Cái lý của Hà Giang khi xây chùa ở địa đầu Lũng Cú

Tại báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang gửi Bộ VHTT&DL nêu lên nhiều điểm cần thiết để đầu tư dự án 'Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn'.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, địa bàn xã Lũng Cú nằm sát đường biên giới, điểm cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng với 10 cột mốc quốc gia. Đa số người dân tộc thiểu số sinh sống có trình độ dân trí hạn chế, dễ bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo…

Hạ tầng xã hội thiết yếu của xã còn chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Hạ tầng dịch vụ, du lịch còn yếu kém. Hầu hết, khách du lịch đến thăm quan khu di tích cột cờ Lũng Cú không có điểm dừng chân.

Từ đó, UBND tỉnh Hà Giang cho rằng việc đầu tư dự án chùa Lũng Cú là rất cần thiết, dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thiện về xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ cho phát triển du lịch… cũng như khẳng định chủ quyền của đất nước bằng nền tảng văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc nơi cực Bắc.

UBND tỉnh Hà Giang cho biết, xây dựng dự án chùa Lũng Cú là rất cần thiết.

UBND tỉnh Hà Giang cho biết, xây dựng dự án chùa Lũng Cú là rất cần thiết.

UBND tỉnh Hà Giang cũng cho rằng, tại thời điểm triển khai, dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú do Giáo hội phật giáo tỉnh Hà Giang đề xuất đầu tư phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020 , tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi đầu tư hoàn thiện dự án sẽ được bàn giao cho Giáo hội Phật giáo Hà Giang quản lý vận hành.

Trong văn bản do ông Nguyễn Văn Sơn ký cũng nêu: "Dự án đã được UBND tỉnh, chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Trong đó tiếp thu đầu đủ ý kiến, đóng góp của các sở, ban, ngành, ý kiến của Bộ VHTT&DL và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) được duyệt với mật độ xây dựng khu vực chùa Lũng Cú là 5,09%, mật độ xây dựng toàn dự án là 1,3%".

Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá ĐTM của dự án, tỉnh đã có báo cáo và hồ sơ giải trình cụ thể các nội dung của Bộ VHTT&DL yêu cầu tại văn bản số 1327. Trong đó chủ đầu tư chuyển kết cấu từ bê tông giả gỗ sang kết cấu gỗ để đảm bảo yêu cầu mỹ thuật và sinh thái.

Về kiến trúc thực hiện theo đúng văn hóa thời Lê Sơ đảm bảo văn hóa truyền thống. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành việc cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích Cột cờ Lũng Cú. Hoàn thành báo cáo ĐMT được phê duyệt tại quyết định 3342/QĐ-BTNMT. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án.

"Như vậy, UBND tỉnh đã tiếp thu các ý kiến của Bộ VHTT&DL trong quá trình triển khai dự án đúng quy định. Theo quy định tại điều 32 – Luật đầu tư, dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh, trong quá trình triển khai tỉnh đã giao cho các cơ quan chuyên môn thực hiện thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo đánh giá ĐMT của dự án đã được Bộ TNMT phê duyệt theo đúng quy định và hiện nay dự án đang thực hiện theo đúng quyết định của Bộ TNMT.

Về quy hoạch, qua đối chiếu hiện trạng dự án đã được triển khai, số liệu kiểm tra, rà soát hồ sơ, bản đồ các quy hoạch, UBND tỉnh Hà Giang cho biết dự án nằm ngoài khu vực vành đai II - khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Lũng Cú (khoảng 150m), phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm xã Lũng Cú; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Đồng Văn; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 310/2013/QĐ-TTg.

Đối với cảnh quan khu vực, trong văn bản cũng nêu rõ dự án tạo nên một cảnh quan hài hòa với thiên nhiên vốn có, ghi dấu đậm nét lịch sử, truyền thống, mang tính nghệ thuật. Tạo thêm ngành nghề, công ăn việc làm cho nhân dân địa phương…

Dự án được xây sẽ là điểm nhấn cho khu vực, góp phần tạo thêm "cột mốc văn hóa" hiện hữu nơi địa đầu Tổ quốc.

Cuối cùng, UBND tỉnh Hà Giang cũng đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan chức năng: "UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo địa phương trong quá trình rà soát, xử lý hoàn thiện thủ tục và triển khai đối với dự án trên, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc".

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cai-ly-cua-ha-giang-khi-xay-chua-o-dia-dau-lung-cu-20191107161404918.htm