân này là việc làm cấp bách, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong 30 năm qua, hỗ trợ của USAID đã đem lại lợi ích cho hàng triệu người khuyết tật bất kể nguyên nhân tại Việt Nam. Mặc dù hoạt động hợp tác ban đầu là tập trung vào các dịch vụ trực tiếp như cung cấp dụng cụ hỗ trợ như chân tay giả và xe lăn, qua nhiều năm, quan hệ đối tác đã phát triển thành hợp tác với Việt Nam nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và tổ chức hiện đại cần thiết để hỗ trợ người khuyết tật một cách hiệu quả trong tương lai.

Hiện nay, USAID vẫn đang tiếp tục các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật thông qua 8 dự án với mục tiêu mở rộng các dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng và cải thiện chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật. USAID cũng hỗ trợ việc phát triển các tổ chức của người khuyết tật địa phương và những nỗ lực vận động chính sách của các tổ chức này.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dự Lễ khởi động Dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa

Cũng trong ngày 20/4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam đã tổ chức lễ khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất ở Việt Nam. Dự án sẽ được tiến hành tại những khu vực có nguy cơ cao trong khu vực sân bay Biên Hòa với thời gian dự kiến là 10 năm bằng các phương pháp xử lý và cô lập như từng được sử dụng tại sân bay Đà Nẵng.

Khu vực sân bay Biên Hòa là một trong các điểm bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin rất nặng nề với diện tích trên 52ha, có khối lượng trên 500.000 mét khối đất đá cần phải xử lý, tẩy độc. Theo tính toán của các cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần trên 390 triệu USD, tùy thuộc vào mức độ, yêu cầu xử lý và quy hoạch sử dụng đất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi động Dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, nhấn mạnh: Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gây ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ 3.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

PV BQP, ĐSQ Mỹ

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cai-thien-chat-luong-cuoc-song-cho-nguoi-khuyet-tat-tai-7-tinh-post58270.html