Cái sự tiện

Thời bây giờ, cuộc sống so với vài ba chục năm trước thôi đã có thêm không biết bao nhiêu sự thuận tiện, tiện lợi, tiện ích, tiện nghi. Đi lại có đường sá lát xi măng, trải nhựa từ xóm ngõ đến cao tốc, cầu nhỏ, cầu lớn, xe máy, ô tô, máy bay giá rẻ, lại có cáp treo vượt núi…

Ăn, ở có nhà xây tránh mưa, bão và điện nước, internet cùng đủ thứ đồ gia dụng. Mua bán qua mạng từ đồ tươi sống đến thức ăn nấu sẵn, ăn uống nhanh. Ru con, cho con ăn có ti vi, băng hình, băng nhạc, trẻ không có chỗ chơi thì đưa cho chúng cái điện thoại cầm tay hoặc cho bật máy tính, tự nó mày mò rồi biết dùng hết và chìm trong đó…

Tiện nhiều, trăm ngàn cái sự tiện thì sinh ra tùy tiện, ỷ lại. Thói tùy tiện của người dân làm nông nghiệp, tiểu thủ công cá thể nhỏ lẻ, manh mún ngăn cản tầm nhìn xa rộng nay có thêm nhiều thuận tiện nên sản xuất, kinh doanh, buôn bán ngay tại nhà, xả thải ra vườn, ao nhà mình rồi cả đường làng, cánh đồng, sông suối; ở đô thị là cống rãnh, là đổ phế thải trộm… Cũng vì chỉ thấy tiện lợi cho mình mà người ta xây nhà, dựng quán chen chúc ở những khu phố, tụ điểm dễ buôn bán làm ăn để phố mới mà xấu hơn phố cũ, đến hè đường cũng không có, còn trên không là chằng chịt dây điện, dây cáp.

Nhiều phương tiện, tiện ích mới thuận lợi, con người ngày càng thích nghi với cái mới mà quên đi, mất đi những kỹ năng vốn có như nấu bếp củi, bếp rơm, trấu, thậm chí mất cả thói quen đi bộ. Trẻ em sẵn máy tính trong tay nên tính nhẩm kém, không còn sẵn ao, hồ nên rất ít em biết bơi. Con người sống phụ thuộc vào tiện ích mà ngày càng xa thiên nhiên, nắng một chút, mưa gió một chút là khó chịu, nhức đầu, sổ mũi.

Nhưng luôn phải tạo nên sự thuận tiện và mọi tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu mới, nâng cấp cuộc sống mọi mặt cho con người là xu thế phát triển tất yếu của cả nhân loại. Đô thị rồi làng quê sẽ ngày càng phải thông minh hơn, thời khoa học và công nghệ mới cho phép ngay cả một đất nước phát triển sau cũng có thể hướng tới. Có điều, khoa học không chỉ để giải quyết các tiện lợi, tiện ích mà còn phải được nắm bắt và làm chủ để tạo nên sự phát triển hài hòa, toàn diện cho con người. Trước hết là tư duy khoa học về tổ chức. Kỹ năng bơi lội ư? Chẳng có thứ công nghệ nào thay thế cho chính mỗi em phải tự nhảy xuống hồ mà học. Thể dục thể thao rèn luyện thân thể hay văn hóa, văn học nghệ thuật làm con người tử tế, đàng hoàng, giàu cảm xúc, tâm hồn cũng vậy, đều phải tự thân học và tập mới nên người. Khoa học tổ chức phải nâng tầm nhìn xã hội để đồng thời vừa đáp ứng những nhu cầu tiện ích, vừa có thái độ đúng trong việc giải quyết, đáp ứng những nhu cầu “phi tiện nghi, tiện ích”. Không chủ động và kiên quyết trong quy hoạch, đầu tư, con người không có không gian sống thoải mái ngoài phòng máy lạnh. Đơn giản là chỗ chơi, chỗ tập cho cả người lớn và con trẻ.

Vì sao người ta ngày càng cần, càng thích đi hành hương, du lịch? Ham hiểu biết và gặp gỡ, đúng rồi, nhưng còn bởi họ khát thèm thiên nhiên thoáng đãng sau sự tù túng, ồn ào, chen chúc nơi đô thị tiện nghi. Thật tiếc, trong khi nhà cứ chồng cứ lấn thì ao, hồ, sân vận động, sân trường, công viên cứ bị lấp, bị co bé lại. Ở nhiều nơi, những công viên đã có thì vẫn sơ sài, nghèo nàn và tẻ lạnh như bao năm trước.

Nhìn những đứa trẻ nô đùa, chạy nhảy trong vườn hoa, công viên, những phố đi bộ hay vầy nước, vầy bùn, tập bắt cá ở những làng quê, khu vui chơi xa đô thị... ta như được vui lây. Vui mà chạnh lòng ao ước có nhiều hơn những tiện lợi “phi tiện nghi” cho trẻ.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cai-su-tien-544484