Cải tạo tập thể cũ bao giờ mới tới hồi kết?

Không còn là vấn đề mới, thế nhưng câu chuyện cải tạo nhà tập thể cũ cho đến giờ vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng. Các nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, thế nhưng việc khắc phục những điều đó thì lại là một câu chuyện dài. Và việc gỡ khó ngay từ chính sách lại một lần nữa được đặt ra như một giải pháp mang tính đột phá để giải quyết tình trạng này.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ với hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng trước năm 1994. Trong số nhà chung cư này có tới 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm.

Thế nhưng, 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%. Con số này quá thấp so với kỳ vọng bởi còn nhiều nút thắt khiến các dự án, phương án cải tạo mãi chỉ nằm trên giấy hoặc dừng lại ở mức độ khảo sát.

Cái khó cần gỡ chính là từ chính sách. Trong báo cáo của các địa phương, hiện có hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống trong các nhà chung cư cũ được xây dựng gần 30 năm.

Dẫn đầu danh sách là Hà Nội với 1.579 nhà chung cư, TP HCM 570, Hải Phòng 205, Quảng Ninh 60, Phú Thọ 23, Nghệ An 22, Thanh Hóa 17 và Cần Thơ có 10 nhà chung cư.

Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã rà soát, thực hiện việc kiểm định được 600/2.500 nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm cấp C, D chiếm khoảng 25% tập trung chủ yếu tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP HCM với con số lần lượt là 179 và 130 nhà chung cư.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nhận định, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ đạt xấp xỉ 3% trong suốt 10 năm qua là quá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

Những khu tập thể cũ không đảm bảo an toàn cho người dân rất cần được cải tạo, xây dựng lại. (Ảnh: N.Đăng)

Những khu tập thể cũ không đảm bảo an toàn cho người dân rất cần được cải tạo, xây dựng lại. (Ảnh: N.Đăng)

Gia đình ông Trung có 3 thế hệ cùng sinh sống trong căn nhà rộng khoảng hơn 40m2 khu tập thể Thành Công (Hà Nội). Tòa nhà được xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp trầm trọng.

Căn hộ của ông Trung phải chắp vá, tạm bợ bằng đủ các loại tôn, cót, nilon. Và cứ mỗi khi trời mưa, nước dột thấm khắp nhà, vô cùng khổ sở. “Mưa thì phải chạy, chuyển từ đầu giường sang đuôi giường”, ông Trung nói.

Không chỉ riêng gia đình ông Trung phải sống tạm bợ, mà hàng trăm hộ dân ở đây hàng ngày cũng phải đối mặt với nỗi lo, sợ hãi tòa nhà có thể đổ sập bất cứ khi nào.

“Khoảng gần chục năm trở lại đây, do lo ngại mái tập thể xuống cấp các hộ gia đình đã góp tiền để gia cố thêm cho khung cả tòa nhà bằng những cột sắt. Cuộc sống của chúng tôi ở đây đảo lộn quá nhiều, có nhiều gia đình có người già sức khỏe yếu, mối lo từ sự xuống cấp của tòa nhà cứ ám ảnh chúng tôi mỗi ngày”, ông Hiệp bày tỏ sự lo ngại.

Được biết, trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương có nhà chung cư cũ đặc biệt là Hà Nội, TP HCM tổ chức đánh giá tổng kết việc thi hành các quy định của Nghị định 101/2015 NĐ-CP về cải tạo chung cư cũ, nêu lên các kết quả đạt được cũng như các vướng mắc, bất cập, đề xuất giải pháp cụ thể.

Theo Bộ Xây dựng, hiện một số quy định cụ thể của Nghị định số 101 cần được sửa đổi, bổ sung để đẩy nhanh quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Cùng đó, việc thực hiện kiểm định chất lượng nhà chung cư được tiến hành theo từng đợt và trên cơ sở kết luận kiểm định thì phải lập ngay kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư chứ không phải chờ kiểm định toàn bộ số lượng nhà chung cư trên địa bàn.

Các địa phương cũng cần được chủ động trong việc tổ chức, lựa chọn đơn vị (nhà đầu tư) lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo, Bộ Xây dựng đề xuất.

Chi phí lập Quy hoạch chi tiết 1/500 được tính vào chi phí thực hiện dự án và hoàn trả lại đơn vị lập trong trường hợp đơn vị lập không phải là chủ đầu tư được chọn triển khai thực hiện dự án.

Đặc biệt, cho phép UBND cấp tỉnh, TP quyết định việc cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình, mật độ dân cư bảo đảm việc đấu nối về hệ thống hạ tầng, phù hợp về không gian kiến trúc theo quy hoạch đã được phê duyệt và hiệu quả đầu tư của dự án; đồng thời, các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất đối ứng BT cho nhà đầu tư.

Để thu hút DN tham gia, Bộ Xây dựng cho rằng nên sửa đổi quy định cho phép DN đăng ký thực hiện dự án chỉ phải nộp Hồ sơ đề xuất đăng ký tham gia dự án và phương án sơ bộ hoặc cam kết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án sơ bộ quy hoạch việc cải tạo, xây dựng lại.

Các DN sẽ trình bày phương án này trong Hội nghị nhà chung cư để làm cơ sở xem xét lựa chọn chứ không quy định phải có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chi tiết vì bị phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi lựa chọn được chủ đầu tư thì thực hiện lập quy hoạch 1/500 và các thủ tục đầu tư khác của dự án.

Bên cạnh đó, trách nhiệm tạo lập quỹ nhà tạm cư cho người dân cũng cần được tính toán lại. Trong thời gian thực hiện dự án xây dựng cải tạo lại nhà chung cư cũ, UBND các tỉnh, TP hoặc chủ đầu tư phải xây dựng hoặc bố trí quỹ nhà ở tạm cư để cho người dân ở hoặc thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân đi thuê nhà ở.

Trường hợp bố trí quỹ nhà ở tạm cư thì nhà ở này phải bảo đảm thuận tiện cho sinh hoạt của người dân và gần với khu vực lân cận nơi có nhà chung cư bị phá dỡ, xây dựng lại.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-tao-tap-the-cu-bao-gio-moi-toi-hoi-ket-206174.html