Cái lý của giá... đắt

Gần đây, thực đơn của nhà hàng sang chảnh trên nóc tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mạng xã hội với giá... 'trên trời': Bát phở 'chọc trời' 920.000 đồng/bát, Burger đỉnh cao 790.000 đồng/chiếc...

Của đáng tội, đó đâu phải là bát phở giá "sốc" nhất. Cộng đồng mạng hẳn chưa quên bát phở bò Wagyu giá "khủng" 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) tại Sài Gòn hồi năm 2017. Mới nghe mà nhiều người đã "tim đập, chân run".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bất giác liên tưởng tới một câu chuyện thú vị về chuyện đắt - rẻ.

Một quán nhỏ ở Anh quốc được người dùng đánh giá rất cao. Một hôm, một cô gái đến, gọi một ly nước nóng và một lát chanh, bị tính tiền tới 2 bảng Anh. Và, bài viết với tiêu đề "Giá quá đắt" trên mạng xã hội gây "sóng" phản ứng bất bình. Sau đó, quản lý quán lên tiếng: "... Ngay khi bước vào, cô đã được người phục vụ chào đón, dẫn về bàn, đợi gọi món. Anh ấy vào bếp, rửa dao, thớt, lấy chanh từ tủ lạnh, cẩn thận cắt một miếng, đặt vào ly nước sôi. Khi tính tiền, anh ta quẹt thẻ, in hóa đơn. Sau khi cô rời đi, anh ấy phải dọn bàn, đem ly, thìa vào bếp, rửa cùng với dao, thớt... Anh ấy tốn ít nhất 3 phút.

Chúng ta còn phải tính chi phí vận hành quán, như tiền thuê mặt bằng, điện, nước, lãi vay ngân hàng… khoảng 27,5 bảng mỗi giờ. Lương mỗi nhân viên bình quân 12,5 bảng mỗi giờ. Cộng lại, chi phí phục vụ khoảng 40 bảng mỗi giờ, 3 phút khoảng 2 bảng, cộng với thuế VAT 20%, giá phục vụ 3 phút của cô lên tới 2,4 bảng, đó là chưa tính tiền nguyên vật liệu...".

Bài viết được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, "sóng" bất bình đổi chiều thành đồng thuận với người quản lý.

Luôn có những góc nhìn khác nhau giữa khách hàng và chủ nhà hàng. Phở "chọc trời" có giá "trên trời", không phải không có lý. Tiền nào của nấy!

Minh Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-ly-cua-gia-dat-119263.html