Cái nút áo

Trong khi thế giới này là những gì to tát thì cái nút áo có phải là chuyện nhỏ xíu? Thử hỏi bạn, cái nút áo gợi ra điều gì?

Trong khi thế giới này là những gì to tát thì cái nút áo có phải là chuyện nhỏ xíu? Thử hỏi bạn, cái nút áo gợi ra điều gì?

Cô chủ nhỏ Huỳnh Thị Diễm Thy đang nuôi ý tưởng đầu tư làm những bộ nút hoàn chỉnh từ gáo dừa.

Cô chủ nhỏ Huỳnh Thị Diễm Thy đang nuôi ý tưởng đầu tư làm những bộ nút hoàn chỉnh từ gáo dừa.

1.Huỳnh Thị Diễm Thy, con gái ông Hai Kháng ở Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nói rằng đó là tương lai. Và tương lai đó từng là giấc mơ của cô.

Lớn lên trong xóm nhỏ này, ra chợ học tới năm thứ hai đại học ngành thủy sản, Thy phải nghỉ học giữa chừng, trở về nhà giúp cha lo cho các em
ăn học.

Bãi gáo dừa - lớn chưa từng thấy- nằm sâu trong con đường quanh co, vừa đủ cho xe tải ba tấn rưỡi ra vào. Cả chục năm nay, bãi gáo dừa - vận chuyển theo đường sông, đường bộ - đốt miểng gáo làm than - hết lớp này tới lớp khác - cứ như là chưa bao giờ vơi. Trong sâu thẳm, cô nhìn thấy công ăn việc làm của cha mình như “mắc kẹt” giữa gia cảnh nhiều miệng ăn, thu nhập không mấy gì khấm khá và tuổi đã vào thất tuần. Thy tiếp nhận công việc xử lý gáo dừa không có gì ầm ĩ. Nhưng nếu xe chở gáo dừa ra vào hư đường thì sẽ thành lớn chuyện. Ðầu tiên, DNTN Hai Kháng cam kết tu bổ khi đường xuống cấp, đơn giản vì đó là dòng chảy nguyên liệu và sự tự giác của gia đình ông Hai Kháng. Thực ra là ý nguyện của Thy.

Mỗi ngày, Thy phân loại gáo dừa, tự hỏi những loại gáo chắc - bóng, màu sắc lạ thường mà mình không thể làm gì khác hơn? Cô bắt đầu tuyển chọn 20-30% gáo “thượng hạng” và thử làm phôi nút áo, số còn lại làm than cung cấp cho công ty Trà Bắc làm than hoạt tính.

Ðến lúc phải thay đổi từ con số 20-30% này! Ngay tức thì, Thy nhận được “hảo ý” của một doanh nghiệp cho mượn máy đạp phôi nút áo và lời cam kết bao tiêu sản phẩm. Không thể làm thủ công vì đây không phải là trò vui? Cuộc đời đâu có dành sẵn thú vui cho người hầm gáo dừa! Mải miết gia công, về sau cô mới biết, cho mượn máy đạp phôi nút và giá trừ cấn - cuối cùng giá mua phôi nút lèng phèng so những nơi khác. Thy tự hiểu cảnh ngộ khó khăn của nhà mình đã bị đối tác đặt dưới lợi ích của họ. Ðiều đó không thể chấp nhận được đối với lớp trẻ. Ðã đến lúc phải vượt qua cánh cửa hẹp gia công để mở ra khung trời rộng lớn hơn cho nút áo từ gáo dừa.

Năm 2020, cô xây dựng xưởng mới, làm dây chuyền cắt than thô, làm mới kho chứa phôi nút áo và mua thêm máy đạp nút. Nếu không có động lực 800 triệu đồng từ Dự án SME Trà Vinh (Small & Medium Enterprise Project - Canada) mọi việc muốn nhanh cũng phải… từ từ. Có sự hỗ trợ 30 máy, lắp đặt hệ thống điện cho máy đạp nút, mua sắm vật tư thiết bị cải thiện dây chuyền cắt than và cải tạo hệ thống xử lý khói lò than gáo dừa giảm ô nhiễm môi trường, Thy mừng vì đã có 60 máy đóng phôi, nhà xưởng hợp lý hơn. Gia đình mạnh dạn “bơm” trên 1 tỉ đồng đối ứng để thực hiện cuộc thay đổi bứt phá này. “Mua 1 tấn gáo dừa làm được 300kg nút, cứ 1kg gáo dừa làm 200 phôi nút, lợi nhuận gần bằng 700-800kg gáo dừa còn lại hầm than” - Thy đã có lời giải cho bài toán tương lai.

“Nguồn gáo dừa và kinh nghiệm làm nút hoàn toàn hứa hẹn khả năng làm ra những chiếc nút hoàn hảo” - Thy không hề giấu mong muốn của cô. Và, điều đó là một bài toán còn hóc búa hơn hành trình gom góp vốn liếng đầu tư đối ứng máy móc, nhà xưởng vừa qua.

2.Cô chủ nhỏ học được sự ẩn nhẫn từ cha và sứ mệnh lo cho các em ăn học - dạy cho cô cách tiến thủ dựa vào thực địa.

Thằng Út vừa tốt nghiệp đại học ngành kế toán, đang ngồi kế bên chị. Giờ đây, DNTN Hai Kháng có hai nhóm sản phẩm, có một thế hệ trẻ học hành đàng hoàng trở về quê.

Mấy chị em đồng cảm với chòm xóm không có việc làm, nhìn tình cảnh những người rời quê, tha hương tìm việc, trở về sau đại dịch… Sự thống khổ giống như ai đó dồn nước đá vào cột sống. Thy nói: “98 lao động thì 72 người làm ở xưởng nút, 68 lao động nữ. Nhiều người từ Bình Dương, Ðồng Nai trở về sau đại dịch. Những bất trắc, rủi ro khi xa xứ dạy cho họ giá trị sống, việc làm và bây giờ cần một chốn bình yên để thoát khỏi ám ảnh sau đại dịch”. Và, người trở về bầm dập trong đại dịch trở thành hình mẫu của sự tận tụy trong xưởng nút.

Những lao động trong xóm học nghề vài tuần, thạo việc thành thợ chính trong xưởng nút, thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường. Gia đình Kim Thi mắc nợ ngân hàng - vợ làm ở xưởng từ hồi gia công, chồng chạy lon ton không có gì ổn định bên ngoài. Mở rộng xưởng nút, chồng vô xưởng làm một tháng rưỡi là rành. Mỗi tháng vợ chồng thu nhập khoảng 15 triệu đồng, khéo dành dụm rồi sẽ trả được nợ. Lao động học việc được hỗ trợ 150.000 đồng/ngày. Lao động nữ quen việc được trả lương 6-6,2 triệu đồng/tháng; nam: 7,6-7,8 triệu đồng/tháng. Tiền ở đâu ra để Thy cân bằng sinh hoạt của những người hàng xóm này? Chỉ tới khi xưởng nút mở rộng, Thy mới có thể “phá trận”, tìm ra con đường mới, thay đổi sinh mệnh cho bãi gáo dừa.

Bản thân cô chủ nhỏ cũng không ngờ từ 20 người làm việc ở bãi nguyên liệu, nay đã trên trăm người… Mọi thứ phải được tổ chức quản lý chuyên nghiệp, từ sản xuất tới nhận đặt hàng trực tiếp và tạo thói quen cùng nhau gồng gánh công việc. 19 lò đốt than gáo dừa, mỗi ngày doanh nghiệp mua 60-70 tấn nguyên liệu từ các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng… tương ứng số vốn lưu động hàng chục tỉ đồng. Nếu chỉ là việc đốt than, dù xử lý qua hệ thống lọc bằng nước, tận dụng than mịn cung cấp cho các cơ sở làm than BBQ… vẫn còn việc phải làm nhiều việc nữa, nhưng chưa chắc có thay đổi lớn.

3.Nếu đủ lực làm xưởng nút hoàn chỉnh thì cái xóm nhỏ này có biết bao thay đổi nữa.

Mất 6 năm để ổn định nguồn cung nguyên liệu, mỗi tháng cung cấp 400 tấn than gáo dừa cho Trà Bắc làm than hoạt tính, nhưng chỉ cần 2 năm kể từ ngày nhận gói hỗ trợ của dự án SME, DNTN Hai Kháng đã tăng tốc cải tiến hoạt động và phát triển sản phẩm mới - cung cấp 60-70 tấn phôi nút ra thị trường với giá trị không hề nhỏ.

Liệu cơm gắp mắm và tiếp tục nuôi hy vọng, Thy nói rằng cô sẽ nâng tỷ lệ nguyên liệu làm nút và đốt than ngang nhau (50-50) vì xưởng nút thân thiện môi trường và là hệ thống độc lập, còn hầm than là một mắc xích trong chuỗi than hoạt tính cho Trà Bắc, mọi thứ phải chạy đều.

Vẫn còn nhiều thách thức vì thiếu điện 3 pha, con đường nhỏ uốn lượn vào trong xóm, xe nhỏ tránh nhau đã khó, xe lớn không vào được… Vậy mắc gì mà không mơ ước chứ? Con gái ông Hai Kháng xòe đôi bàn tay với những phôi nút áo, đôi mắt tinh anh chứa đựng viễn cảnh rộng mở. Bài học rút ra trong chặng đường đã qua là gì? “Muốn có sự hỗ trợ thì phải có ý tưởng sáng tạo, hành động mới mẻ” - Thy nói. Còn tương lai? Các chị, các cô ở đây có thể tranh thủ lúc nông nhàn vào làm tại xưởng. Hiện nay, 90% lao động nữ tại xưởng là bà con Khmer, người trong xóm không phải lang thang tìm việc, ổn định rồi thì lo cho con cái ăn học cũng dễ hơn.

Một chốn bình yên trong thôn xóm, lớp trẻ trở về nhà dụng sở học để tạo việc làm; những gấu ó, bê tha ở đâu đó sẽ tan biến hết, bọn trẻ sẽ tới trường và ở đâu đó trên thế giới này - mỗi khi chạm tới cái nút áo là người ta nhớ tới Hai Kháng, Trà Cú. Mơ ước đó của Thy có quá xa xôi?

Thy ngồi yên một lúc, tay đặt lên những cái phôi nút, cười hiền nói: “Ðã đi chắc phải đến, hết đêm sẽ tới ngày”.

Ngoài kia, nắng rọi qua những vườn dừa mờ sương thành từng tia hình rẽ quạt lung linh; sau mấy khúc quanh là tới đường cái thênh thang.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cai-nut-ao-a155658.html