Cai rượu đột ngột, nhiều người hóa tâm thần, liên tục chửi vợ, chửi bác sĩ, nói năng mê sảng

Đây hầu hết là các bệnh nhân nghiện rượu lâu năm, lệ thuộc rượu nên khi ngừng uống rượu hoặc do bị ảnh hưởng lớn đến thần kinh gây ra tình trạng sảng rượu. Bệnh nhân liên tục chửi bới, chửi vợ, chửi người xung quanh, chửi bác sĩ.

Hóa điên dại sau những ly rượu

Tại phòng cấp cứu, khoa Tiêu hoa, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 10 - 12 giường thì lúc nào quá nửa số đó cũng là bệnh nhân sảng rượu. Họ luôn trong tình trạng hò hét, chửi bới, đòi cởi dây trói, đòi dứt ống truyền, đòi giết người, đấm đá trong cơn sảng.

Sảng rượu

Sảng rượu xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu sau khi đã ngừng uống rượu (ngừng nhiễm độc rượu) một thời gian. Hình ảnh lâm sàng của nó được biểu hiện bằng hội chứng mê sảng, bằng các ảo thị giác giống sân khấu rực rỡ, hưng phấn vận động, tăng thân nhiệt.

Có một nam bệnh nhân, nhập viện khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai vì hạ kali máu, liệt ruột sau khi điều trị tại Bệnh viện tuyến tỉnh 2 tuần không có kết quả. Khi mới vào phòng cấp cứu, bệnh nhân liên tục chửi bới, chửi vợ, chửi người xung quanh, chửi bác sĩ.

Để tránh bệnh nhân gây rối, hành hung người khác, nhân viên y tế buộc phải trói tay người này lại. Thế nhưng khi còn 2 đôi chân tự do, ông này liên tục giơ chân đá, đạp những người ngồi cạnh.

Rượu nguy hiểm hơn cả ma túy, thuốc phiện vì nó gây ra hàng loạt hệ lụy cho sức khỏe người uống

Khi nhân viên y tế đến lấy máu, bệnh nhân này nằm chửi, bỗng vặn mạnh nữ nhân viên y tế đến mức người nhà gỡ mãi, kéo rách găng tay mới đỡ được tay ra. Rồi sau đó, ông liên tục kêu lên là có người giết mình.

Cũng tại phòng cấp cứu đó, mỗi ngày các nhân viên y tế liên tục xử lý các thể loại bệnh nhân, từ ngất, mê sâu, điên loạn… Nhiều hôm, chính nhân viên y tế bị các bệnh nhân hành hành, đánh mắng, chống đối y lệnh.

Chuyện bị bệnh nhân ấn đầu chửi, xua đuổi, nhổ nước bọt vào mặt là chuyện rất bình thường với hầu hết bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc những bệnh nhân bất bình thường này.

Đây hầu hết là các bệnh nhân nghiện rượu lâu năm, lệ thuộc rượu nên khi ngừng uống rượu hoặc do bị ảnh hưởng lớn đến thần kinh gây ra tình trạng sảng rượu. Những lúc này, bệnh nhân không kiểm soát được ý nghĩ, hành động, gần giống các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.

Chăm người chồng nhập viện Khoa Tiêu hóa trong tình trạng bụng trương căng như chửa, chị N.M.T (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết: “Mỗi lần cai rượu vài tháng, bụng ông ấy xẹp nhưng uống rượu lại, gan có vấn đề nên căng cứng lên.

Ông ấy nhiều lúc thơ thẩn như người dở. Có những đợt, đêm ông ấy không ngủ cứ ra đứng bám ở cổng nhà nhìn trân trân. Tôi cho nhập viện, khi nhìn thấy một anh cao lớn thì ông ấy cứ quỳ xuống lậy xin đừng giết. Đợt này đỡ tâm thần rồi đấy, chỉ ngơ ngơ ngẩn ngẩn thôi”.

Cai rượu khó hơn cai thuốc phiện

Nhiều bệnh nhân cai nghiện rượu trong tình trạng vật vã và vô cùng nguy kịch (Ảnh: Internet)

PGS. TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, sảng rượu là một cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp, phát triển trên nền một hội chứng cai rượu nặng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tỷ lệ tử vong của sảng rượu là 22-33%. Bác sĩ cho biết so với nghiện ma túy, nghiện rượu khá phức tạp.

Ở giai đoạn khởi phát, sảng rượu đột ngột, cấp tính trong khoảng thời gian từ một đến vài ngày sau khi ngừng uống rượu. Biểu hiện ban đầu của sảng rượu là bệnh nhân mất ngủ, chếnh choáng, run lẩy bẩy, rối loạn thần kinh thực vật (đỏ da, mạch nhanh, ra nhiều mồ hôi, đánh trống ngực, lo lắng, sợ hãi).

Quãng thời gian từ lúc ngừng rượu cho đến khi có sảng rượu là khác nhau, thường từ 1-2 ngày, nhưng có trường hợp phải sau 3-4 ngày. Sảng rượu luôn được bắt đầu bởi cơn co giật kiểu động kinh, vì vậy, nếu bệnh nhân cai rượu có cơn co giật kiểu động kinh thì cần phải đề phòng sảng rượu.

Khi sang giai đoạn toàn phát, sảng rượu thường xuất hiện sau cai rượu 3-5 ngày và có triệu chứng rất đa dạng và phong phú. Sảng rượu bao gồm 3 triệu chứng chính như mất ngủ hoàn toàn, rối loạn ý thức, rối loạn định hướng bản thân (không biết mình là ai) cho đến hoang tưởng và ảo giác rất rầm rộ.

Các hoang tưởng và ảo giác này có bất kỳ lúc nào trong ngày và chi phối hành vi của bệnh nhân. Vì vậy họ hay vùng chạy đột ngột, tấn công các kẻ thù vô hình... kết quả là có thể gây ra các tai nạn (ngã, chạm vào ổ điện, chém vào chân mình) có thể gây ra tử vong. Các triệu chứng của sảng rượu thường tăng lên về chiều tối và giảm đi vào buổi sáng.

Bác sĩ cho biết, muốn cai rượu, người nghiện phải nhập viện bởi trong quá trình cai có những tai biến, nguy hiểm sẽ xảy ra, rất dễ tử vong. Thông thường, bệnh nhân nghiện rượu phải nằm viện 3-4 tuần, sau đó mới điều trị củng cố tại nhà. Khi đó, họ được uống thuốc chống tái nghiện rượu.

H.N

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/cai-ruou-dot-ngot-nhieu-nguoi-hoa-tam-than-lien-tuc-chui-vo-chui-bac-si-noi-nang-me-sang-d10899.html