Cái sảy nảy cái ung

Tất cả các chứng chỉ dù mới hay cũ cũng cần phải làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để khi cấp cho người học không bị vướng và gặp rắc rối như sự việc nói trên, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học và thi.

Câu chuyện chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cuối tháng 11-2022 dậy sóng khi Bộ GD-ĐT có công văn gửi các sở GD-ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP (quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục) và Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT (về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài).

Tiếp đó là từ Hội đồng Anh (British Council), Tổ chức giáo dục IDP (Australia), hai đơn vị được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS (International English Language Testing System) cho đến hàng loạt đơn vị khác cũng đã dừng các kỳ thi tiếng Anh, kỳ thi năng lực Hán ngữ (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK) và tiếng Nhật (NAT-Test)...

Tuy nhiên, khi triển khai lại, một số đơn vị đã vô tình hoặc cố ý tổ chức thi và cấp chứng chỉ khác với quy định của Bộ GD-ĐT. Và cái sảy đã nảy cái ung khiến hàng trăm người học dù tốn tiền, có chứng chỉ quốc tế nhưng vẫn không được các trường công nhận!

Những ngày gần đây, hàng trăm sinh viên tốn hàng triệu đồng để thi (ngày 25-11-2022) chứng chỉ Aptis General của Hội đồng Anh nhưng khi nộp thì các trường đại học (ĐH) lại không công nhận. Cụ thể, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hàng trăm sinh viên khi nhận chứng chỉ Aptis General đến nộp thì cán bộ phụ trách nghi ngờ về tính pháp lý và không chấp nhận.

Theo lý giải của nhà trường, từ ngày 11-11-2022, Bộ GD-ĐT cấp phép cho Hội đồng Anh tổ chức thi Aptis và cấp chứng chỉ Aptis ESOL chứ không phải chứng chỉ Aptis General. Vì vậy, chứng chỉ Aptis General mà sinh viên nhận được từ kỳ thi do Hội đồng Anh tổ chức ngày 25-11-2022 là không đúng với quy định của Bộ GD-ĐT.

Trước thực tế này, rất nhiều sinh viên đã đến văn phòng đại diện Hội đồng Anh tại quận 10, TPHCM đề nghị đơn vị này giải quyết vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 27-12-2022, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có công văn gửi Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) về nội dung liên quan đến chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh cấp.

Đến ngày 9-1-2023, Cục Quản lý Chất lượng có công văn phản hồi với nội dung: Bộ GD-ĐT đã phê duyệt việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển Giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh) tại quyết định số 3646 ngày 11-11-2022.

Tại Quyết định số 3646, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể chứng chỉ được cấp là Aptis ESOL. Nếu các đơn vị trên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis khác với chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT là không đúng quy định.

Theo đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngày 10-2-2023, nhà trường đã có buổi làm việc với đại diện của Hội đồng Anh, các đơn vị liên kết tổ chức thi và đại diện Bộ GD-ĐT về việc thi cấp chứng Aptis General trong thời gian từ ngày 11-11-2022 đến ngày 22-12-2022.

Tại buổi làm việc này, Hội đồng Anh và các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ Aptis General trong thời gian nói trên là sai với quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời cam kết giải quyết quyền lợi cho người học theo hướng hoàn tiền hoặc sẽ tổ chức kỳ thi khác để lấy chứng chỉ theo người học mong muốn.

Tiếp đó, đến ngày 16-2, Văn phòng Hội đồng Anh (tại TPHCM) ra thông báo và cam kết đang làm việc tích cực với cơ quan quản lý nhà nước cùng Trường ĐH Tôn Đức Thắng để giải quyết các vấn đề nêu ra.

Cùng với đó, thông báo cũng cho biết sẽ có phản hồi bằng văn bản chính thức tới thí sinh trước 17 giờ ngày 22-2 thông qua địa chỉ email của thí sinh… Hội đồng Anh mong muốn sự hợp tác từ tất cả thí sinh và sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết thấu đáo vấn đề này.

Về phía nhà trường, để giải quyết cho hàng trăm sinh viên đã nhận chứng chỉ Aptis General, trường vẫn linh động cho sinh viên đăng ký các môn học thay thế để kịp tiến độ tốt nghiệp. Mặt khác, trường cũng gia hạn thêm thời gian nộp chứng chỉ ngoại ngữ để sinh viên có thời gian thi và nhận chứng chỉ khác theo đúng quy định của nhà trường.

Từ vụ việc này và cả những nguyên nhân dẫn đến việc Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trước đó, Hội đồng Anh (đơn vị quản lý bài thi, cấp chứng chỉ) cần phải nghiêm túc xem lại cách làm việc của chính mình.

Trước hết phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tất cả các chứng chỉ dù mới hay cũ cũng cần phải làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để khi cấp cho người học không bị vướng và gặp rắc rối như sự việc nói trên, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học và thi.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cai-say-nay-cai-ung-post679242.html