Cái Tết vui của Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng 110 tuổi sau nửa thế kỷ chờ con

Vào dịp tết hơn 50 năm trước, chỉ trong hai ngày, mẹ Tân đã phải nhận liền 2 giấy báo tử, hai 'khúc ruột' của mẹ mãi nằm lại chiến trường. Tết này, Mẹ được 'đón' người con trở về bằng hài cốt. Mẹ dặn người thân phải gói thêm bánh chưng.

Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Nguyễn Thị Tân.

Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Nguyễn Thị Tân.

Con không về tết, lòng mẹ cũng vắng xuân

Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tân (thường gọi là mẹ Lự, xã Tân Sơn, Đô Lương, Nghệ An) năm nay đã 110 tuổi. Sức khỏe mẹ đã rất yếu, không còn đi lại được. Những ngày đầu xuân ấm áp, nhiều người đến hỏi han nhưng mẹ cũng chỉ nằm im trên giường trò chuyện. Hơn 50 năm qua, vì khóc nhớ thương con mà mắt mẹ đã mờ đục. Trong trí nhớ gần như đã quên đi tất cả, mẹ chỉ nhớ được tên những đứa con đi mãi không về.

Mẹ Tân có 4 con trai, trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước, mẹ kìm nước mắt lần lượt tiễn 3 đứa con đi vào vùng hỏa tuyến. Anh Nguyễn Tất Chương con út mẹ được ở lại quê nhà tham gia sản xuất vì chính sách hồi đó không để cả gia đình ra trận.

Chồng mẹ là lính Vệ quốc đoàn, cuộc đời mẹ ba lần tiễn con và một lần tiễn chồng ra trận. Năm 1968, đứa con thứ 3 của mẹ là Nguyễn Tất Văn lên đường vào Nam chiến đấu khi mới vừa mười bảy tuổi. Rồi chỉ một năm sau, khi nhà nhà đang rộn ràng chờ tết thì chỉ trong 2 ngày mẹ đã phải nhận liên tiếp hai giấy báo tử. Con trai cả của mẹ là Nguyễn Tất Tân và anh Văn đã mãi nằm lại chiến trường. Thông tin cuối cùng về những đứa con của mẹ chỉ vỏn vẹn là dòng chữ “hi sinh ở mặt trận phía Nam” viết trên mẩu giấy to hơn bàn tay một chút.

“Những ngày đó, mẹ khóc cạn nước mắt. Mẹ đau lòng, cả gia đình cũng đau lòng. Có những hôm trời rét căm căm, mẹ khóc ngất ngoài bờ ruộng được mọi người bế về. Có những đêm mẹ nằm gọi tên các anh trong vô thức khiến cả gia đình bật khóc. Mẹ không tin sự thật, thường lẩm bẩm một mình rằng các con chỉ lạc đơn vị, rồi sẽ về với mẹ. Mãi đến nhiều năm sau thì lòng mẹ mới tạm nguôi và chấp nhận được nỗi đau”, anh Chương nhớ lại.

Đất nước ngớt đạn bom, chỉ có con trai thứ hai là Nguyễn Tất Tiến về với mẹ. Cũng từ khi đó, tâm nguyện duy nhất của mẹ là chờ được đến lúc đón các con trở về. Khi tuổi cao, người ta không còn thiết tha vận động hay chuyện trò, họ chỉ thích ngồi nhớ những chuyện vui buồn đã qua và sống bằng ký ức. Thế nhưng, ký ức của mẹ Tân hơn năm mươi năm qua chỉ là những lần đi hỏi tin con trong vô vọng. Mẹ cũng chẳng nhớ được nhiều hình ảnh các con. Anh Văn nhập ngũ khi mới 17 tuổi rồi hy sinh khi vừa tròn 18. Còn anh Tân, kỷ vật duy nhất anh đưa mẹ trước lúc tòng chinh cũng chỉ là một tấm chân dung đen trắng bé bằng bàn tay đã mờ theo năm tháng.

“Hồi các anh đi lính thì chưa anh nào lập gia đình, hồi đó tôi cũng đang đi học. Trước hôm nhập ngũ, anh Tân tặng tôi chiếc bút, rồi dặn dò cố gắng học hành. Hôm giấy báo tử về, đồng đội đưa đến cho mẹ di vật của anh Văn chỉ là chiếc ba lô kèm tấm vải dù che võng thủng lỗ chỗ bởi nhiều vết đạn. Đồng đội cho biết anh Văn hi sinh vì gặp phục kích khi đang đi trinh sát chiến trường”, anh Chương nhớ lại.

Nửa thế kỷ trôi qua, mẹ Tân sống trong nỗi nhớ, trong hy vọng về một phép màu. Mẹ chỉ mong các anh về, về bằng hình hài nguyên vẹn hay chỉ là hài cốt bọc trong quốc kỳ thì mẹ cũng sẽ ôm các anh vào lòng như ngày còn thơ bé. Nửa thế kỷ, khuôn mặt mẹ hiếm khi xuất hiện nụ cười, những nếp nhăn cũng đã đan chằng chịt trên màu da kham khổ. Mắt mẹ không còn tỏ, cứ mỗi lần có tiếng gõ cửa thì câu đầu tiên mẹ hỏi người vừa đến là “có phải Văn về với mẹ không con”.

Dù đã nhiều năm, dù đã chấp nhận sự thật đau thương nhưng những dịp gần tết hay đầu xuân, khi những người xa xứ về quê, khi tiếng cười nói rộn ràng khắp nơi thì lòng mẹ lại cồn cào, mắt mẹ lại ngấn lệ. Lòng mẹ đã vắng xuân từ lúc nghe tin các anh chẳng trở về. Mỗi mùa xuân sang, mẹ lại tựa cửa ngóng trông, năm tháng trôi qua điều duy nhất đổi thay là lưng mẹ đã còng xuống, đôi tay vẫn bám vào bậu cửa gồng mình chờ đợi con về.

Gói thêm bánh chưng vì hài cốt con được trở về nhà

Nhiều năm qua, để thực hiện tâm nguyện của mẹ, anh Chương đã hỏi han nhiều nơi, làm mọi cách mong rằng có thể đón các anh về. Thế nhưng, thông tin vừa ít ỏi, vừa thất lạc khiến tâm huyết nhiều năm của gia đình gần như không đạt được kết quả gì. Xác minh từ cơ quan chức năng thì chỉ biết được các anh chiến đấu ở miền Nam và hi sinh khi chiến đấu, không rõ địa điểm hi sinh hay nơi chôn cất. Hỏi han đồng đội các anh thì chỉ biết anh Văn hy sinh ở Quảng Trị, anh Tân hi sinh ở Tây Ninh.

Bia mộ và ảnh thờ liệt sĩ Nguyễn Tất Tân (Nguyễn Nhật Tân).

Chỉ còn cách đi tìm từng chiến trường, dò từng ngôi mộ liệt sĩ ở những nơi các anh từng chiến đấu. Nhưng rồi sau mỗi lượt đi tìm kiếm về thì anh Chương chỉ biết ngậm ngùi nói với mẹ rằng “ở nghĩa trang chúng con vừa đến không có các anh nằm đó”.

Cho đến năm vừa rồi, mạng internet lan truyền tấm hình chụp một phần mộ liệt sĩ chưa có thân nhân đến nhận ở Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành (Tây Ninh), thông tin chỉ ghi dòng tên Nguyễn Nhật Tân. Anh Chương nhớ ra anh Tân hồi chưa đi lính vốn là người có khiếu thơ ca, có thể Nhật Tân là nghệ danh của anh rồi khi an táng đồng đội anh đã dùng để ghi lên bia mộ.

Dù không chắc chắn nhưng gia đình đã lại lần nữa cất công vào Tây Ninh để xác minh. Sau nhiều tháng tham khảo, đối chiếu nhiều thông tin, lần này công sức tìm kiếm đã có kết quả. Ngoài dòng tên không khớp thì những thông tin nhân thân còn lại đều đúng, anh Chương tự tin khẳng định ngôi mộ chính là của anh trai mình.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, tháng 9/2020, hài cốt anh Tân cũng đã được gia đình và chính quyền địa phương đón về quê nhà. Anh nằm gọn trong lá cờ tổ quốc, mẹ Tân ôm anh vào lòng như thuở còn nằm nôi. Mẹ vui nhưng nước mắt chứa chan. Anh ở với mẹ hai hôm rồi lại ra nghĩa trang liệt sĩ huyện nằm cùng đồng đội. Hôm anh về, xóm làng đứng chật kín nhà, mọi người chứng kiến cũng đều khóc vì niềm vui của mẹ.

Anh Tân về với mẹ, mẹ khỏe hẳn ra, vui hẳn lên, cứ như mẹ lại vừa sinh ra anh lần nữa. Mẹ trách yêu anh rằng “con về đây rồi mà không đưa thằng Văn về cùng cho mẹ”. Nửa thế kỷ đợi chờ, một đứa con đã về với mẹ. Còn một đứa,mẹ vẫn tin anh Văn sẽ về, nhưng mẹ lo rằng mẹ không chờ được. Tết lại đến, khách vào thăm hỏi nhiều hơn ngày thường, mẹ lại chạnh lòng. Đón một đứa con đi vắng lâu ngày về thì có lẽ là niềm vui, nhưng có lẽ chỉ là một sự xoa dịu nỗi đau với mẹ, một đứa con của mẹ vẫn chưa về.

Sau hơn năm mươi năm, tết này anh Tân lại cùng mẹ ăn tết ở nhà. Mẹ bảo vợ chồng anh Chương rằng, năm nay gói thêm bánh vì anh Tân về, căn nhà dù không thêm người nhưng trông rộn ràng hơn hẳn.

Anh Chương cho biết sau nhiều năm xác minh, gia đình mới chỉ có thông tin anh Văn hi sinh ở chiến trường Quảng Trị, tuy nhiên nơi an táng ban đầu bị sạt lở, phần mộ không còn ở vị trí cũ, hiện vẫn chưa xác minh được. Gia đình vẫn đang đi xác minh khắp những nghĩa trang trong vùng, cố gắng tìm anh về sớm nhất có thể để mẹ được yên lòng.

Vũ Đoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cai-tet-vui-cua-ba-me-viet-nam-anh-hung-110-tuoi-sau-nua-the-ky-cho-con-82929