Cải tạo vườn hoa Con Cóc: Nhận diện đúng giá trị

Yêu cầu trước hết là phải nhận diện cho đúng các giá trị của di tích, vườn hoa, đặc biệt là vườn hoa Con Cóc.

UBND quận Hoàn Kiếm đang lên kế hoạch cải tạo các vườn hoa đảo giao thông, trong đó có vườn hoa Con Cóc trên địa bàn quản lý.

Đài phun nước tại Vườn hoa Con Cóc được coi là đài phun nước cổ nhất Hà Nội. Ảnh: Đời sống pháp luật

Đài phun nước tại Vườn hoa Con Cóc được coi là đài phun nước cổ nhất Hà Nội. Ảnh: Đời sống pháp luật

Góp ý cho kế hoạch trên, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, quanh địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có tới 9 vườn hoa, nhưng tổng diện tích chỉ đạt khoảng 30 ha. Như vậy, bình quân diện tích không gian xanh cho người dân quận Hoàn Kiếm chỉ đạt 2,3 m2/người, chỉ tiêu rất thấp so với tiêu chuẩn chung.

Hơn nữa, không gian xanh, vườn hoa, cây cảnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đều gắn với lịch sử, văn hóa đặc trưng, do đó yêu cầu giữ gìn, bảo tồn và khai thác đúng với chức năng là điều cần thiết.

Vì lý do này, quận Hoàn Kiếm đang có đề xuất chung với cả thành phố xin nghiên cứu, cải tạo cả 9 vườn hoa trên địa bàn, trong đó có vườn hoa Con Cóc.

Vị KTS cho rằng, đó là đề xuất đúng đắn và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, cải tạo, trùng tu thế nào để vừa giữ được nét đặc trưng nhưng vẫn bảo đảm không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường?

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, yêu cầu trước hết với mỗi kế hoạch tu sửa, tôn tạo các di tích, vườn hoa... là phải nhận diện cho đúng các giá trị của di tích, vườn hoa, đặc biệt là vườn hoa Con Cóc.

Chỉ rõ đặc điểm đặc trưng của vườn hoa Con Cóc, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, đây là dấu ấn đặc biệt của người Pháp khi phát triển Hà Nội. Người Pháp khi thiết kế quy hoạch chung đã đưa các không gian cây xanh ra các không gian công cộng để tất cả người dân đều được tiếp cận thay vì chỉ có một bộ phận người dân được tiếp cận và chỉ tiếp cận trong nhà.

Vườn hoa Con Cóc được xây dựng từ năm 1901, từ thời Pháp, với đài phun nước hình tròn được xây ở giữa vườn hoa, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m. Trên trụ đá ấy có tiểu sành đựng di hài của Chavassieux. Xung quanh có các họa tiết trang trí cổ điển, bắt mắt, kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông được thể hiện ở hình tượng 8 con rồng chầu hướng về 4 hướng ở chân trụ đá và nét phương Tây thể hiện ở cấu trúc đài phun nước với các họa tiết trang trí cổ điển. Ngoài ra, xung quanh bồn nước còn có 4 con cóc bằng đồng được tạo hình sinh động phun nước lên trụ đá.

Với thiết kế đặc biệt như vậy, vườn hoa Con Cóc không chỉ là không gian xanh mà còn tạo ra không gian giá trị tạo điểm nhấn cho các công trình, các di tích cấp quốc gia xung quanh như: Nhà khách Chính phủ, quảng trường Ngân hàng, khách sạn Metropole...

Đặc biệt, sự kết nối của vườn hoa Con Cóc với Nhà khách Chính phủ, vườn hoa Lý Thái Tổ đã tạo ra một không gian trung tâm, gắn kết với bờ hồ Hoàn Kiếm, đồng thời tạo không gian trống kết nối giữa bờ hồ Hoàn Kiếm với khu vực ngoài bờ đê.

Đáng chú ý, trước kia các vườn hoa trên địa bàn của quận chỉ có cây xanh, thảm cỏ, ghế đá thì người Pháp đã đan xen các kiến trúc điêu khắc, kiến trúc cảnh quan vào trong các vườn hoa. Điển hình là kiến trúc điêu khắc đài phun nước, trụ đá và những Con Cóc.

"Khi tu sửa vườn hoa Con Cóc cần phải nhận diện rõ ràng đây là mốc giới ghi lại dấu ấn trong hội nhập cũng như là mốc giới ghi lại dấu ấn phát triển trong không gian công cộng của quận Hoàn Kiếm cũng như đô thị Việt Nam.

Đây là đặc điểm đặc chưng, minh chứng cho thấy quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung đang mở cửa, hội nhập cùng thế giới", KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý.

Theo vị KTS, khi đã nhận diện được đúng giá trị, vai trò của các vườn hoa thì phải nhìn nhận thẳng vào những tồn tại thực tế trên cơ sở đó sẽ đưa ra phương án sửa chữa cho phù hợp.

Chỉ rõ ba tồn tại cụ thể như: đặc trưng thiết kế của đài phun nước Con Cóc; không gian chưa thích hợp với các công trình quan trọng và sử dụng, quản lý hiện nay chưa hợp lý, KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị quận Hoàn Kiếm phải có phương án điều chỉnh tổng thể.

Với tồn tại thứ nhất, vị KTS cho biết, vườn hoa được thiết kế theo các trục đối xứng nhưng chưa gắn kết với các công trình trọng điểm xung quanh, đặc biệt chưa gắn kết với các công trình cấp quốc gia.

Vì lý do này mà gần đây khi Hà Nội có chủ trương quy hoạch các phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm thì vườn hoa Con Cóc lại được sử dụng làm bãi đỗ xe để thu tiền.

Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, không gian chung của toàn khu vực.

Thứ hai, phải điều chỉnh lại chức năng sử dụng của các vườn hoa để người dân có điều kiện, cơ hội tiếp cận các không gian công cộng nhiều hơn chứ không phải biến không gian công cộng thành những bãi gửi xe.

Đề xuất cải tạo vườn hoa Con Cóc

Với tư duy và cách làm như vậy vị KTS cho rằng, quận Hoàn Kiếm sẽ không chỉ đặt vấn đề cải tạo chỉnh trang vườn hoa Con Cóc mà đòi hỏi phải có quy trình cải tạo kiến trúc, cảnh quan của cả 9 vườn hoa và cả các quảng trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Trong quá trình tu sửa, chỉnh trang phải công khai minh bạch, phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư xung quanh di tích này. Nếu không có ý kiến của cộng đồng dân cư, vườn hoa cũng mất giá trị.

Thứ ba, yêu cầu quận Hoàn Kiếm đưa ra phương án quy hoạch tổng thể trong quản lý đô thị, bố trí các bãi gửi xe trên phố đi bộ.

"Từ hơn 20 năm đã đặt ra vấn đề làm bãi đỗ xe ngầm trước khu vực ngân hàng thì không làm được, bây giờ phải có quy hoạch tổng thể vừa đáp ứng được nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân nhưng vừa phải bảo đảm về cảnh quan cũng như bảo đảm được không gian kết nối giữa các khu vực công cộng với các công trình cấp quốc gia xung quanh", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cai-tao-vuon-hoa-con-coc-nhan-dien-dung-gia-tri-3387658/