Cái nắm tay của vợ giúp lực sĩ Lê Văn Công làm nên điều kỳ diệu trong thể thao
Phía sau thành công của lực sĩ Lê Văn Công với 3 tấm huy chương tại 3 kỳ Thế vận hội người khuyết tật Paralympic liên tiếp là sự đồng hành sẻ chia, sự hy sinh của người vợ. Mỗi thành tích có được, anh luôn nói rằng không phải chỉ của riêng mình mà còn có sự đóng góp của người vợ - chị Chu Thị Tám.
"Anh ấy là người có ý chí kiên cường"
"Để chuẩn bị cho Paralympic Paris 2024 diễn ra ở nước Pháp, anh ấy đi tập huấn miệt mài nhiều tháng. Thực ra thì 3 mẹ con tôi cũng đã quen với điều này rồi, quen với việc anh ấy vắng nhà.
Lúc anh Công thi đấu, mẹ con tôi cùng theo dõi. Con gái đã khóc vì thương bố, biết bố đã đau lâu rồi và càng đau hơn khi cố gắng nâng tạ. Con rơi nước mắt khi thấy bố nhăn mặt cố vượt cơn đau và vì nhớ bố quá, chỉ mong bố sớm về với con.
Tôi nói với con gái rằng bố con luôn là người có ý chí kiên cường, bố đã nói là bố sẽ mang huy chương về làm quà tặng cho con, đợi bố về rồi bố sẽ đưa con đi chơi như lời đã hứa", chị Chu Thị Tám chia sẻ.
Huy chương vàng tại Paralympic Rio 2016, Huy chương bạc ở Paralympic Tokyo 2020, Huy chương đồng tại Paralympic Paris 2024, giữ kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic ở môn cử tạ hạng cân 49kg, lực sĩ Lê Văn Công đã là một huyền thoại của thể thao Việt Nam, người làm nên lịch sử cho thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Thể thao người khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn rất eo hẹp, hạn chế về điều kiện tập luyện và những gì lực sĩ này đã làm được thực sự trở thành câu chuyện truyền cảm hứng lớn lao cho cộng đồng về ý chí và nghị lực vươn lên mạnh mẽ.
Sinh năm 1984 tại Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp THPT, với quyết tâm thay đổi số phận cuộc đời mình, năm 2003, Lê Văn Công rời quê nhà và vào TP Hồ Chí Minh để theo học về kỹ thuật điện tử tại một trường dạy nghề dành cho người khuyết tật. Lê Văn Công nói rằng có 2 điều đã làm thay đổi cuộc đời anh, đó là đến với thể thao và gặp được người bạn đời luôn đồng hành cùng mình.
Năm 2005, trong một lần tình cờ, anh Công gặp cô thợ may trẻ người Nghệ An Chu Thị Tám. Cùng cảnh xa quê, hai người trò chuyện, chia sẻ, rồi dần trở nên thân thiết.
"Ngay từ lúc đầu quen anh ấy, tôi đã thấy đây là một người đàn ông tốt, chân thành, một người luôn yêu cuộc đời, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, luôn đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi cứ dần dần từ bạn bè, rồi cảm mến nhau.
Ban đầu, anh ấy không dám tiến tới, che giấu tình cảm của mình. Sau đó, anh ấy cũng đã nói rằng, nếu quyết định đến bên anh, gắn bó với anh, em sẽ phải chịu thiệt thòi, sẽ phải vất vả, song chúng tôi vẫn quyết định nắm lấy tay nhau, cùng đồng hành với nhau trên chặng đường đời. Thực sự, để đến được bên nhau, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn", chị Tám chia sẻ.
"Chồng tôi luôn cố gắng hết mình vì vợ, vì con"
Khi biết câu chuyện tình yêu của chị Tám - anh Công, chỉ có mẹ chị ủng hộ, bố và những người anh trai ban đầu đã phản đối, chị biết rằng người thân cũng thương và lo cho mình. Hai người mất liên lạc một thời gian vì chị Tám phải về quê, anh Công đã phải rất mất công dò tìm địa chỉ và viết thư cho người yêu.
Một ngày, anh Công gây sốc khi xuất hiện trước cửa nhà chị, vào thẳng nhà rồi xin phép gia đình cho mình có cơ hội chăm sóc cho chị Tám, sau đó thì xin cưới chị làm vợ.
Những ngày tháng sau đó với anh Công - chị Tám là những ngày hạnh phúc, và tiếp tục là hành trình vượt qua những khó khăn. Trong một căn nhà trọ chật hẹp, nóng bức, để có thu nhập trang trải cuộc sống, chị Tám cần mẫn với công việc làm thợ may, còn anh Công sửa chữa đồ điện tử.
Anh bắt đầu đến với thể thao, luyện tập cử tạ và bước vào những giải thi đấu. Chị nhận thêm những đơn hàng, làm việc đến khuya để có thêm tiền mua thêm chút thịt cá, bồi bổ dinh dưỡng, trợ giúp chồng tập luyện.
Cử tạ vốn được gọi là môn thể thao nặng nhọc, rất dễ dẫn đến chấn thương. Nhiều đêm anh Công đau nhức bả vai, cơ bắp, đau không ngủ nổi, chị Tám lại cặm cụi xoa bóp cho chồng. Anh Công thì lúc nào cũng luôn cười tươi nói rằng trong mắt anh thì chị Tám là người phụ nữ xinh đẹp, tuyệt vời nhất, "có vợ ở bên cạnh thì chồng thấy khỏe gấp bội phần, phải nâng tạ được gấp đôi sức lực của mình".
Năm 2007, ngay trong lần được dự giải quốc tế đầu tiên ở ASEAN Para Games - Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, VĐV Lê Văn Công giành Huy chương vàng. Năm 2014, VĐV Lê Văn Công đoạt Huy chương vàng tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á.
Năm 2016, Lê Văn Công làm nên lịch sử khi trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành Huy chương vàng tại Paralympic. Những thành tích của đô cử này được coi là điều kỳ diệu đối với thể thao người khuyết tật Việt Nam, được tạo ra bởi sự bền bỉ, nghị lực phi thường.
Anh Công và chị Tám có 2 con, cậu con trai lớn năm nay vào lớp 9 và cô con gái nhỏ vào lớp 2.
"Tôi biết chồng luôn đam mê thể thao, luôn nỗ lực hết sức mình. Anh ấy có thành tích trong thể thao, truyền được động lực vươn lên cho nhiều người khuyết tật hay những người kém may mắn trong cuộc sống là điều mà tôi thấy trân quý nhất.
Bao năm qua, anh ấy vẫn vậy, chồng tôi ở nhà là hiền lắm, chỉ thích chơi với con. Đi thi đấu về, anh Công chỉ thích ăn bữa cơm vợ nấu với những món đơn giản như canh chua, cá kho. Ngày lấy nhau, anh ấy nói rằng sẽ không để tôi phải khổ, không phải ân hận khi đã chọn đến bên anh ấy. Khi các con chào đời, anh ấy tâm niệm rằng sẽ luôn cố gắng hết mình vì vợ vì con, và anh ấy đã làm được".
Mỗi VĐV tham dự Paralympic Paris 2024 đã được ban tổ chức tặng 1 túi quà, trong đó có những đồ dùng sinh hoạt, vật phẩm lưu niệm và 1 chiếc điện thoại được thiết kế riêng nhằm tôn vinh các VĐV.
Lực sĩ Lê Văn Công sẽ mang chú linh vật lưu niệm về tặng con gái, còn chiếc điện thoại để tặng vợ mình. Anh nói rằng để chồng có thể theo đuổi được sự nghiệp thể thao, vợ anh đã phải hy sinh rất nhiều, một mình chăm sóc con cái. Mỗi lần thi đấu trở về đến nhà, việc đầu tiên Lê Văn Công luôn làm là nắm thật chặt tay vợ mình, cái nắm tay tiếp thêm cho anh sức mạnh.