Cái lý, cái tình là vậy!

Chẳng phải vô cớ mà VTV có cái chương trình 'Cái lý, cái tình'. - Vô cớ sao bác, điều chỉnh cuộc sống, bất kể trong lĩnh vực nào cũng cần phải cân nhắc giữa cái lý và cái tình. Chế tài pháp luật còn có cái khoản tình tiết giảm nhẹ nữa là.

- Thì tớ nói là có cớ chứ có nói là vô cớ đâu. Thế nhưng cái chuyện đổi 100USD mà bị phạt những 90 triệu đồng thì rõ là chả có tý cái tình nào.

- Bác muốn nói đến việc xử phạt một thợ điện, khi đi đổi 100 USD sang tiền VND ở một tiệm vàng mới đây tại Cần Thơ gây xôn xao dư luận, phải không. Đây là số tiền phạt vì có hành vi vi phạm hành chính trong việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được qui định tại Điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.

-Vẫn biết là vi phạm, thế nên tớ mới nói đến chuyện “cái lý, cái tình”. Trong câu chuyện này chả có một tý tình nào. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật một cách máy móc, khó chấp nhận.

-Em nghĩ cũng có tình đấy chứ. Theo quy định thì mọi hành vi mua bán ngoại tệ trái quy định có thể bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, anh thợ điện chưa bị phạt tột khung là có tình rồi bác.

-Chú chỉ giỏi đùa. Nếu xét đến tình thì phải xét, thứ nhất anh thợ điện này có thường xuyên mua bán ngoại tệ không, nghĩa là chuyên nghiệp ấy. Hay chỉ là cả đời mới được người thân tặng 100USD rồi đem đổi để chi tiêu. Thứ hai, phạt mang tính răn đe, giáo dục là chính, đồng thời cũng phải xét đến khả năng thực hiện.

-Là em nói vậy thội, chứ cái vụ phạt này cũng thấy gờn gợn thật. Một anh thợ điện lương chưa đủ nuôi gia đình thì lấy đâu ra 90 triệu để nộp phạt. Mà không có tiền nộp phạt thì treo mãi lại hóa ra “phạt cho vui”.

-Còn phải xét đến khía cạnh tuyên truyền luật nữa. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều khi ban hành mà rồi không có tuyên truyền giáo dục rộng rãi, thành ra ra ít người biết mà thực hiện. Nói thật với chú, mang tiếng là người đọc nhiều, bản thân tớ cũng chưa nắm rõ cái quy định này, đôi khi có ít ngoại tệ lẻ cũng ra tiệm vàng đổi, vừa tiện lợi, vừa được tỷ giá cao hơn. Chỉ sau vụ này mới biết một cách tường tận.

-Dù sao thì vụ phạt này cũng thức tỉnh được khối người, như vậy về hiệu quả tuyên truyền là có thật. Sau vụ này, nhiều người mới chột dạ ngẫm rằng, từ trước tới nay bản thân mình và rất nhiều người vẫn ra tiệm vàng, ra “cò” ở mấy phố ngoại tệ đổi vô tư mà đâu biết luật pháp cấm.

-Về lý thì cái phạt này không sai, nhưng về tình thì có điều gì đó chưa ổn. Sự chưa ổn bắt nguồn từ quy định của Nghị định 96. Tại điều 24 quy định chung về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động ngoại hối mà không phân định ra hành vi vi phạm của bên mua hay bên bán, của cá nhân, tổ chức, đồng thời không định lượng giá trị ngoại tệ vi phạm.

Cho nên, về nguyên tắc, một người đem bán 1 USD, 10 USD, 50 USD, 100 USD (như trường hợp anh thợ điện) hay bán 10.000 USD... tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ thì cũng bị phạt ở mức từ 80 đến 100 triệu đồng.

-Có thể khi xây dựng nghị định này, tiêu chí của cơ quan soạn thảo là nhắm vào hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm hoạt động ngoại hối chứ không căn cứ vào mức định lượng giá trị tang vật vi phạm, vì thế chế tài đó khi áp dụng vào thực tế tạo ra sự bất hợp lý, cho thấy việc xây dựng và xác định tiêu chí để xử phạt chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

-Mặt khác, để người dân được biết bán ngoại tệ cho ai, bán chỗ nào có giấy phép được thu đổi ngoại tệ của NH Nhà nước là rất khó. Khi mà trên thực tế, hầu như tất cả các tiệm vàng bạc đều thu đổi ngoại tệ, rồi có hẳn cả dãy phố (có cả cò mồi) tham gia thu đổi ngoại tệ… chả biết có giấy phép hay không vẫn ngang nhiên hoạt động, không hề bị xử lý, thì việc người dân có đem ngoại tệ đến những nơi này đổi cũng là dễ hiểu.

-Đúng vậy, đối với những cơ sở có hoạt động thu đổi ngoại tệ này, dân biết thì chắc chắn các cơ quan chức năng phải biết, sao không ngăn chặn.Vì vậy, trước hết nên xử phạt tổ chức, cá nhân không được phép thu đổi ngoại tệ mà cố tình đứng ra mua ngoại tệ, rồi mới tính đến chuyện phạt người đổi ngoại tệ.

-Quay lại vụ phạt 90 triệu đồng, Việc xử phạt này đúng luật nhưng mức phạt khó chấp nhận được. Số tiền phạt quá lớn so với giá trị vi phạm và chưa thể căn cứ vào đâu, đặc biệt đối với người lao động với mức lương vài triệu/tháng mà mức phạt này là một cái mức không đáng, rất khó thực thi.

-Cũng như chuyện, căng mình bắt buôn lậu thuốc là ngoại ở vùng biên, trên đường vận chuyển, song hàng ngàn ki ốt, địa điểm buôn bán thuốc lá ngoại thì vẫn ngang nhiên mua bán tấp nập. Một khi cầu tưởng như “hợp pháp” như vậy thì ắt phải có cung.

-Đấy là còn chưa nói đến, nguyên do đẩy đa số người dân đến với nơi thu đổi ngoại tệ trái phép là cầu của họ không được ngân hàng đáp ứng đúng và đủ, thậm chí rất khó mua, lại tỷ giá thấp hơn. Đây là lý do làm phát sinh chợ đen ngoại hối và hình thành nơi đổi tiền phi chính thức.

-Vì thế ta bàn cái lý, cái tình là vậy!

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cai-ly-cai-tinh-la-vay-81965.html