Cái tết của 'Thánh phượt' Vừ Già Pó từng đi bộ qua Himalaya sang Pakistan 3 năm trước

Làm nên kỳ tích khi đi bộ hơn 1800km từ Hà Giang sang Pakistan từng gây chấn động báo chí thế giới, Vừ Già Pó đã trở về để xây dựng một cuộc sống mới và ăn tết như những gia đình người H'Mông lâu nay.

Làm nên kỳ tích khi đi bộ hơn 1800km từ Hà Giang sang Pakistan từng gây chấn động báo chí thế giới, Vừ Già Pó đã trở về để xây dựng một cuộc sống mới và ăn tết như những gia đình người H’Mông lâu nay.

Sau hành trình “vô tiền khoáng hậu” từ Việt Nam lưu lạc sang tận Pakistan trong 18 tháng với hơn 7.000 cây số đi bộ, "thánh phượt" Vừ Già Pó (Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang) sau khi được giúp đỡ về nước năm 2014, vợ chồng anh đã có thêm một con trai sinh năm 2015. Hiện tại, cu cậu đã hơn 2 tuổi. Giờ anh ở nhà chăn nuôi bò kiếm tiền nuôi con ăn học và "sợ phải đi" khi nhắc lại kỷ lục lạ lùng của mình.

Câu chuyện về Vừ Già Pó (SN 1977, trú tại Bản Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từng là tâm điểm của giới truyền thông trong nước và thế giới. Bởi cái tài đi bộ xuyên lục địa, vượt qua cả họng súng ở nơi chiến trường khốc liệt, đi bộ vượt núi cao ngút ngát nhất thế giới. Lạc từ Mèo Vạc (Hà Giang) sang Pakistan với quãng đường lên tới gần 6.000km, người đàn ông Mông Vừ Già Pó đã từng khiến cả thế giới xôn xao thán phục. Vừ Già Pó không nói được tiếng Việt nhưng người đàn ông này đã một mình băng qua Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan).

Truyền thông thế giới từng chấn động với việc Vừ Già Pó đi bộ băng qua dãy núi cao nhất thế giới và lạc vào giữa vùng căng thẳng chiến sự.

Sau khi trở về và được giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Vừ Già Pó giờ ở nhà chăn nuôi bò, làm kinh tế để cho các con ăn học. “Tôi vừa được vay 60 triệu nuôi bò vỗ béo. Nhà có khoảng 7 – 8 con. Không có nghề gì làm thì cũng phải vay vốn để làm ăn thôi”, anh Pó nói. Vừ Già Pó bảo, năm nay là năm thứ 3 anh được ăn tết ở nhà, đối với những cái tết ở nước ngoài anh hoàn toàn bị ám ảnh và thấy đáng sợ. Hay như tết lần thứ 2 trong cuộc hành trình làm nên lịch sử của bản thân ở xứ sở lạnh giá, nói như thế bởi hồi đó anh không rõ mình đang ở đâu, lưu lạc nơi nào. Chỉ biết rằng anh ở xứ lạnh, tết là khi anh được một đôi vợ chồng cho qua đêm ngoài hiên, rồi tình cờ anh nhìn thấy lịch treo trong nhà họ, mới biết tết đến rồi.

Buổi đó, anh nhận được bữa cơm thịnh soạn nhất trong chuyến đi định mệnh của mình, đó là được ăn gạo mì, nhận được bánh gì đó màu vàng và ít hoa quả. Pó chỉ nhớ tết năm ấy với anh kéo dài trong 2 ngày, rồi anh lại tiếp tục đi bộ với ước muốn sớm trở về với gia đình.

Vừ Già Pó bảo, tết năm đầu tiên ở nhà vì mới về nên gia đình còn khó khăn, nhưng được cái vui vì lúc đó anh sắp chào đón thêm một thành viên mới. Tôi bông đùa rằng: “có phải đi lâu quá nên về gặp vợ, anh không kiềm chế được phải không? Vì ngay ngày đầu trở về đã làm chị Lía (vợ Pó) có bầu rồi”. Nghe tôi dứt lời, Pó cười xòa.

'Thánh phượt' Vừ Già Pó bên cậu con út tết năm nay.

Tết năm nay đến thăm Pó, cũng như những lần khác, thay vì mời uống nước, Pó lại xách chai rượu rồi rót ra mời khách. Vừa mời, Pó vừa tâm sự: “người H’Mông bọn mình ăn tết lâu lắm, ăn cả tháng chạp, rồi đầu năm mới cũng ăn nữa, vui lắm, không như hồi lưu lạc xứ người đâu”.

Pó nói xưa đi nước ngoài không có đàn ông quét nhà đầu năm (người H’Mông quan niệm đầu năm quét nhà mang may mắn), vì thế con trai cả của anh phải làm việc đó. Nhưng 3 năm nay Pó tự mình làm việc đó, mọi sự cũng hanh thông.

Thực tế, khi trở lại thăm người đàn ông từng được giới truyền thông chú ý này, tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ dệt ở mảnh đất nghèo khó này. Trong đó, có những ngôi nhà mọc lên san sát, những con đường bê tông cũng sấn sổ vào tới tận bản Lũng Lâù̀.

Nhờ sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, Pó đã có đàn bò của mình.

Vừ Già Pó nói rằng tết sớm năm nay gia đình anh có mổ 2 con ngan, 3 con gà, rồi chạy chợ mua thêm ít thực phẩm để mời anh em bữa cơm tết. Còn đàn lợn thì không dám mổ, bởi còn làm nhà, người H’Mông làm nhà anh em kéo đến giúp là chủ yếu.

Theo Pó, người còn trai lớn của anh năm nay cũng đã đủ 18 tuổi, cái tuổi trăng rằm ở miền cao nguyên đá. Nhưng cậu bé Vừ Mí Xua nhất quyết không cam chịu ở nhà lập gia thất mà ước muốn được đi đâu đó xa làm thuê, để gửi tiền về giúp gia đình làm nhà, thoát cái nghèo như những thế hệ trước..

Hà Giang

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cai-tet-cua-thanh-phuot-vu-gia-po-tung-di-bo-qua-himalaya-sang-pakistan-3-nam-truoc-400740/