Cải tạo kiểu Mã Pì Lèng: Lỡ xây tiện thể...phình to?

Công trình nhà Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) từng gây bức xúc dư luận nhưng đến nay vẫn chưa được cải tạo theo hướng hợp lý.

Công trình nhà hàng Panorama trước và sau khi cải tạo.

Công trình nhà hàng Panorama trước và sau khi cải tạo.

Sau khi gặp hàng loạt ý kiến phản đối, thậm chí có người còn coi nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng ở Hà Giang là “cái mụn xấu xí mọc trên khuôn mặt di sản”, chủ công trình này đã tiến hành cải tạo trong 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 10/2020. Thế nhưng sau rất nhiều cuộc họp bàn để tìm phương án “cải tạo” nhà hàng này, kết quả mới nhất lại khiến nhiều người thất vọng hơn.

Bởi vì về cơ bản, chủ công trình chỉ đổi màu sơn từ màu xanh lá sang màu xám, vẽ thêm hoa văn đá lên tường, thậm chí phần mái còn được giật cao hơn trước, tạo cảm giác bề thế, hoành tráng và có phần “phình to” hơn cả kiến trúc cũ. Điều này lại thêm một lần nữa khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Nhiều người đặt câu hỏi, nếu đồng ý với cách “cải tạo” này của nhà hàng Panorama thì điều đó có nghĩa, trước kia công trình này cũng không sai phạm gì cả? Vì bằng chứng là bây giờ, nó vẫn nguyên trạng, thậm chí phần mái còn được tôn cao lên, tất cả thay đổi chỉ là màu sơn.

Về phía địa phương, ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho rằng công trình sau cải tạo "đã thực hiện đúng phương án được UBND tỉnh phê duyệt, trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư".

Khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng hồi tháng 11-2009. Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Dù Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, yêu cầu phải dỡ bỏ công trình, tuy nhiên UBND tỉnh Hà Giang vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại công trình sai phạm này. Có ý kiến cho rằng, từ chỗ là một công trình vi phạm, nay nhà hàng đã chính thức được “xóa tội”, được phép khai thác phục vụ thành điểm “dừng chân ngắm cảnh” và bán vé thu tiền.

Nếu như công trình sai phạm nào cũng được “xử lý” theo kiểu hơi khó hiểu như thế này, thì các di sản, các công trình khác nữa sẽ ra sao?

Sau nhà hàng Panorama, ai dám chắc rồi đây sẽ không có thêm những công trình na ná như thế xâm phạm vào các di tích thắng cảnh, rồi lấy lý do “lỡ làm” để được quyền tồn tại sau những chỉnh sửa theo cách....to hơn cái vi phạm?

Được biết, giới kiến trúc sư có nhiều người đã lên tiếng thể hiện thái độ không đồng tình với kiểu “cải tạo” có cũng như không của nhà hàng này. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, người tham dự cuộc họp bàn phương án sửa chữa, cải tạo nhà hàng Panorama hồi tháng 3, cho rằng "lẽ ra khi cải tạo, những phần nào liên quan đến kết cấu đảm bảo cho công trình an toàn thì giữ lại, còn phần giật cấp ra phía sông Nho Quế nên bỏ bớt". Vậy tại sao sau khi cải tạo, mọi thứ vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn hoành tráng hơn?

Dư luận đang theo dõi câu chuyện của nhà hàng Mã Pì Lèng để xem, những quy định của Luật Di sản sẽ được các địa phương tuân thủ ra sao, hay đây là trường hợp điển hình của sự “uyển chuyển” đang sai thành đúng?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/cai-tao-kieu-ma-pi-leng-lo-xay-tien-thephinh-to-3424873/