Cái tát thứ 232 giáng vào học sinh

Sự việc đang nguội dần, chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan công an nhưng lại bị thổi bùng lên một lần nữa.

Sau khi xử phạt học sinh N. lớp 6/2 bằng 231 cái tát, , Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, đã bị khởi tố để điều tra về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Đây là kết quả của sự vào cuộc, xử lý kịp thời, hợp lý của cơ quan chức năng. Vụ việc đang dần lắng xuống, chờ đợi kết quả cuối cùng thì tại ngôi trường này lại lòi ra một sự việc bất thường khác.

Cô Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng nhà trường đã cho học sinh lớp 6/2 thực hiện một “bản khai” gồm 19 câu hỏi xoay quanh sự việc trên. Các câu hỏi các em phải trả lời là: “Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?”, “Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?”, “Cô Thủy ra lệnh tát hay các em tự tát?”… Đáng nói là học sinh làm bảng điều tra phải viết đầy đủ họ tên, ngày tháng và ghi rõ: “Lời khai của em…” không khác gì một bản lấy khẩu cung.

Việc làm này được cô Lệ Anh lý giải là “nhằm tìm ra sự thật của tát” nhưng lại khiến dư luận một lần nữa dậy sóng.

Chúng tôi quyết liệt phản đối

Rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản ứng gay gắt, phản đối quyết liệt việc làm mang tính áp đặt, có thể gây tâm lý hoang mang cho học sinh của nhà trường.

Bạn đọc LeHung giận dữ: “Tôi cũng là phụ huynh, việc phát phiếu cho học sinh này không thể chấp nhận được, chẳng khác nào công an đang điều tra tội phạm, làm ảnh hưởng đến tâm lý các em, nhất là chỉ học sinh lớp 6. Theo tôi, hiệu trưởng không có năng lực lãnh đạo, quản lý nên mới để xảy ra những chuyện như vậy. Tôi đề nghị buộc thội việc hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh”.

Bạn đọc đồng tình: “Hành vi của giáo viên trong thời gian dài nhưng hiệu trưởng không phát hiện. Khi bị phát giác thì lại bao che, không thể chấp nhận được hiệu trưởng như vậy”.

Những "bản khai" của học sinh lớp 6/2.

Những "bản khai" của học sinh lớp 6/2.

Bạn đọc cho rằng việc điều tra này không khách quan bởi: “Học sinh chắc chắn không dám nói thật, các em chỉ là trẻ con vì lo sợ mà sẽ nói theo ý muốn của người khác. Đã là người lớn, lại là người thầy, không đủ ngay thẳng, dũng cảm nhận sai lại đi bịt miệng trẻ con. Cô hiệu trưởng muốn giữ thể diện nhưng đã tự làm bẩn thanh danh (nếu có) của chính mình vì hành động này” - bạn Nguyễn Hà phân tích.

Bạn NMH, Nguyễn Quốc Thái thẳng thừng phê phán: “Cô giáo Thủy đã vả vào nền giáo dục một cái tát, nay nhà trường lại tiếp tục định vả thêm cái nữa”, “Nhà trường thật sự đã tát thêm 23 cái vào mặt 23 học sinh sau gần 1.000 cái tát của cô giáo Thủy. Khủng khiếp!”.

Độc giả Hiền chán nản: “Xin quỳ lạy các thầy, các cô nào không còn thiết tha với nghề hoặc trình độ, đạo đức quá kém hãy ra khỏi ngành để các cháu có môi trường giáo dục tốt hơn”.

Bảo vệ bọn trẻ, không thể ngồi yên

Giữa vô số ý kiến phản ứng hành động của nhà trường thì có một vài ý kiến đơn lẻ đi ngược dòng. Bạn đọc có tên Nam cho rằng: “Làm cái gì cũng phải có chứng cứ, không thể nghe một phía được. Nếu không dạy đạo đức cho học sinh ra đường học sinh đâm chém bạn bè thì lại nói gia đình, nhà trường không giáo dục. Đây là vụ việc dân sự, nên hòa giải... sao cứ ép người ta phải tù tội?”.

Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức bị phản biện. Bạn Văn Kiên nói: "Hỏi để nhìn đa chiều là không sai, vấn đề là cách hỏi. Ai nhìn vào cũng thấy bất nhẫn".

Bạn Trần Hải Đăng thì phân tích: “Ý kiến trên sai trầm trọng. Trong vụ 231 cái tát này nhà trường không dạy cho học sinh đạo đức mà nói đúng hơn là dạy luật rừng, dạy cách hành xử giang hồ đánh hoặc bị đánh. Sau vụ này bạn có nghĩa cậu bé sẽ sống lương thiện hơn không, những đứa bạn cùng lớp cũng không khá hơn. Nhà trường đã cho bọn nó biết, muốn được bình yên phải dùng bạo lực, muốn được bình yên phải chấp nhận sự dối trá”.

Bạn Thi No cũng biện luận: “Không ai ép phải tù tội hết, phạm luật thì phải chịu chế tài”.

Sân trường với những khẩu hiệu rất tốt đẹp.

Một số ý kiến còn cho rằng việc “điều tra” này là sai. Bạn Phạm Hồ nói: “Học sinh lớp 6 chưa tới 18 tuổi, khi thực hiện phiếu tham khảo có tính chất như thế này cần phải có người giám hộ. Đã là thầy cô thì phải hiểu chuyện này, không thể làm kiểu áp lực với các cháu nhỏ như vậy”.

"Phụ huynh có được hỏi ý kiến việc này không, có được giám sát quá trình khai này không? Vì sao bắt các em ghi tên họ rõ ràng, như vậy có phải muốn gây áp lực để các em không dám nói điều bất lợi cho trường?" - bạn Hoa Lý thắc mắc.

Bạn Duc Manh cũng chỉ ra: “Cần cho thôi chức hiệu trưởng của trường này. Hành vi trên sẽ gây thêm tổn thương tinh thần cho các cháu, các cháu sẽ bị cảm giác như người phạm tội. Sự tổn thương ấy sẽ kéo dài”.

“Đề nghị Phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh và Sở Giáo dục tỉnh Quảng Bình có biện pháp cụ thể. Giáo viên làm như vậy là sai rồi mà nhà trường còn không rút kinh nghiệm, lại trút lên các cháu là thế nào?” - là ý kiến của bạn Nguyễn Hữu Thu và được nhiều độc giả đồng tình.

Đã đến lúc sự việc này phải được một đơn vị độc lập, có chức năng và thẩm quyền xử lý. “Không thể tiếp tục để tình trạng tự xử như đang diễn ra, vừa ảnh hưởng lên tâm lý phụ huynh, học sinh, vừa hủy hoại thêm uy tín của trường lẫn ngành giáo dục tỉnh nhà” - bạn đọc lấy tên Quảng Bình quê ta bình luận.

NHÂN CHÍNH tổng hợp

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/cai-tat-thu-232-giang-vao-hoc-sinh-805978.html