Cái nghèo đã là quá khứ

'Trước đây nhà tôi trống hoác, không điện, không nước, không có cả lối vào. Nghèo lắm. Nghèo đến mức ngay cả bản thân tôi cũng nghĩ chuyện thoát nghèo chỉ là giấc mơ...', bà Phạm Thị Kim Hồng (tổ 5, ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) bắt đầu kể câu chuyện về quá trình đi lên của gia đình như vậy. Nhưng ở Đất Đỏ, không chỉ có bà Hồng, nhiều người khác nữa, đã biến giấc mơ thành hiện thực.

Chị Lê Thị Thơm (xã Long Tân) và con trai chăm sóc vườn mít gần 2 năm tuổi.

Chị Lê Thị Thơm (xã Long Tân) và con trai chăm sóc vườn mít gần 2 năm tuổi.

Nói đến gia cảnh cực khổ của bà Hồng, cả xã Long Tân đều biết. Vợ chồng bà cả đời tần tảo làm thuê, làm mướn nuôi 2 con mắc chứng tâm thần phân liệt. Hai vợ chồng làm được bao nhiêu lại đưa con đi điều trị. Năm 2015, chồng bà Hồng qua đời, bà sống với 2 người con lúc tỉnh lúc bệnh. “Tụi nó khỏe thì không sao, khi phát bệnh, cả hai biến thành người khác, phá đồ đạc, đánh mọi người. Những lúc đó, hàng xóm phải chạy qua giúp tôi trói con lại, đưa vào viện”, bà Hồng cho hay.

Trước hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình bà Hồng, năm 2000, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà đại đoàn kết. Bà còn được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo để mua 3 con bê. Sau khi trả hết vốn vay, bà vay tiếp 50 triệu đồng, mua thêm 2 con bê. Sẵn hơn 4.000m2 đất của gia đình, mẹ con bà trồng sả, trồng cỏ. Những lúc khỏe 2 người con cũng biết giúp mẹ chăm sóc bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 7 con, trong đó có 1 con bò chuẩn bị sinh sản lứa bê trước dịp tết này. Cả tài sản là đàn bò, nên bà Hồng và các con rất chịu khó chăm sóc. Chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, có quây lưới để tránh gió lạnh hoặc mưa cho bò. “Chủ yếu là Vân và Sơn làm, tôi chỉ phụ các con. Khi thu hoạch sả và bán, tiền đó tôi đóng lãi tháng và góp tiết kiệm. Chừng nào trả hết 50 triệu đồng tiền vay, là đàn bò thành vốn cho các con. Nhờ có chính quyền, xóm giềng quan tâm giúp đỡ nên mẹ con tôi thoát nghèo 2 năm nay rồi. Mừng lắm”, bà Hồng cho hay.

Bà Lê Thị Thơm (57 tuổi, tổ 6, ấp Tân Thuận, xã Long Tân) đã thoát nghèo được 3 năm từ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và MTTQ xã. Chồng mất sớm, cậu con trai bị tai nạn, chấn thương sọ não, sức khỏe yếu nên cả gia đình trông vào sức lao động của bà. Năm 2013, bà vay vốn giảm nghèo để nuôi bò. Xuất chuồng đàn bò, dư ít vốn, bà tranh thủ trồng mía, bắp, đậu trên phần đất của gia đình. 2 năm trước, bà chuyển đổi sang trồng 350 gốc mít Thái, dự kiến sau 2 năm sẽ có trái, rồi bà tích góp, vay mượn xây dựng căn nhà khang trang và tết này, cả nhà sum vầy trong trong căn nhà mới. “Chỉ cần có sức khỏe, ai kêu gì tôi cũng làm. Cũng may nhà có vườn nên tôi tăng gia thêm. Sau khi mít ra trái, thu hoạch mà ổn định, tôi dự định thử nghiệm trồng thêm mấy cây mít ruột đỏ vì giá thành cao, được nhiều người ưa chuộng”, bà Thơm cho hay.

Chăm chỉ gầy dựng đàn bò từ sự giúp đỡ của địa phương, đến nay, mẹ con bà Phạm Thị Kim Hồng, xã Long Tân đã thoát nghèo.

Đối với hộ bà Trần Thị Bê (83 tuổi, ấp Phước Lộc, xã Phước Hội) thì việc được chính quyền địa phương giúp đỡ con giống, vật nuôi đã giúp bà và các con ổn định cuộc sống hơn. Bà Bê có 2 người con bị bệnh tâm thần, tính tình khờ khạo. Bản thân bà ngày trẻ cũng chỉ làm thuê, làm mướn nên kinh tế khó khăn. Từ năm 2012 đến 2017, bà được MTTQ xã 3 lần hỗ trợ, khi thì đàn thỏ, lúc đàn gà và sau đó là 1 con bò giống. Sau nhiều năm làm ăn, nay bà Bê cũng đã dành dụm, sửa sang lại căn nhà tươm tất.

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện Đất Đỏ đã tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án, chính sách và các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

“Cùng với việc hỗ trợ giúp vay vốn sản xuất, buôn bán, MTTQ và các đoàn thể còn trực tiếp hướng dẫn người dân cách làm chuồng trại, cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng để đạt hiệu quả cao. Đối với những hộ khó khăn về nhà ở, lực lượng đoàn thể địa phương cũng giúp đỡ ngày công, vật tư để họ có chỗ ở khang trang. Nhờ thực hiện tổng lực nhiều giải pháp, nếu như 2016, toàn huyện có 2.174 hộ nghèo thì cuối năm 2020, con số này chỉ còn 122 hộ”.

(Bà Nguyễn Thị Cẩm Yến, Chủ tịch UBMTTQVN

huyện Đất Đỏ)

Với phương châm trao cần câu cho người nghèo, MTTQ các cấp của huyện Đất Đỏ đã đăng ký 58 mô hình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó hỗ trợ vốn, cây con giống (tổng trị giá 469 triệu đồng) cho 18 hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202101/cai-ngheo-da-la-qua-khu-918632/