Cai nghiện ma túy tại cộng đồng: Còn nhiều gian nan, rào cản

Cai nghiện ma túy (CNMT) tại cộng đồng là hình thức người cần cai nghiện vẫn có thể sống cùng gia đình, có được tâm lý thoải mái hơn, từ đó dễ có động lực và quyết tâm cai nghiện thành công.

Về lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế nhiều gia đình thiếu kiến thức về cai nghiện nên né tránh, xã hội kỳ thị, bản thân người nghiện khó có thể dứt ra khỏi những cám dỗ… Đây đang là những nguyên nhân khiến cho việc tự cai nghiện tại cộng đồng, gia đình gặp không ít rào cản, không đạt được hiệu quả như mong đợi…

Số người tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng khá thấp

CNMT tại cộng đồng là hình thức đang được nhiều người nghiện ma túy tại TP Hồ Chí Minh lựa chọn và cũng được thành phố khuyến khích. Thế nhưng, số người tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng khá thấp.

Cũng chính vì vậy, quá trình chuyển từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang mô hình cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (theo Đề án đổi mới công tác CNMT và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ) đang gặp không ít khó khăn, thử thách.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6-2018 thành phố có gần 23.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, cai nghiện tại cơ sở là 11.500 người.

Tại cộng đồng và gia đình là 1.500 người. Khoảng 7.000 người nghiện ma túy tổng hợp (MTTH), chiếm 60% có hồ sơ quản lý. Điều này cho thấy người nghiện MTTH ngoài xã hội còn nhiều, chưa thể quản lý và rất khó phát hiện. Bản thân người nghiện và gia đình không hợp tác với cơ quan chức năng để khai báo tình trạng nghiện.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, TP Hồ Chí Minh hiện có đến 17 cơ sở CNMT, 11.875 người đang điều trị cai nghiện bắt buộc tại 17 cơ sở này. TP Hồ Chí Minh có 23 cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị bằng phương pháp Methadone với 5.240 người tham gia điều trị.

Ngoài ra, các địa phương đã thành lập hàng trăm Điểm tư vấn để hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; qua đó đã tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện, điều trị Methadone, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống tái nghiện và hướng dẫn người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện để nhận sự hỗ trợ giúp đỡ đưa đi cai nghiện.

 Một số Điểm tư vấn, Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng ở quận huyện TP Hồ Chí Minh.

Một số Điểm tư vấn, Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng ở quận huyện TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh cũng có 13 cơ sở tổ chức CNMT tự nguyện (trong đó có 3 cơ sở CNMT dân lập), đang tổ chức cai nghiện cho 676 người và 9 cơ sở CNMT có chức năng cai nghiện bắt buộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành khác, đang quản lý và tổ chức cai nghiện phục hồi cho 8.884 người.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Khiết, với đặc thù là một đô thị lớn, tập trung đông dân cư nên tình hình tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy tại TP Hồ Chí Minh đang có nhiều diễn biến phức tạp, số người nghiện mới có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là người nghiện MTTH chiếm khoảng 60-70%, họ dễ bị kích động, loạn thần không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và dễ gây ra hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Ở một địa bàn cụ thể là phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, đây là một trong những địa bàn "nóng" về tệ nạn, tội phạm ma túy. Hiện phường quản lý 145 người nghiện, trong đó số người sử dụng MTTH, ma túy đá lên đến 100 người.

Theo ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn phường Hiệp Bình Phước, rất ít người dân biết về Điểm tư vấn, người nghiện cũng như gia đình không tự giác trình báo và đăng ký lựa chọn hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Trong khi đó, ở địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh, người nghiện ma túy đa số có hoàn cảnh khó khăn, công việc tự do, thời gian làm việc không ổn định nên khi muốn tập trung sinh hoạt nhóm, tập huấn, phần lớn không đến được và đều có lý do.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn phường 22 cho biết đây là mô hình mới nhưng công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, người nghiện và gia đình chưa thực sự quan tâm, chủ động tìm đến.

Trên địa bàn phường 8, quận 4, theo chính quyền địa phương, Điểm tư vấn hoạt động tuy đạt được một số hiệu quả nhất định, nhưng do những người nghiện trên địa bàn phường 8 có "thâm niên" sử dụng ma túy tương đối lâu, dù đã được hoàn thành cắt cơn giải độc tại trung tâm, nhưng nguy cơ tái sử dụng lại ma túy tương đối cao.

Một số người dân trên địa bàn phường vẫn còn thái độ định kiến với người nghiện, dẫn đến ảnh hưởng đến tâm lý của người nghiện trong quá trình thực hiện cắt cơn giải độc tại gia đình và cộng đồng…

Quan trọng là tuyên truyền và kinh phí

Dù vậy, vẫn có không ít người nhờ vào các Điểm tư vấn mà cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời. Ông N.A.B (58 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 8) đang tham gia sinh hoạt tại Điểm tư vấn phường 8 thật lòng chia sẻ sau thời gian dài nghiện ma túy nặng và biết mình mang căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS, khi được trở về gia đình (tháng 9-2016), ông lo sợ sẽ bị xua đuổi và không biết nương tựa, chia sẻ với ai.

Nhưng sau khi được một cán bộ Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận 8 khuyên nhủ, ông N.A.B đã tham gia nhóm Đồng đẳng hồi gia, nhóm Bạn giúp bạn, với suy nghĩ những người cùng cảnh ngộ sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó, ông đã cân bằng lại cuộc sống, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

"Tôi tham gia nhóm thấy rất có ích nên đã mời gọi nhiều người nhiễm cùng tham gia vào nhóm. Ngoài ra, tôi còn đưa vợ tôi cùng tham gia, để được nghe các kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV và cùng chia sẻ với tôi, cùng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đời mình", ông N.A.B vui vẻ cho biết.

Với ông N.M.X (51 tuổi, cư ngụ tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), bản thân đã nhiều lần đi cai nghiện nhưng vẫn tái nghiện. Tuy vậy, sau khi ông cưới vợ, đứa con đầu lòng ra đời, được sự quan tâm của gia đình, hết lòng giúp đỡ của các thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện của khu phố 5, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão tạo điều kiện cho ông được tham gia và sinh hoạt Điểm tư vấn, ông N.M.X có thêm động lực cai nghiện, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Tại đây, ông N.M.X đã được tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ và giới thiệu CNMT bằng hình thức uống thuốc thay thế Methadone hàng ngày tại Trung tâm Y tế dự phòng quận 1, bắt đầu từ ngày 26-2-2016, duy trì đến nay đã được 3 năm, ông N.M.X hoàn toàn không tái nghiện.

Việc thành lập và duy trì hoạt động các Điểm tư vấn tại cộng đồng có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ giải pháp của đề án đổi mới công tác CNMT. Thực tế hiện nay điểm tư vấn tại cộng đồng đối với đa số người dân vẫn còn xa lạ, những người sử dụng ma túy luôn mặc cảm, tự ti sự kỳ thị đối với họ rất sâu sắc, vì thế họ luôn tránh né với cộng đồng, xã hội; Đặc biệt đến với chính quyền, họ luôn lo sợ bị lập hồ sơ cai nghiện, rất ít người tự giác khai báo tình trạng nghiện… Cũng chính vì vậy, quá trình chuyển từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vẫn khá nan giải.

Để nâng cao hiệu quả việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình, cần xác định tuyên truyền là giải pháp chủ yếu.

Theo ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn phường Hiệp Bình Phước, để nâng cao hiệu quả việc CNMT tại cộng đồng cần xác định tuyên truyền là giải pháp chủ yếu.

Theo đó, cần phải tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức nhằm tăng cường nhận thức về sự cần thiết của việc đổi mới công tác CNMT tại cộng đồng dân cư.

Cụ thể, phường Hiệp Bình Phước đã thành lập 6 tổ để phổ biến về chức năng, nhiệm vụ của Điểm tư vấn cho người nghiện và gia đình họ, từ đó đã có 15 trường hợp tìm đến nhờ hỗ trợ. Cán bộ tư vấn còn vận động Mạnh Thường Quân, đề xuất địa phương giúp đỡ vốn, phương tiện sinh kế cho nhiều trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí hoạt động của các Điểm tư vấn vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu nhờ sự vận động nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn đóng góp. Theo bà Lê Thị Loan, Đội trưởng Đội Công tác xã hội phường 8, quận 4, kinh phí chính là chuyện mấu chốt mạng lại sự thành công của mô hình thí điểm này.

Nhưng điều trớ trêu là hầu hết cán bộ tư vấn lại phải "tự thân vận động" trong việc xoay xở kinh phí chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người nghiện nên chuyện này không căn cơ và có thể dài lâu được, bởi nếu không tạo điều kiện về việc làm, môi trường sống thì người nghiện dễ "ngựa quen đường cũ". Đó là chưa kể những buổi sinh hoạt định kỳ cho người nghiện cũng cần kinh phí để duy trì… Do đó, vấn đề kinh phí cần được các cơ quan chức năng cần vào cuộc tháo gỡ.

Để giải quyết vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn trong việc sử dụng kinh phí hoạt động tại các Điểm tư vấn. Song song đó, Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, định kỳ báo cáo đánh giá kết quả hoạt động. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đề xuất, cấp kinh phí…

Có thể nói, việc CNMT tại cộng đồng tuy gặp nhiều khó khăn, rào cản, nhưng với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội và của chính những người đang hàng giờ hàng ngày chiến thắng chính bản thân mình để đạt mục tiêu hồi phục, đoạt tuyệt nói không với ma túy, sẽ thành công với kết quả nhất định.

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/cai-nghien-ma-tuy-tai-cong-dong-con-nhieu-gian-nan-rao-can-533700/