'Cái nôi' của nhiều thế hệ người dầu khí Việt Nam

Nhân Kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959 - 23/7/2019), Báo Năng lượng Mới phỏng vấn Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Bacu (1971-1976), xung quanh sự kiện đặc biệt này.

PV: Thưa tiến sĩ, là người gắn bó với công nghiệp dầu khí từ hơn 40 năm qua, cảm xúc của ông thế nào khi nhớ về sự kiện Bác Hồ kính yêu của chúng ta tới thăm Bacu và đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Ngày 23-7-1959, khi thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu, Thủ đô Cộng hòa Azerbaijan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí nước bạn rằng: Việt Nam có biển, nhất định sẽ có dầu, Người hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí Liên Xô và Azerbaijan sẽ giúp Việt Nam tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu.

Sự kiện Bác Hồ thăm Bacu đến nay đã tròn 60 năm. Câu nói của Bác hàm chứa hy vọng, ước muốn của Người hơn là lời tiên tri. Mặc dù trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã không ít lần dự đoán chính xác những sự kiện có tính dấu mốc lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân loại.

Có một điều rất đặc biệt là chuyến thăm của Bác Hồ tới Bacu diễn ra năm 1959 thì không lâu sau đó, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36. Năm 1966, thế hệ lưu học sinh đầu tiên gồm 8 người đã đến học tại Trường Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan mang tên Azizbekov, Cộng hòa XHCN Azerbaijan - thành viên của Liên bang Xô-viết - để theo học ngành địa vật lý thăm dò.

Tư tưởng của Bác Hồ đã được bắt đầu hiện thực hóa kể cả trong thời điểm đất nước có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vô cùng khó khăn, gian khổ. Những năm tiếp theo, số sinh viên không ngừng tăng lên, phạm vi chuyên môn không ngừng mở rộng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí. Khóa 1967-1972 có 12 người học địa vật lý thăm dò, khóa 1968-1973 là 18 người. Những khóa sau, mỗi năm có khoảng 30-40 người gồm các chuyên ngành địa chất dầu, hóa dầu, địa vật lý, khoan, khai thác dầu… Trường Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan là trường cấp Liên bang Xô-viết nổi tiếng thế giới và là trường đại học số 1 của Liên Xô về công nghiệp dầu khí.

Tầm nhìn của Hồ Chủ tịch và lãnh đạo đất nước giai đoạn đó còn thể hiện ở khía cạnh sâu xa ở chỗ, Azerbaijan lúc đó là nơi đầu tiên ở Liên Xô khai thác dầu khí trên biển Caspian. Sau này, Việt Nam chủ yếu tìm thấy dầu khí trên Biển Đông.

Có điều đáng ghi nhận nữa là chỉ riêng Trường Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan đã đào tạo 65 kỹ sư, tiến sĩ cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Nhiều thế hệ lãnh đạo cũng như chuyên gia hàng đầu của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hầu hết đều là cựu sinh viên, nghiên cứu sinh của Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan. Hiện nay, Vietsovpetro vẫn đang tiếp tục cử sinh viên đi đào tạo bậc kỹ sư và cả bậc nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Công nghiệp Dầu mỏ Quốc gia Azerbaijan.

Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tính đến năm 2018, tổng doanh thu đạt trên 374 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỉ USD.

PV: Theo tiến sĩ, những thời điểm nào được coi là mốc son quan trọng trên chặng đường thực hiện tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Mốc son đầu tiên chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vùng mỏ dầu Bacu, đề nghị Liên Xô và Cộng hòa Azerbaijan giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, ngày 23-7-1959.

Những mốc son tiếp theo là ngày Tổng cục Địa chất ra quyết định thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36, nay đã trở thành Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam, ngày 27-11-1961.

Ngày 18-3-1975, mỏ khí đầu tiên - mỏ Tiền Hải C ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình được phát hiện. Đây là mốc quan trọng đối với lĩnh vực thăm dò và phát triển công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Ngày 7-7-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh.

 Tàu FPSO PTSC LAM SON

Tàu FPSO PTSC LAM SON

Ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị có Kết luận số 41-KL/TW và ngày 9-3-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.

Và, một mốc son hết sức quan trọng, một động lực mới cho ngành Dầu khí, là ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tính đến năm 2018, tổng doanh thu đạt trên 374 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỉ USD.

PV: Trước kia là sinh viên, nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan, tiến sĩ nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ của hai nước trước đây, hiện nay và trong tương lai?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Các trường đại học Cộng hòa Azerbaijan đã đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Riêng Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan, nay là Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan, trong 50 năm qua (1967-2017) đã đào tạo cho Việt Nam trên 500 người trình độ từ kỹ sư trở lên.

Ngày 23-9-2017 đã diễn ra lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Azerbaijan, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho 3 trường đại học có cống hiến xuất sắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước: Đại học Quốc gia Bacu, Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan, Đại học Quân sự Azerbaijan mang tên Heydar Aliyev. Trường Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan trước đó đã được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Một nét rất độc đáo là quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên cả 4 lĩnh vực ngoại giao, cụ thể là: Quan hệ ngoại giao nhà nước; quan hệ hai đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Azerbaijan Mới; quan hệ giữa hai Quốc hội và quan hệ hữu nghị nhân dân. Điều này thật hiếm có trong lịch sử ngoại giao quốc tế.

Quan hệ hai nhà nước có bước phát triển mới kể từ khi Cộng hòa Azerbaijan thành lập Đại sứ quán tại Hà Nội, đặc biệt là sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ilham Aliyev đến Việt Nam tháng 5-2014 và chuyến thăm chính thức Azerbaijan năm 2015 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã thành lập Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan. Trong những năm gần đây, Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn nghị sĩ. Quan hệ hữu nghị nhân dân cũng phát triển tốt đẹp mà nòng cốt là Hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan. Thông qua các hoạt động hữu nghị nhân dân, hai dân tộc càng hiểu biết, tôn trọng và gắn bó với nhau hơn, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ giữa hai nhà nước.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vùng mỏ dầu Bacu, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới công lao khai sinh ngành Dầu khí Việt Nam của Bác Hồ kính yêu. Chúng ta cũng ghi nhận đóng góp xuất sắc của các thế hệ kỹ sư, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ về triển vọng và vai trò của ngành Dầu khí Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!

Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cai-noi-cua-nhieu-the-he-nguoi-dau-khi-viet-nam-543775.html