Cái Tát nảy lửa nối đời con nghiện và kẻ bán ma túy

Chị từng là kẻ buôn 'cái chết trắng', anh vốn là con nghiện. Giữa họ ban đầu chỉ là mối quan hệ kẻ mua người bán, có ai ngờ, lại đơm hoa kết trái thành một cuộc tình vượt qua nhiều sóng gió.

Xuất phát từ một điểm sáng le lói của tương lai, nhưng từ chấm nhỏ ấy cùng lòng hướng thiện và tình yêu thủy chung họ đã cập bến bờ hạnh phúc.

Từ một hotgirl uống rượu như nước, Trang đã trở thành kẻ buôn ma túy. (Hình minh họa)

Nữ đệ tử của lưu linh

Tô Kiều Trang (SN 1983, quê Hà Giang, ngụ phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội), thu hút người đối diện bởi cặp mắt xếch, sáng long lanh với ánh nhìn sắc lẻm, với vẻ đẹp đặc trưng của con gái vùng cao. Khi 18 tuổi, cô là tiếp viên đắt khách nhất ở loạt quán karaoke “tay vịn” trên phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng).

Khách thích ngồi cùng không chỉ vì cô đẹp. Trang còn có một biệt tài là uống rượu không biết say. Và đây mới là điều khiến dân chơi mê Trang như điếu đổ.

Thực ra “tài năng” này của Trang cũng không có gì lạ. Nơi cô sinh ra chính là quê hương của nhãn rượu ngô nổi tiếng, dân nhậu không ai không biết.

Từ nhỏ, theo cha mẹ cất rượu, chỉ cần hàng ngày ngửi mùi men thôi, cũng đủ giúp Trang thành một đệ tử của Lưu Linh. Điều trùng hợp, chính vì tài nhậu, Trang mới quen người đàn ông đầu tiên của đời mình, kẻ sẽ mở cho cô con đường xuống... vực thẳm. Hôm ấy, quán tiếp đón một nhóm khách tiêu tiền như nhặt được.

Rượu tây mở tràn cung mây. Và đám tiếp viên như Trang, cứ cạn ly là được “bo” tờ trăm ngàn mới đét. Cần nhớ rằng thời điểm ấy, số tiền này không hề nhỏ. Các cô gái cứ cố gắng uống vì số lượng ly tỷ lệ thuận với số tiền. Cuộc chơi càng sâu, người uống càng ít dần.

Có cô say gục trong lòng khách. Có cô không chịu nổi, phải vào nhà vệ sinh móc họng. Và theo thỏa thuận từ trước, nôn ra là chấm dứt, không được tham gia chơi nữa. Chỉ còn Trang vẫn ngồi uống tì tì, mặt không hề đổi sắc.

Đám dân chơi có người đã biết tiếng Trang nhưng cũng không khỏi thán phục tửu lượng “thần sầu” của cô. Bấy giờ, người có vẻ cầm trịch cuộc chơi bỗng nói: “Cứ uống thế này, chắc phải hết đêm, mà bọn anh sắp phải về rồi. Có điều, anh vẫn muốn tiêu tiền, mà ngoài Trang ra, không ai trong phòng này xứng nhận tiền của anh”.

Đám dân chơi vỗ tay cười ran. Người đó rút ra hai cọc tiền, đặt lên bàn, chậm rãi: “Anh biết tửu lượng của em. Giờ em uống 3 hơi hết chai John vàng kia, anh tặng em 20 triệu”.

Rồi sau đó, phòng hát ầm ĩ tiếng reo hò. Với đúng 3 lần ngửa cổ, Trang đã nốc hết chai rượu nhãn vàng loại 75ml. Đặt đánh “kịch” cái vỏ chai xuống bàn, Trang chỉ hơi lảo đảo và... vẫn đứng vững. Vị khách có vẻ choáng váng trước sức uống khủng khiếp của Trang.

Nhét 2 cọc tiền vào tay Trang, người đó ghé tai cô: “Đời anh chưa thấy cô gái nào như em. Anh phục lắm. Anh là H “tí tồ”, giang hồ Hà Nội ai cũng biết. Em phải đi với anh mới xứng”.

Phần vì say rượu, phần choáng ngợp trước phong thái dân chơi, đêm ấy, Trang đã đồng ý đi cùng H. Sau lần chung chạ, Trang nghỉ làm, trở thành “phòng nhì” của H. Người tình hơn Trang khoảng 20 tuổi và đúng như gã nói, cái tên H “tí tồ” khét tiếng trong giới buôn bán “cái chết trắng”.

Dù biết rõ điều đó nhưng cô gái trẻ không sao cưỡng nổi sự cung phụng xa hoa từ người tình. Nhà cô đông con, mẹ lại mất sớm nên vô cùng khổ cực. Cái nghèo đã khiến cô phải bỏ học, tìm ra nơi đô hội kiếm miếng ăn.

Cuộc sống xô đẩy cô phải làm gái nhà hàng và khi gặp H, cô như được đổi đời. Người tình chiều chuộng cô hết mực, ăn tiêu không phải nghĩ, còn có tiền hàng tháng gửi tiền về cho bố. Vì thế, dù biết chẳng có tương lai, Trang vẫn nhắm mắt đưa chân.

Nối gót người tình Năm 2003, đường dây ma túy của H “tí tồ” bị bóc gỡ, ông trùm lĩnh án tử hình. Trang cũng không tránh khỏi vòng lao lý. Cô bị phạt 2 năm tù vì tội không tố giác tội phạm. Quãng thời gian ngắn ngủi bên người tình đủ giúp Trang hiểu mọi đường đi nước bước của người buôn bán “cái chết trắng” cũng như siêu lợi nhuận của nó.

Vì thế, khi ra tù, cô không muốn hoàn lương. Trang thuê nhà trong một con ngõ trên phố Nguyễn Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nơi này đường ngang ngõ tắt quanh co, ở trọ toàn người tứ xứ, cực kỳ phức tạp. Lợi dụng sự hỗn độn ấy che mắt cơ quan chức năng, Trang ngang nhiên buôn bán ma túy.

Thủ đoạn của cô khá tinh vi. Khi có người mua, Trang giấu hàng ở một địa điểm bí mật nhưng không cố định, dùng mật hiệu chỉ chỗ để con nghiện tự đi lấy. Trang chỉ giao dịch một - một, luôn nhận tiền trước và nhận khi trong người không có gì.

Như thế, dù bị cảnh sát mật phục, nhưng không tang chứng, dễ dàng chối tội. Trong số các khách hàng của Trang, có Nguyễn Thanh Tú (SN 1978, ngụ phố Huế). Tú và mẹ thuê nhà cùng khu trọ với Trang. Tú không phải khách thường xuyên, dăm bữa, nửa tháng mới lấy hàng một lần. Trang đoán Tú chơi ma túy ở một tụ điểm quen nào đó, lúc kẹt mới tìm đến mình.

Nghĩ vậy thôi chứ Trang cũng chẳng mấy quan tâm. Có điều, thỉnh thoảng “chém gió” với người trong khu, Trang biết hoàn cảnh Tú khá éo le. Theo đó, nhà Tú vốn ở phố Huế, thuộc dạng khá giả. Phải cái, bố Tú đã hay rượu lại thích gái mú. Ông ta thường xuyên hành hạ, ngược đãi người đầu ấp tay gối với mình.

Thương mẹ, Tú hay cãi vã, chống đối bố. Một lần xung đột, Tú nhỡ tay đẩy, khiến bố ngã vỡ đầu. Sau đó, người bố kiện con ra công an, Tú bị giam mấy tháng, mẹ chạy vạy mãi mới được thả.

Chưa dừng lại, người bố còn làm đơn từ con rồi thẳng tay đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà. Trang nghe vậy biết vậy thôi. Là kẻ buôn “cái chết trắng”, cảm xúc trong cô như đã chai lì. Trang không ngờ số phận đẩy đưa đến một lúc, cô phải lựa chọn, và chút lương tri còn sót lại, đã giúp cô nghiêng về phía thiện.

Kẻ buôn ma túy từ chối bán

Một đêm, Trang nghe tiếng gõ cửa khe khẽ. Cô hỏi thì Tú ở ngoài khẩn khoản “mở cửa tôi nhờ chút việc”. Nghĩ nhà hàng xóm có chuyện, Trang vội mở cửa. Tú xanh xao, run rẩy hiện ra. Bằng con mắt “nhà nghề”, Trang biết anh ta đang lên cơn nghiện. Tú bảo “Bán cho tôi ít hàng”. Gạt tờ tiền Tú đưa, Trang lạnh lùng: “Tôi không bán cho anh”. Tú tròn mắt ngạc nhiên: “Trước cô vẫn bán cho tôi cơ mà”.

Trang cười nhạt trước khác, giờ khác. Tú lao tới quật Trang xuống đất, bóp cổ cô : “Mày bán ma túy, tao thì có tiền. Sao mày lại không bán cho tao”. Bị Tú bóp chặt Trang gần như nghẹt thở. Đến khi Tú tỉnh trí buông tay thì Trang đã bị sặc, ôm cổ kho sù sụ.

Tuy vậy, cô vẫn cố nói : “Nhà có gì anh đều bán hết để mua hàng. Mẹ anh chưa đủ khổ hay sao. Cút đi. Anh có giết tôi cũng không bán cho anh”. Nghe hết câu mắng, Tú ngơ ngẩn bỏ đi, Trang thì ngồi bệt dưới đất, rồi bỗng nhiên, bật khóc.

Sau hôm đó, Trang để ý đến mẹ Tú nhiều hơn. Đi đâu có gì ngon, cô đều mua về, mang sang biếu bà. Không hề biết Trang là kẻ buôn ma túy, hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Thân thiết hơn, tâm sự về Tú, người mẹ không giấu được xót xa.

Bà cho biết Tú vốn ngoan ngoãn, học giỏi, đã có công việc ổn định. Sau cú sốc xung đột với bố, Tú mới chán đời, đổ đốn nghiện ngập như thế. Rồi một hôm sang chơi, Trang hốt hoảng thấy mẹ Tú ngất xỉu trong nhà. Cô vội gọi xe đưa bà đi cấp cứu.

Mãi đến chiều, Tú mới mò vào, vẻ mặt rõ ràng là mới phê pha. Điên tiết, Trang cho Tú một cái tát: “Mẹ anh đột quỵ suýt chết mà anh vẫn còn thời gian đi hút hít à”.

Xoa xoa bên má, Tú cười nhạt: “Tay không sạch đừng rửa mặt cho người khác. Không có những kẻ như cô thì tôi mua ma túy ở đâu’. Bị mắng đúng tim đen, Trang đứng chết trận, không nói được câu nào. Sau đó vài tháng, Trang bị bắt theo chuyên án của cảnh sát.

Dù hoạt động tinh vi nhưng Trang hiểu ngày này trước sau gì cũng đến. Vì thế, nhận bản án 8 năm tù, cô không hề suy sụp. Năm 2007, Trang đi trả án ở trại giam số 5 (tỉnh Thanh Hóa) với tâm thế sống ngày nào biết ngày ấy. Nhà nghèo lại quá xa, Trang không có người thăm nuôi.

Cô bình thản chấp nhận, không kêu ca oán thán. Gần một năm sau ngày bị bắt, Trang vô cùng ngạc nhiên khi cán bộ quản giáo báo có người thăm gặp. Và cô không tin vào mắt mình khi nhìn thấy mẹ con Tú. Trong câu chuyện tíu tít, thỉnh thoảng xen lẫn những giọt nước mắt của người mẹ, Trang dần dần hiểu ra.

Tú đã tìm lên Hà Giang gặp bố cô. Phải rất vất vả lo việc giấy tờ, anh mới có tên trong sổ được phép đi thăm nuôi cô. Suốt buổi gặp, Tú chỉ cười, nghe mẹ và Trang nói chuyện. Mãi đến lúc hết giờ, anh mới nhìn sâu vào mắt cô. “Anh cai nghiện rồi. Nhờ cái tát của em đấy. Vì thế, anh nợ em”.

Nói xong, anh quay đi ngay, chẳng cho cô kịp nói gì. Từ đó, cứ vài tháng, Tú lại lên thăm Trang, bởi anh còn bận việc nên chỉ có thể đi tranh thủ lúc rảnh rỗi. Nhưng bù vào đó, những cánh thư thường xuyên gửi đến Trang. Qua thư, họ dễ dàng tâm sự những điều khó nói.

Rồi điều gì phải đến cũng đến, anh tỏ tình với cô. Anh nói, sau cái tát nảy lửa, anh đã thích cô. Cú đột quỵ của mẹ cùng những lời nói của cô đã khiến anh tỉnh ngộ. Giờ anh đã làm lành với bố, hai mẹ con đã trở về nhà cũ. Anh nói, sự đoàn tụ của gia đình mình có đóng góp của Trang và anh muốn.

Sau này, cô sẽ là một thành viên trong đó. Hạnh phúc đến thật giản đơn Trang cơ hồ không dám tin đó là sự thật. Nhưng cô cảm nhận sự xao xuyến từ sâu thẳm trái tim.

Nếu như cái tát của cô khiến anh tỉnh ngộ, thì những cánh thư từ anh tình yêu chân thành lại là cái phao để cô bám vào, vượt qua vực thẳm. Trang cải tạo tốt, được giảm án tha tù năm 2013. Như lời ước hẹn, họ về với nhau trong một gia đình.

Việt Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/cai-tat-nay-lua-noi-doi-con-nghien-va-ke-ban-ma-tuy-d76280.html