Cái lý của tấm bằng ngoại ngữ

Tỉnh miền núi X vừa sơ kết đề án của tỉnh về tạo nguồn cán bộ trẻ cấp cơ sở. Theo đánh giá bước đầu, đề án khá thành công khi có được lực lượng cán bộ dồi dào, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

Tỉnh miền núi X vừa sơ kết đề án của tỉnh về tạo nguồn cán bộ trẻ cấp cơ sở. Theo đánh giá bước đầu, đề án khá thành công khi có được lực lượng cán bộ dồi dào, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

Chẳng hạn như xã Y thuộc diện xã 135, được cấp trên tăng cường một cán bộ tham gia đề án về công tác ở cơ sở và tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ xã Y, đồng chí được tín nhiệm bầu vào cấp ủy. Tâm đắc với chuyện này, ông Nhân tâm sự cùng bí thư chi bộ thôn:

- Tôi thấy đề án tạo nguồn cán bộ trẻ của tỉnh rất đúng và trúng với nhu cầu của xã ta. Ðồng chí cán bộ mới được trên cử về có chuyên môn tốt, trình độ lý luận đâu ra đấy, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đủ cả. Tôi được biết, để tham gia đề án, ngoài những phần thi về chuyên môn, cán bộ còn phải thi vấn đáp về những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhưng tôi có suy nghĩ thế này, huyện ta là huyện miền núi, xã ta có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tại sao chọn cán bộ không lấy tiêu chí biết tiếng dân tộc thiểu số, mà cứ phải là tiếng Anh? Thực tế ở xã ta, bao nhiêu năm qua có người nước ngoài nào đến đâu mà yêu cầu cán bộ phải có bằng ngoại ngữ?

- Câu chuyện tấm bằng ngoại ngữ này đã được tỉnh, huyện bàn nhiều rồi. Không ít người đồng tình với quan điểm của bác, nhất là đối với những địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người học tiếng phổ thông còn khó khăn, chứ chưa nói đến ngoại ngữ. Song mọi chuyện lại không đơn giản như thế bác ạ. Tấm bằng ngoại ngữ vẫn có cái lý để tồn tại. Tỷ dụ thế này, hiện nay in-tơ-nét đã không còn xa lạ với người dân. Mở in-tơ-nét là mở ra cánh cửa thông tin, tri thức toàn nhân loại. Nếu không có ngoại ngữ thì sẽ khó tiếp cận với kho tàng tri thức ấy. Bác có nghe chuyện về một thầy giáo ở một tỉnh miền núi, cách đây mấy năm đã chế được chiếc máy bơm không dùng điện, mà dùng chính sức của dòng nước không? Khi được hỏi, thầy giáo ấy cho biết nhờ đọc được những tài liệu của nước ngoài.

Lại nữa, xã ta có nhiều nông sản quý, tới đây xã sẽ kêu gọi đầu tư, xuất khẩu trực tiếp đi nước ngoài, nếu không có ngoại ngữ liệu có tìm được bạn hàng không? Nói chung, nhìn rộng ra sẽ thấy ngoại ngữ là không thừa ở bất cứ đâu. Cá nhân tôi thấy yêu cầu cán bộ có bằng ngoại ngữ là có lý; còn việc cán bộ biết tiếng dân tộc là rất cần thiết đối với những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nghe bí thư chi bộ giải thích, ông Nhân gật gù:

- Giờ tôi mới nhớ, đồng chí cán bộ trẻ tham gia đề án tạo nguồn cán bộ trẻ cấp cơ sở của tỉnh cũng đã được đi đào tạo tại nước ngoài. Trong một lần trao đổi với báo chí, đồng chí ấy chia sẻ rằng, khóa học dù ngắn nhưng rất bổ ích. Ví như việc nông dân nước bạn bán hàng qua in-tơ-nét. Ðồng chí ấy rất muốn áp dụng mô hình này tại xã ta. Giờ tôi đã hiểu, yêu cầu cán bộ có bằng ngoại ngữ, tin học rất có lý.

Lê Ðông

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cai-ly-cua-tam-bang-ngoai-ngu-615956/