Cái nhìn phương Tây trong pháp du hành trình nhật ký và đi Tây

Ngành nghiên cứu văn hóa đã ra đời vào khoảng những năm 60 của TK XX với mong muốn tìm ra mối liên hệ giữa tác phẩm với bối cảnh văn hóa, xã hội, tư tưởng hệ, quyền lực đương thời. Trong số các trường phái phê bình của nghiên cứu văn hóa, hậu thực dân chỉ ra những di hại của tư tưởng đó lên văn hóa, chính trị, xã hội thuộc địa, đồng thời phát hiện những khả năng kháng cự, tự chủ tiềm tàng ở các chủ thể văn hóa thuộc địa.

Tác phẩm tiêu biểu của Phạm Quỳnh. Ảnh: docsachonline.vn

Trong số các khái niệm công cụ của phê bình hậu thực dân, cái nhìn là một khái niệm quan trọng để giải mã cơ chế sản sinh ra các diễn ngôn thực dân, của nhà văn thuộc địa. Chúng tôi muốn sử dụng khái niệm này để giải mã cái nhìn phương Tây, điều cơ bản làm nên sự khác biệt giữa hai tác phẩm Pháp du hành trình nhật ký, Đi Tây của Phạm Quỳnh, Nhất Linh, hai nhà văn, nhà chính trị, văn hóa tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn đầu TK XX.

Cái nhìn phương Tây từ góc độ phê bình hậu thực dân

Bách khoa từ điển lý thuyết phê bình văn học, văn hóa đã định nghĩa thuật ngữ cái nhìn như sau: “Cái nhìn, đặc biệt là cái nhìn của nam giới, là một trong những vấn đề trung tâm trong nghiên cứu điện ảnh, phê bình giới, phê bình hậu thực dân cũng như các lĩnh vực phê bình hàn lâm khác. Nói một cách đơn giản, cái nhìn (the gaze) là cái nhìn (the look) được tạo ra bởi người sản xuất thông điệp, tiếp theo là người tiếp nhận thông điệp trong quá trình tạo ra ý nghĩa. Nó thường được dùng để chỉ cách thức mà điện ảnh, sau đó là các sản phẩm văn hóa khác (trực quan hoặc không) dẫn khán giả nhìn mọi thứ theo một hướng nhất định, tiết lộ cùng một lúc thế giới quan của nhân vật trong phim, tư tưởng đằng sau máy quay” (1). Trong bài tiểu luận Khoái cảm nghe nhìn và điện ảnh có tính tự sự, Laura Mulvey đã đưa khái niệm về cái nhìn của đàn ông thành tiêu điểm bằng việc cho rằng điện ảnh Hollywood chính thống sử dụng ba cái nhìn: cái nhìn của máy quay; từ các nhân vật; đồng lõa của khán giả, để tạo ra khoái cảm của nam giới khi xem phim thông qua sự hạ bệ người phụ nữ, từ đó củng cố hệ tư tưởng gia trưởng bền vững. Tương tự, phê bình hậu thực dân, đã chỉ ra cái nhìn thực dân áp đặt phương Tây là chủ thể, chuẩn mực, trung tâm, còn phương Đông ở vị thế đối tượng thụ động, phi chuẩn, là cái khác so với phương Tây. Dưới cái nhìn đế quốc, người bị quan sát thấy mình được định nghĩa theo tập hợp các quan niệm về giá trị của người quan sát đặc quyền. Như vậy, những định nghĩa ban đầu về cái nhìn đều xuất phát từ quan niệm: cái nhìn kiểu này là đặc quyền của kẻ nắm quyền lực, dưới ảnh hưởng của cái nhìn này, kẻ bị nhìn (không có quyền lực hoặc ít quyền lực hơn) buộc phải điều chỉnh hành động của mình theo hướng kẻ nhìn mong muốn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng không chỉ có cái nhìn của kẻ giữ quyền lực (đàn ông, thực dân) mà còn có cái nhìn ngược lại của người ở vị thế bị áp chế cũng có thể gây áp lực, biến đổi lên kẻ giữ quyền lực. Trước hết là cái nhìn của phụ nữ. Khác với Mulvey, Brenda nghiên cứu cái nhìn của nữ giới trong bộ phim Thelma và Louise đã giải cấu trúc cái nhìn nam giới bằng cách từ chối, chế nhạo tư tưởng gia trưởng, hạ bệ đàn ông, ca ngợi tình bạn giữa nữ giới, để kết luận rằng cái nhìn nữ giới được kiến tạo trong bộ phim đã khuyến khích phụ nữ tìm thấy niềm vui trong quyền lực nữ giới, thách thức các mối liên kết cố hữu của điện ảnh truyền thống với nam tính. Kevin Goddard cũng chỉ ra, dẫu cho bản sắc của đàn ông không còn được hình thành một cách độc đoán như trước đây, chúng vẫn bị quyết định bởi sự kỳ vọng của phụ nữ đối với họ, nói cách khác, bởi cái nhìn nữ giới. Như vậy, cái nhìn giờ đây là sự trao quyền có tính hai chiều, chứ không phải một chiều nữa. Tương tự như vậy, cần nghiên cứu cái nhìn phương Tây, ngược lại của thuộc địa đối với thực dân ở hai khía cạnh: sự ảnh hưởng, đồng hóa của cái nhìn thực dân tới cái nhìn của người thuộc địa; sự kháng cự lại cái nhìn của thực dân trong tinh thần tự chủ, phê phán của người thuộc địa.

Từ các định nghĩa trên, đặc biệt là từ lý thuyết phê bình hậu thực dân đã đi đến một cách định nghĩa đơn giản về cái nhìn là hành động nhìn có ẩn chứa định kiến hoặc tư tưởng của chủ thể. Hành động nhìn mang tính hai chiều, vừa chủ động, vừa bị động (nhìn trong sự ý thức rằng mình đang bị nhìn). Cái nhìn phương Tây trong Pháp du và Đi Tây rất khác nhau, thể hiện hai tác giả đã chịu ảnh hưởng tư tưởng thực dân, theo những mức độ, chiều hướng, chủ đích khác nhau.

Ảnh hưởng của huyền thoại Pháp Việt đề huề của thực dân Pháp tới trí thức Việt Nam thời thuộc địa

Cụm từ hậu thực dân được xem như là tính từ chỉ sự độc lập của một quốc gia khi thoát khỏi ách thống trị. Chủ yếu chủ nghĩa hậu thực dân nghiên cứu dư hại của tư tưởng thực dân về nền văn hóa, tư tưởng, chính trị, xã hội của các nước thuộc địa, thực dân. Đó còn là sự nghiên cứu, tìm hiểu về sự kháng cự, thích nghi, tiếp biến văn hóa ở nước thuộc địa như là phản ứng tự chủ chống lại chủ nghĩa thực dân.

Thời Phạm Quỳnh, thực dân Pháp đã thay đổi diễn ngôn về mối quan hệ giữa thực dân Pháp với thuộc địa như Việt Nam từ khai hóa sang huyền thoại Pháp Việt đề huề. Sự bất tín đối với văn minh phương Tây do chứng kiến Thế chiến thứ 2 đã khiến cho thực dân buộc phải thay đổi chính sách cai trị của mình. Thay vì như trước đây, thực dân có vị thế ưu việt, do đó có quyền khai thác thuộc địa sinh lợi cho mình, thì từ đây, thực dân cũng có bổn phận san sẻ cho người bản xứ, những người tuy có trình độ văn minh kém hơn mình song cũng là anh em khác màu da. Thay vì chủ trương thay mới toàn bộ nền văn hóa, chính trị thuộc địa theo mô hình mẫu quốc, thực dân cần tôn trọng nền văn hóa truyền thống bởi không thể thống trị một cách yên ổn nếu cưỡng bức thuộc địa dứt khỏi các thể chế chính trị truyền thống của mình. Huyền thoại Pháp Việt đề huề đã bổ sung hoặc thay thế huyền thoại khai hóa ở phương diện chỉ ra thuộc địa cũng có truyền thống văn hóa giống tổ tiên La Mã của thực dân. Thực dân phải thân thiện, tôn trọng, bảo vệ văn hóa của thuộc địa để xây dựng một sự nghiệp chung.

Tư tưởng ngưỡng mộ, hy vọng ở mối quan hệ cộng tác thân thiện giữa thực dân với thuộc địa đã được phản ánh rõ nét qua cách nhìn nước Pháp trong Pháp du của Phạm Quỳnh. Nhưng thực tế, truyền thống mà thực dân chọn lọc để ca tụng, bảo vệ chỉ dừng lại ở nho học, chế độ phong kiến, những thứ có lợi cho sự nô dịch thuộc địa của thực dân. Cuộc đại khủng hoảng kinh tế ở châu Âu, sự cạnh tranh, rục rịch chuẩn bị cho Thế chiến thứ 2 giữa các đế quốc, tình cảnh khốn khó, bất ổn về mọi mặt ở thuộc địa cũng như sự thực dụng, tàn nhẫn của người Pháp đã khiến cho trí thức Việt Nam đánh mất lòng tin vào huyền thoại mới này của thực dân. Sự thất vọng ấy thể hiện rõ trong cái nhìn giải thiêng nước Pháp, mối quan hệ giữa thực dân, thuộc địa của Nhất Linh trong Đi Tây.

Cái nhìn thiêng hóa văn minh phương Tây trong Pháp du Là một quan chức trong chính quyền phong kiến Việt Nam, năm 1922, Phạm Quỳnh được cử sang Pháp với sứ mệnh ngoại giao, học hỏi văn minh. Ông đã viết Pháp du hành trình nhật ký, đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Nam Phong, thuật lại cảm nghĩ, những điều mắt thấy, tai nghe dọc đường sang Pháp cũng như trên đất Pháp.

Sự ngưỡng mộ với sức mạnh, văn minh phương Tây cũng như sự hy vọng ở chủ trương dựa vào Pháp để chấn hưng Việt Nam đã ảnh hưởng lớn tới cách mô tả nước Pháp, các nước thuộc địa của Anh, Pháp mà ông đã ghé chân trong hành trình. Cái nhìn phương Tây của Phạm Quỳnh còn được thể hiện gián tiếp qua cách nhìn các nước thuộc địa. “Quý quốc trong khoảng hai mươi năm gây dựng nơi đây thành một nơi đô hội cũng khá to, thế thì đủ biết người Đại Pháp có cái công khai thác, có cái tài kinh doanh mạnh bạo dường nào” (2).

Bên cạnh đó, Phạm Quỳnh còn bị nhiễm cái nhìn mang định kiến của thực dân phương Tây về người dân thuộc địa như người Chà ở Singapore, Penang, Colombo, người dân bản địa ở Djibouti… Đối lập hoàn toàn với sự bề thế, phát triển của các hải cảng, đô thị là hình ảnh những người dân bản địa mang đầy những nét mông muội, xấu xí trên chính mảnh đất của mình. Khi đến vùng Djibouti, tác giả cũng thấy người thổ dân ở đây dã man, hung hãn, không có một chút văn hóa gì. Cách nhìn này, khá giống với cách mô tả người Việt Nam của nhà văn Pháp Pierre Loti trong Những cảm nghĩ về lưu đầy. Có thể thấy, dù là một người thuộc địa, song giống như Loti, Phạm Quỳnh đã áp cái nhìn của thực dân lên chính những người dân thuộc địa mà ông thấy.

Trong Pháp du, Phạm Quỳnh cũng nhận thấy xã hội Pháp không hoàn toàn là những điều tuyệt mỹ, con người Pháp không hoàn toàn chỉ có những người có văn hóa, lịch thiệp. Đây đó vẫn có một số chi tiết bộc lộ cái nhìn phê phán ở một mức độ nhất định đối với văn minh phương Tây, chính sách thực dân. Ngoài ra, ông còn nỗ lực muốn chứng minh Việt Nam là một nước có bản sắc, truyền thống lâu đời, cái thực dân Pháp cần tôn trọng khi xây dựng chính sách bảo hộ. Khi khảo sát các cảnh quan du ký từ góc nhìn phê bình hậu thực dân, Kim Nhạn khẳng định: “Chúng nói lên sự phân cực của thế giới theo hai phía: các nước thuộc địa và chính quốc... Cách thế ấy thể hiện kín đáo trong du ký, cho thấy một chủ thể Phạm Quỳnh giữa những giao thoa: vừa là kẻ cộng tác, vừa là một người mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa” (3). Tuy nhiên, cái nhìn thần tượng hóa, thiêng hóa nước Pháp vẫn là cái nhìn chủ đạo trong Pháp du cũng như các tác phẩm khác của Phạm Quỳnh.

Cái nhìn giải thiêng văn minh phương Tây, huyền thoại Pháp Việt đề huề trong Đi Tây

Nhất Linh cũng là một trí thức đã từng sang Pháp du học. Trở về, ông viết Đi Tây, một thiên tiểu thuyết có hình thức giả du ký, nhân vật người kể chuyện là Lãng Du với cuộc hành trình sang Pháp du học na ná chuyến Pháp du của Phạm Quỳnh.

Nếu trong Pháp du, cuộc sống của người dân Pháp luôn được mô tả văn minh, thời thượng thì trong Đi Tây lại thiếu vắng tất cả các hình ảnh ca ngợi sự kỳ vĩ của văn minh vật chất, tinh thần nước Pháp. Cái nhìn của Lãng Du đã hạ bệ sự vĩ đại của các công trình kiến trúc, nghệ thuật nổi tiếng của Pháp. Giọng điệu mang hàm ý hài hước, mỉa mai, giải thiêng hình ảnh vĩ đại, bất khả xâm phạm của người thực dân da trắng thông qua sự đánh đồng lẫn lộn bà tượng trắng với tây đen, ông tượng đồng đen. Nếu như trong Pháp du, con người Pháp được kể đến vô cùng thông minh, lanh lợi, giàu tinh thần học thuật, nghệ thuật thì cuộc sống của người dân trong Đi Tây lại được khắc họa tẻ nhạt, tầm thường, chẳng khác gì người dân thuộc địa: “Cả một gia đình, lát nữa trên bãi cỏ ở bên bờ sông, chồng ngồi câu cá, vợ ngồi để nhìn phao, trên cái ghế đó, một bà cụ tóc bạc phơ và một ông cụ râu bạc phơ, ngồi đưa lưng vào nhau há hốc mồm ngủ”(4). Sự thường hóa ấy đã góp phần giải thiêng tính chất lý tưởng của người Pháp, nước Pháp.

Bên cạnh đó, Đi Tây còn nhại cái nhìn thực dân để vạch trần mối quan hệ giữa thực dân với thuộc địa. Khi tàu dừng chân ở một thuộc địa của Pháp trên đường đi, có một người Pháp đã định mua một chiếc quạt địa phương, ông ta đã hỏi ý kiến Lãng Du, anh ta đã trả lời: “Đẹp thì có đẹp, nhưng mà là một thứ đẹp mọi rợ, xuẩn ngốc” (5). Nhưng hóa ra đây chính là cái quạt có nguồn gốc từ Việt Nam. Như vậy, Nhất Linh đã mượn lời nhân vật Lãng Du để nhại lại chính giọng điệu kẻ cả, coi thường thuộc địa của thực dân. Hay câu chuyện tìm người đồng hương của Lãng Du cũng có tính chất mỉa mai, hài hước tương tự: “Thỉnh thoảng tôi đương đi lại gặp một người da vàng. Nhưng tôi không biết người Tàu, người Nhật hay người An Nam. Sau tôi tìm được một mẹo tôi cho là thần tình. Hễ thấy một người da vàng đi trước mắt, là tôi rảo cẳng tiến đến gần, rồi nhìn lên trời và nói một mình: Này đồ mặt mẹt. Nếu người đi trước tôi là người Nhật hay người Tàu, thì họ đi thẳng, vì họ không hiểu tôi nói gì. Nhưng nếu người đó là người An Nam, thì tất nhiên quay lại ngay” (6). Câu chuyện này khiến ta liên tưởng tác phẩm Vi hành của Nguyễn Ái Quốc, trong đó, người Pháp đánh đồng tất cả những người da vàng, mũi tẹt đều là người Việt Nam. Nhất Linh đã lấy ngôn ngữ của chính thực dân khi mô tả người thuộc địa đặt vào cửa miệng của một người thuộc địa khi mô tả về mình nhằm mục đích châm biếm. Bút pháp nhại vừa châm biếm, lột trần cách nhìn coi thường của thực dân với thuộc địa, vừa diễn tả nguy cơ người thuộc địa bị đồng hóa bởi cái nhìn thực dân khi nhìn chính mình. Sự châm biếm này đã góp phần vạch trần chủ trương Pháp Việt đề huề.

Sự châm biếm vai trò của thực dân ở thuộc địa được thể hiện qua cách các nhân vật đặt tên hài hước cho các thuộc địa của Anh, Pháp như Colombo, Port Said, Singapore, Djibouti. Thay vì chú ý đến các dấu hiệu phát triển, tiến bộ của thuộc địa nhờ ảnh hưởng của thực dân, Lãng Du chỉ thấy đám ruồi đen, mùi hôi hám, nhà dân lụp xụp bên vệ đường. Đặt những đoạn văn mô tả các thuộc địa này của Đi Tây với Pháp du bên cạnh nhau, có thể nhận ra hàm ý nhại, giải thiêng rõ rệt vai trò của thực dân phương Tây đối với thuộc địa.

Nội dung chính của Đi Tây khi bỏ qua việc mô tả các phương diện kỳ vĩ của văn minh Pháp chính là sự tập trung vào đời sống nhếch nhác, tầm thường của các trí thức Việt Nam sang Pháp du học. Khác với giọng điệu thành kính, háo hức, nghiêm túc của người kể chuyện trong Pháp du, Lãng Du đã dùng giọng điệu tự trào tưng tửng khi mô tả về thế giới du học sinh người thuộc địa ở Pháp.

Trong Đi Tây, ngay việc giải thích nhan đề: đi Tây tức là đi Tây, đã bộc lộ sự châm biếm hài hước của Lãng Du. Khi đã qua Pháp, tác giả mãi vẫn chưa định hướng được việc học: “Tôi nghĩ ngay đến việc học nhảy đầm, môn học mà tôi cho là khó nhất. Còn khi nào có thì giờ nhàn rỗi, thì học máy móc để giải trí” (7). Cách nói ngược hài hước, hạ bệ tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật, niềm tự hào, sức mạnh của văn minh Pháp. Mặt khác, nó phơi bày sự hiểu biết hạn hẹp, động cơ thực sự của người trí thức du học. Lãng Du kể tên một công trình luận án tiến sĩ của du học sinh Việt Nam là: “Khảo góp thêm vào cuộc nghiên cứu một cái vỏ đậu đen; tôi sẽ khảo góp thêm về vỏ đậu đũa, vỏ đậu nành, vỏ đậu Hà Lan, vỏ đậu ván, vỏ đậu khấu, vỏ đậu bạch - biên. Vô số vỏ cho tôi khảo. Hết đậu lại có các thứ đậu: như đậu rán, đậu hấp, đậu bung, đậu kho tương... Khảo về những thứ đậu này thì không bao giờ lo đói” (8). Chẳng những nghiên cứu của các du học sinh không hề cao siêu gì mà đời sống của họ thay vì học, chỉ xoay quanh chuyện no đói: “Người bạn tôi hiện cũng như chúng mình. Nhưng giàu hơn một tý, nên cho tôi vay được hai mươi xu. Mất mười lăm xu mà vay được hai mươi xu, chúng mình còn lãi năm xu, vậy còn hai mươi xu tất cả. Ta mua bánh tây ăn vậy” (9). Trợ cấp từ chính phủ ít ỏi, các du học sinh sống trong cảnh nghèo nàn, ở những căn phòng rẻ tiền, rách nát, với cái giường chỉ có ba chân. Họ ngày ngày trông ngóng tiền gửi, đồ ăn của gia đình từ quê nhà. Đời họ xoay quanh việc kiếm gì để ăn no, có tiền thì đi xem hát, đi xóm lầu xanh, uống rượu. Cuộc sống của họ vô cùng nhàm chán, vô nghĩa khi ngày ngày rượu chè, bài bạc hay ngồi vạ vật nơi công viên.

Khác với nhân vật hăm hở khám phá, học hỏi văn minh trong Pháp du của Phạm Quỳnh, Lãng Du, nhân vật chính, người kể chuyện trong Đi Tây, tuy mang một cái tên điển hình cho nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết lãng mạn, lại chẳng có tí gì tính cách, lý tưởng anh hùng. Các khái niệm văn minh, tiến bộ vốn tràn ngập trong Pháp du của Phạm Quỳnh cũng bị hạ bệ, giễu nhại trong ngôn ngữ của Lãng Du: “Ở bên này nếu có một người chủ ô tô hàng để ghế không có đệm, hành khách họ sẽ cự ầm lên, không chịu ngồi, hôm sau chủ xe phải đặt đệm. Ở bên mình lần đầu tiên ngồi ghế không đệm thấy đau hai bên mông toan cự nhưng tự nhủ: đau một tí cũng chả chết ai, thế nào xong thôi. Lần đầu không thấy đau, đến lần thứ ba không những không thấy đau mà lại thấy êm nữa. Hai cái mông của mình thế là tiến bộ về mặt chịu đau. Còn mình thì không tiến bộ gì cả” (10).

Như vậy, cái nhìn phương Tây trong Đi Tây của Nhất Linh đã vạch trần bộ mặt của chủ nghĩa thực dân Pháp, sự vỡ mộng của các trí thức Việt về mối quan hệ tương trợ, thân thiện, tôn trọng giữa thực dân với thuộc địa. Nhất Linh đã sử dụng thể loại tiểu thuyết dưới hình thức giả du ký để vừa thoải mái hư cấu, nới rộng không gian sáng tác, đưa vào giọng văn giễu nhại, châm biếm, hài hước, vay mượn sự chân thật, đáng tin của cách kể chuyện trong thể tài này. Chiến lược này đã tạo ra sự liên văn bản với mục đích giễu nhại các du ký mang tính lý tưởng hóa phương Tây như Pháp du, đồng thời tránh được sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thực dân.

Mặc dù vẫn có cái nhìn phê phán nhất định với một số điểm của nước Pháp cũng như có sự trân trọng, khẳng định đối với bản sắc văn hóa dân tộc, như một cách để khẳng định nhu cầu, khả năng tự chủ của Việt Nam trước phương Tây, song nhìn chung, tư tưởng thực dân đã ảnh hưởng tới cái nhìn nước Pháp của Phạm Quỳnh một cách sâu sắc theo cả hai hướng tự nguyện, bắt buộc. Còn Nhất Linh, ông đã thoát ra khỏi nguy cơ đồng hóa của tư tưởng thực dân bằng cái nhìn giải thiêng, mối quan hệ ảo tưởng giữa thực dân với thuộc địa. Mang hình thức giả du ký, Đi Tây là một diễn ngôn nhại các du ký về nước Pháp giai đoạn trước như Pháp du, để đối thoại, giải thiêng cái nhìn huyền thoại hóa nước Pháp của các trí thức giai đoạn trước đó.

_______________

1. Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại, Nxb Nam Sơn, 1963.

2. Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, Nxb Thông tấn, 2013.

3. Nguyễn Thị Kim Nhạn, Du ký, bộ phận độc đáo trong sự nghiệp của nhà văn Phạm Quỳnh, Luận văn thạc sĩ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2013, tr.73.

4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Nhất Linh, Đi Tây, Nxb Ngày nay, 1935, tr.42, 30, 37, 76, 78, 101, 89.

BÙI LINH HUỆ - VƯƠNG HỒNG CÚC - ĐINH NGỌC MAI

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cai-nhin-phuong-tay-trong-phap-du-hanh-trinh-nhat-ky-va-di-tay-64142