'Cái neo' trụ vững của doanh nghiệp trước những 'cơn sóng thần' khủng hoảng

Phát triển bền vững đã không còn là những câu chuyện xa xôi, của những doanh nghiệp 'giàu tiền, nhiều của', mà đã trở thành lợi ích sát sườn của tất cả doanh nghiệp, và ngày càng được nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ theo đuổi. Nếu không chuyển mình trong tư duy và hành động kinh doanh ngay hôm nay, rất có thể doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và đào thải trên thương trường.

Dường như, qua 02 năm dịch bệnh dai dẳng, cộng đồng doanh nghiệp đã "chiêm nghiệm" rõ rệt hơn vai trò, xu thế tất yếu và tác động tích cực của mô hình sản xuất, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững

“Bánh lái” để doanh nghiệp thích ứng và phục hồi

Là doanh nghiệp hàng đầu trong việc phát triển bền vững, SCGP – đơn vị kinh doanh thành viên trực thuộc SCG, luôn tập trung đổi mới, đa dạng thiết kế, phát triển bao bì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. SCGP còn đặc biệt quan tâm hoàn thiện quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả... để đảm bảo tuân thủ chiến lược ESG (Môi Trường, Xã hội, Quản trị) đang được triển khai triệt để.

Doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích khi đưa chiến lược phát triển bền vững lồng ghép vào các hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích khi đưa chiến lược phát triển bền vững lồng ghép vào các hoạt động kinh doanh.

Trong nhiều năm liên tiếp, các doanh nghiệp thành viên của SCGP dần hoàn thiện và phát triển các hoạt động dành cho cộng đồng. Năm ngoái, trong đợt COVID-19 bùng phát ở Hải Dương, kế thừa ý tưởng thiết kế giường giấy của đội ngũ nhân viên SCGP, công ty TNHH Công nghiệp Tân Á nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kịp cung cấp 100 chiếc giường làm từ giấy tái chế cho các bệnh viện dã chiến của tỉnh này. Với thiết kế sáng tạo, tiện dụng, thân thiện với môi trường, những chiếc giường đặc biệt này một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ của SCGP nói chung và các doanh nghiệp thành viên nói riêng trong việc đưa định hướng phát triển bền vững vào từng hoạt động.

Câu chuyện của SCGP chỉ là một trong nhiều câu chuyện của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua bằng hình thức, thời điểm khác nhau nhưng đều hướng kinh doanh đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nói với VnBusiness, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững không chỉ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò là “cái neo” để trụ vững và là “bánh lái” để doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với những “cơn sóng thần” khủng hoảng.

Bên cạnh việc tuân thủ chính sách pháp luật của các cơ quan quản lý, việc theo đuổi và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp giờ đây được thôi thúc bởi chính nhu cầu thực tiễn của thị trường. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng thu nhập, dân trí và hội nhập quốc tế, người tiêu dùng Việt Nam đã có nhận thức và trách nhiệm cao hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ là kết quả của quá trình sản xuất, kinh doanh xanh. Do đó, kinh doanh bền vững chính là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó mang lại lợi ích dài hạn cho chính doanh nghiệp.

Còn nhớ, trong chuyến công du tới Hoa Kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh "Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt để kiến tạo một không gian phát triển bền vững, theo chiều sâu và hạnh phúc, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho những thế hệ mai sau". Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội. Một trong số đó là "Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước….Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo".

Như thế để thấy rằng, tất cả những chủ trương, đường lối, chính sách đó sẽ không thể hiện thực hóa nếu thiếu đi một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bền vững.

Thúc đẩy thực hiện kinh doanh có trách nhiệm

“ VCCI, với nòng cốt là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam VBCSD đã nỗ lực mạnh mẽ trong thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm. Chẳng hạn như Bộ chỉ số Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) là một trong những nỗ lực điển hình như thế”, ông Vinh cho biết.

Bộ chỉ số CSI mà ông Vinh đề cập không chỉ dừng lại ở một công cụ đánh giá trong phạm vi của Chương trình, mà hơn hết đó là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quản trị doanh nghiệp bền vững, đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

“VCCI khuyến khích doanh nghiệp áp dụng triệt để, thực chất Bộ chỉ số CSI vào hoạt động quản trị, lập chiến lược kinh doanh của mình. Soi chiếu sự vận hành của doanh nghiệp qua các chỉ số của CSI, để thấy mình còn thiếu hụt, cần khắc phục hay đang làm tốt, cần phát huy điểm nào”, ông Vinh nói thêm.

Được biết, có đến gần 70% các chỉ số trong CSI liên quan đến việc tuân thủ pháp luật, 1/3 chỉ số còn lại mới liên quan đến các sáng kiến nâng cao. Điều này cho thấy, kinh doanh bền vững không phải điều gì cao siêu, mà chính nằm ở việc doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện theo đúng các chính sách và quy định của cơ quan quản lý. Chỉ cần làm tốt điều đó, doanh nghiệp đã có bước đệm vững chắc để phát triển bền vững.

Soi chiếu trên bình diện quốc tế, câu chuyện phát triển bền vững đã không còn là ý tưởng, mà kinh tế bền vững đã có những tín hiệu lan tỏa rõ nét trong cộng đồng doanh nghiệp và chính sách của các khối hợp tác kinh tế đa phương quốc tế.

Bên cạnh các lợi ích tích cực, kinh doanh bền vững cũng có thể đem lại những mặt tiêu cực. Chẳng hạn, ở Singapore, điều quốc gia này quan tâm nhất ở chiều tiêu cực là lao động. Vì vậy, quốc gia này xem người lao động là trung tâm của quá trình chuyển đổi sang carbon thấp, bằng cách tập trung vào việc chuyển đổi việc làm, tạo ra nhiều việc làm tử tế và trình độ cao hơn. Quá trình chuyển đổi phải đảm bảo sự công bằng cho những người đang làm việc trong những ngành phát thải carbon cao, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Cũng với tinh thần đó, ở Việt Nam các chỉ số liên quan đến chống phân biệt đối xử, phát triển đa dạng, bao trùm, thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng quyền con người; kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp; chuyển đổi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đang được các bộ, ngành địa phương thực hiện.

Và vì thế, vấn đề kinh doanh bền vững đang từng ngày, từng giờ lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 (CSI 2022) đã chính thức được phát động, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp triển khai thành công Chương trình, ngay cả trong những điều kiện khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19. Năm nay, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI (với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam - VBCSD) tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình CSI 2022 nhằm đánh giá, tập hợp và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm trên cả 3 khía cạnh toàn diện: kinh tế - xã hội - môi trường.

Đức Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/cai-neo-tru-vung-cua-doanh-nghiep-truoc-nhung-con-song-than-khung-hoang-1085728.html