'Cải lương – Trăm năm nguồn cội': Lời thiết tha của quê hương Nam bộ

Đêm diễn đầu tiên của chương trình 'Cải lương – Trăm năm nguồn cội' khép lại với niềm cảm động của hầu hết khán giả. Cảm động vì nhiều lẽ. Khán giả thấy tình yêu và sự trân trọng của những nghệ sĩ dành cho một bộ môn nghệ thuật truyền thống ra đời đã trăm năm. Khán giả còn thấy được một tín hiệu vui vì tin rằng các nghệ sĩ vẫn đủ sức làm cải lương 'lung linh' trên sân khấu.

Chân tình gửi đến trăm năm

Cải lương – Trăm năm nguồn cội chỉn chu trong đường dây kịch bản, trong lời dẫn rất duyên của MC Đình Toàn và phần giao lưu vừa học thuật vừa gần gũi, trang phục và cảnh trí sang trọng, nghệ sĩ trình diễn đầy cảm xúc…

MC và các nghệ sĩ, từ ban nhạc cho tới diễn viên, nhẹ nhàng đi qua 120 phút của chương trình, kịp để cho khán giả sành cải lương gặp lại những lớp diễn quen thuộc và cũng kịp để cho những khán giả khác phần nào thấy được đường đi của bộ môn này từ khi phôi thai cho đến khi định hình.

Nghệ sĩ Ngọc Đợi với tác phẩm "Dạ cổ hoài lang" bản chuẩn nhịp 2 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Nghệ sĩ Ngọc Đợi với tác phẩm "Dạ cổ hoài lang" bản chuẩn nhịp 2 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Không xúc động sao được khi mở màn là trích đoạn bản tân nhạc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy hòa với bản cổ nhạc kinh điển Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và khép lại bằng lời khẳng định Nam quốc sơn hà. Có cần “lên gân” gì đâu, lời ca và điệu bộ đẹp đẽ như vậy làm sao khán giả không thấy yêu tiếng nói dân tộc, yêu nghệ thuật của cha ông và yêu từng tấc đất quê hương? Và khi đã yêu thì người ta giữ gìn.

Chương trình đưa khán giả đến với bản Ca ra bộ (tiền thân của Cải lương) đầu tiên là Bùi Kiệm – Nguyệt Nga rồi tiếp tục dẫn dắt đến với Dạ cổ hoài lang bản chuẩn mỗi câu 2 nhịp (được xem là bài tổ của bản vọng cổ 32 nhịp sau này) và các trích đoạn nổi tiếng: lớp cô Lựu biết chồng cũ vượt ngục và con mình còn sống trong tuồng Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) và lớp Xử án Thượng Dương trong tuồng Câu thơ yên ngựa (soạn giả Thanh Tòng).

Cảnh diễn trong tuồng Đời Cô Lựu của NSND Bạch Tuyết và NSƯT Việt Anh – một diễn viên gạo cội của sân khấu cải lương và một diễn viên gạo cội của sân khấu kịch nói

Lần đầu tiên, NSƯT Việt Anh đứng trên sân khấu cải lương, vào vai Hội đồng Thăng - một nhân vật gây tội ác đồng thời cũng mang vác bi kịch của mình. Cô Lựu của nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn làm khán giả sụt sùi sau bao nhiêu năm. Mạnh mẽ và đầy cảm động là lớp Xử án Thượng Dương qua phần trình diễn của những nghệ sĩ thế hệ thứ 5 của gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ: Quế Trân, Tú Sương, Điền Trung.

Các nghệ sĩ đã làm nên một lớp đẹp cả ca và diễn. NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Quang Thảo đã viết mới thêm đoạn độc thoại của Thượng Dương hoàng hậu sau khi đã được gia đình NSND Thanh Tòng đồng ý. Một cái nhìn mới, lời thanh minh cho hoàng hậu Thượng Dương qua cái nhìn của thế hệ trẻ về một câu chuyện của sử Việt đã chiếm trọn cảm tình của khán giả. Quế Trân đã ghi dấu ấn trong màn độc diễn thể hiện bản lĩnh của một diễn viên giàu kinh nghiệm sân khấu.

NSƯT Vũ Linh trình diễn bản vọng cổ Hàn Mặc Tử

Trong vai trò khách mời, NSƯT Vũ Linh dù giọng ca không còn ở đỉnh cao vì vừa qua cơn bạo bệnh vẫn khiến khán giả vỗ tay rào rào mỗi khi lên một câu vọng cổ của bản vọng cổ Hàn Mặc Tử.

Ở phần giao lưu, một số kiến thức về cải lương đã được các nghệ sĩ truyền tải một cách dung dị giúp những khán giả chưa rõ về bộ môn này dễ nắm bắt. Cây đàn guitar phím lõm quan trọng như thế nào với ban cổ nhạc? NSND Bạch Tuyết vừa chia sẻ vừa thị phạm rất duyên dáng về vai trò của âm thanh, ánh sáng trong một tuồng cải lương, về điệu và bộ, về cách thể hiện nỗi buồn qua các hơi Xuân, hơi Ai, hơi Oán… được áp dụng như thế nào?…

Các nghệ sĩ đã mở cách cửa để giới thiệu khán giả bước vào tìm hiểu một bộ môn nghệ thuật đầy tính học thuật chứ không “bình dân” như nhiều người vẫn nói.

Và tình cảm người xem

Cải lương - Trăm năm nguồn cội như NSƯT Thành Lộc chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Là một show trình diễn khá hay, nó xác định được chủ thể đang đứng ở đâu: Người hâm mộ một loại hình nghệ thuật đặc trưng của miền Nam và muốn truyền cảm hứng đấy đến với nhiều người hâm mộ khác nữa như một làn sóng mới tìm lại cội nguồn xưa, rất khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp và thông minh! Để tiếp tục yêu và cùng tôn vinh, đơn giản chỉ thế thôi mà rất giá trị, đáng yêu biết chừng nào”.

Đúng như nghệ sĩ Thành Lộc nói, đạo diễn Quang Thảo và ê-kíp không cố làm mới cải lương mà chỉ mang hơi thở đương thời vào đấy. Họ không phô trương một show diễn hoành tráng mà đưa cải lương vào một không gian trang trọng, lịch thiệp.

NSƯT Quế Trân (vai Thượng Dương hoàng hậu) và NSƯT Tú Sương (vai Ỷ Lan) trong lớp "Xử án Thượng Dương" trích từ tuồng "Câu thơ yên ngựa"

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ sau khi xem chương trình: “Tôi nhớ Ba tôi (nhà nghiên cứu – NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch), người dành cả đời mình cho ánh đèn sân khấu cải lương. Khi tôi còn nhỏ, hiếm hoi những giây phút ông không đi biểu diễn xa, khi ở nhà ông đều ru tôi ngủ bằng bản Dạ cổ hoài lang… Hôm nay, nếu Ba tôi còn sống chắc ông sẽ vui lắm. Cải lương Nam bộ sẽ không mất đâu Ba, một thế hệ trẻ đã biết yêu quý và gìn giữ cải lương bằng cách thức mới”.

Và qua con mắt của nhà báo Nguyễn Thế Thanh (nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM) thì: “Người xem – người học chỉ trong 120 phút có thể cảm và có thể hiểu vì sao các làn nhịp và điệu bộ của cải lương lại có khả năng diễn tả đầy đặn các cung bậc của cảm xúc và đã ăn sâu vào cảm thức của người Nam bộ”.

Tuy nhận được nhiều lời khen, nghệ sĩ Quang Thảo, tác giả và đạo diễn chương trình, khá cẩn trọng: “Đây là lần đầu tiên một chương trình được làm theo kiểu như thế này, chúng tôi đi tiên phong nên vừa làm vừa đo khán giả.

Tôi bất ngờ và vui vì khán giả đón nhận nhiều. Nhưng sau thành quả ban đầu thì cần phải bình tĩnh nhìn lại, khán giả không quay lưng hẳn với cải lương nhưng bao nhiêu người còn yêu thích mà đến nhà hát. Con số trên dưới một nghìn khán giả trong suất diễn đầu tiên ở Nhà hát Bến Thành vừa rồi cho thấy show diễn chỉ mới chạm đến một phần nhỏ khán giả thôi.

Cái mừng là hiện nay vẫn có nơi chịu tổ chức các buổi diễn và bán vé được”.

NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Trinh Trinh trong trích đoạn tuồng Đời cô Lựu

Sự cẩn trọng của Quang Thảo có lý, vì còn quá sớm để “đo” tình yêu của khán giả chỉ qua một suất diễn, trong khi đó chương trình còn “chạy đường dài” thêm 9 suất diễn sau đó. Tuy nhiên, dễ thấy ê-kíp thực hiện đã có cách tiếp cận khán giả theo một “công thức” mới: tạo nên một sự kiện để công chúng quan tâm, chắc lọc chia sẻ với khán giả về lịch sử cải lương, tuồng tích trong một khoảng thời gian hợp lý.

Khán giả ngày nay không phải đến rạp để được tận mắt nhìn thần tượng của mình và hát theo những câu hát đã thuộc nằm lòng mà xem cách dàn dựng của đạo diễn, cách bài trí sân khấu và phục trang của nhân vật… nên cách dàn dựng của Quang Thảo đã đem lại hiệu quả.

Ba nghệ sĩ thế hệ thứ 5 của đại gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ: Quế Trân, Tú Sương và Điền Trung

Cải lương – Trăm năm nguồn cội do Công ty cổ phần Green Horizon sản xuất với sự tham gia của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Quế Trân, NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Trinh Trinh, Điền Trung, Minh Đức, Thành Tây… và các nghệ sĩ khách mời: NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thanh Kim Huệ.

Các suất diễn tiếp theo vào ngày 13 và 14.7, ngày 9,10,11.8, ngày 27 và 28.9 và ngày 4 và 5.10.

Lâm Hạnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cai-luong-tram-nam-nguon-coi-loi-thiet-tha-cua-que-huong-nam-bo-19490.html