Cai nghiện thuốc lá càng sớm càng tốt

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng, nhiều năm, hút ngay khi đã mắc một số bệnh do thuốc lá gây ra.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thuốc lá buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng, nhiều năm, hút ngay khi đã mắc một số bệnh do thuốc lá gây ra. Nghiện thuốc lá xuất hiện là hậu quả của các hiệu ứng tâm thần do chất gây nghiện nicotine gây ra. Kết quả các nghiên cứu cho thấy, một người có thể nghiện thuốc lá khi chỉ hút 2 điếu trong 1 tuần. Thanh thiếu niên sẽ nghiện thuốc lá rất nhanh vì bộ não đang trong giai đoạn trưởng thành, dễ bị tác động hơn so với người trưởng thành, hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ nghiện càng cao. Nữ dễ nghiện hơn nam.

Hướng dẫn người dân các bước cai thuốc lá.

Hướng dẫn người dân các bước cai thuốc lá.

Theo các chuyên gia y tế, tùy theo đặc điểm thể chất do gen quy định sẽ quyết định mức độ cảm thụ nicotine trong não đối với nicotine trong thuốc lá, nghiện thuốc lá có thể xảy ra ở người này mà không xảy ra với người khác. Một người cơ thể nhạy cảm với nicotine, quá trình nghiện được khởi động lập tức từ điếu thuốc hút đầu tiên, chứ không nhất thiết phải đợi đến khi hút nhiều điếu thuốc mới gây nghiện. Hút thuốc lá lâu chừng nào nguy cơ tác hại trên sức khỏe nhiều chừng ấy, hơn nữa hút càng lâu thì mức độ nghiện càng nặng, càng khó cai thuốc lá. Hãy cai thuốc lá càng sớm càng tốt. Cai thuốc lá bất kỳ lúc nào cũng không muộn, vì đều mang lại lợi ích cho sức khỏe. Như vậy, trong cai thuốc lá không có khái niệm “cai sớm quá” hay “cai muộn quá”, chỉ có khái niệm “cai càng sớm càng tốt”.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 5 năm qua đã có gần 200.000 công nhân, viên chức, người lao động bỏ thuốc lá; hơn 200.000 đoàn viên giảm hút thuốc lá. Điều tra GATS 2015 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy năm 2010, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc là 55,9%; năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 42,6%. Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng thuốc lá sẽ giảm đáng kể bắt đầu từ khi ngừng sử dụng thuốc lá. Hầu hết những người bỏ thuốc lá sau 5 năm, nguy cơ bị mắc các bệnh giảm gần bằng so với những người không sử dụng thuốc lá.

Những thay đổi của cơ thể sau khi bỏ thuốc lá, cụ thể: sau 20 phút, huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường; sau 8 giờ thì lượng ôxy trong máu trở về trạng thái bình thường, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm, nhiệt độ ngoài da bắt đầu tăng. Sau 24 giờ, lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải, phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch và phản xạ ho tăng để thải đờm, tăng cảm giác ăn ngon miệng. Qua 48 giờ, cảm giác ngon miệng và mùi vị bắt đầu cải thiện; giấc ngủ trở lại bình thường sau 1 tuần. Từ 2 tuần đến 3 tháng, sự lưu thông máu trong cơ thể và chức năng thông khí được cải thiện; từ 3-9 tháng, các triệu chứng như: ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm, nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường, giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau 1-2 năm thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giảm 20-50%, giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành. Qua 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc. 10 năm sau, nguy cơ bị chết do các bệnh ung thư phổi, miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tụy giảm một nửa, tốc độ phát triển, di căn của ung thư chậm hơn so với người hút thuốc. Sau 15 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim trở về như người không hút.

NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202012/cai-nghien-thuoc-la-cang-som-cang-tot-8196308/