Cải tạo sông Tô Lịch không nhằm kinh doanh tâm linh?

Trước những ý kiến cho rằng việc cải tạo, xây dựng sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh nhằm mục đích kinh doanh tâm linh, ông Nguyễn Tuấn Anh - chủ tịch JVE khẳng định: Dự án thuộc nhóm lĩnh vực công ích của Thành phố, nên sẽ do các đơn vị của Thành phố vận hành, khai thác...

Mô phỏng thiết kế sông Tô Lịch sau cải tạo

Mô phỏng thiết kế sông Tô Lịch sau cải tạo

Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, ngày 15/9, Công ty JVE đã có công văn báo cáo với Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Dự án nhận được nhiều sự quan tâm và nhiều ý kiến nhiều chiều.

Buổi gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản vào sáng nay 22/9.

Tại buổi gặp mặt vào sáng 22/9, chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản, ông Nguyễn Tuấn Anh - chủ tịch JVE thông tin thêm về dự án, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh sẽ không lấy thêm quỹ đất bên ngoài sông, nếu được thực hiện sẽ chỉ triển khai bên trong phạm vi sông.

Thời gian thực hiện, nếu được phê duyệt sẽ triển khai trong khoảng 5 năm, từ 2021 – 2026. Dự án sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay. Sau đó kè đáy khu vực sát hai bờ sông tạo thành hành lang đi dạo bộ, không kè đáy sông mà để tự nhiên, giữ nguyên chiều rộng lòng sông.

Mô hình Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch tương lai khi hoàn thành.

Theo đó, dự án sẽ xử lý tận gốc mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm ở bên trong bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4 vv...

Phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập sẽ kết hợp phối hợp đồng bộ với các Dự án mà Thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) tại buổi gặp mặt.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, với tư cách là nhà khoa học khi theo dõi ông đánh giá dự án này hoàn toàn có khả thi.

"Sông Tô Lịch trước đây rất trong, rất đẹp trải qua nghìn năm. Sau này Hà Nội đông dân, lượng nước thải ngày ngày xả ra môi trường lớn đã biến sông Tô Lịch từ dòng nước chảy trở thành dòng sông 'chết'. Chúng ta phải làm sao biến sông chết thành sông sống, là nơi gắn liền với Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh", GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho biết thêm

Dự án thuộc nhóm công ích của Thành phố

Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ quan điểm, sông Tô Lịch là tài sản chung của người dân, của Thành phố, không phải của riêng ai.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE khẳng định: “Đây là Dự án thuộc nhóm lĩnh vực công ích của Thành phố, nên sẽ do cơ quan ban ngành của Thành phố quản lý, vận hành, khai thác”.

"Sông Tô Lịch là dòng sông có bề dày lịch sử 2.000 năm nhưng hiện nay chỉ là kênh thoát nước thải, đối với ô nhiễm sông Tô Lịch như hiện nay, người dân, các chuyên gia xót xa bao nhiêu thì "chúng tôi xót xa bấy nhiêu", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Chủ tịch JVE khẳng định đây là dự án thuộc nhóm lĩnh vực công ích của Thành phố, nên sẽ do cơ quan ban ngành của Thành phố quản lý, vận hành, khai thác hoặc cơ chế phối hợp với đơn vị bên ngoài...

"JVE và liên danh Tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với Thành phố như về việc phải cho ưu đãi thuế trong bao nhiêu năm, hay nhà đầu tư sẽ được kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch hay đề xuất Thành phố sẽ ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp như đề xuất của một Doanh nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội", ông Tuấn Anh khẳng định.

Người dân hiểu nhầm việc 'kè đáy'

Chia sẻ quan điểm về dự án cải tạo sông Tô Lịch, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trước đây, thời gian làm việc tại Sở TN&MT, ông đã có đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc, có bể lắng để nước trong rồi bổ cập vào Tô Lịch tạo dòng chảy, đủ điều kiện xử lý ô nhiễm dòng sông.

Cũng ông Khánh cho biết, Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng này, tuy nhiên, nước sông Hồng sẽ vào Hồ Tây rồi mới chảy sang sông Tô Lịch. Về tổng thể, theo ông Khánh, muốn hồi sinh sông Tô Lịch, việc cần làm là thu gom nước thải, xử lý ô nhiễm lòng sông và làm cho sông chảy.

Ông Khánh cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. “Lòng sông nên để nguyên, không nên kè đáy. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở. Như thế mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm”, ông Khánh nói.

Về việc này, chủ tịch JVE cho rằng phía chuyên gia đang hiểu nhầm từ “kè đáy” trong giải thích của JVE. "Việc “kè đáy” được JVE đưa ra khi nói về việc xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông tạo hành lang đi dạo), không kè đáy lòng sông mà để tự nhiên)", ông Tuấn Anh khẳng định.

"Việc “kè đáy” ở đây là “kè đáy” ở khu sát hai bên bờ sông chứ không phải “kè đáy toàn bộ lòng sông”. Bởi nguyên lý của xử lý môi trường của Công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản là kích hoạt các vi sinh vật có lợi phát triển nên phía Dự án sẽ giữ nguyên lòng sông mà không kè đáy lòng sông. Ngoài ra, Dự ấn cũng có phương châm giữ nguyên chiều rộng lòng sông, không thu hẹp lòng sông mà để tự nhiên", chủ tịch JVE giải thích thêm.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/cai-tao-song-to-lich-khong-nham-kinh-doanh-tam-linh-1725031.tpo