Cải lương rộn ràng nghinh Xuân

Sàn diễn cải lương có 6 vở diễn và 2 chương trình hứa hẹn mang lại cảm xúc cho khán giả trong những ngày vui Xuân Canh Tý tại TP HCM

Khác với mọi năm, sân khấu cải lương xã hội hóa đón Xuân Canh Tý với niềm phấn khởi qua lịch diễn phục vụ Tết tại các rạp từ mùng 1 đến mùng 10. Mỗi thương hiệu đều cố gắng tìm kiếm sự thể hiện mới, đầu tư cảnh trí, âm nhạc, phục trang, trên hết là tinh thần hăng say sáng tạo nghệ thuật để không phụ lòng khán giả yêu mến cải lương.

Nỗ lực tạo vở mới

Hội Sân khấu TP HCM và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã phối hợp thực hiện vở cải lương "Nghề nuôi quan" (soạn giả: Đăng Minh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), sẽ công diễn tối mùng 6 Tết tại Nhà hát Trần Hữu Trang (tức rạp Hưng Đạo). Lần đầu tiên vở cải lương hài dân gian được dựng trong dịp Tết nguyên đán, mượn tích xưa nói chuyện ngày nay, với hình thức dàn dựng châm biếm, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng nhưng không kém phần chua cay. "Nghề nuôi quan" kể về phú ông nhìn xa trông rộng, nắm bắt những sĩ tử có tài, hiếu học, ông đưa về nuôi và giáo huấn để khi lớn lên đi thi đỗ đạt thì đương nhiên là phương tiện giúp ông hái ra tiền. Những đối đáp duyên dáng, những tình huống dở khóc dở cười và những cái giá phải trả khiến khán giả thích thú, hả hê nhất là khi nhìn về nạn tham nhũng hiện nay trong xã hội. Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã có thêm vở cải lương hài sâu sắc, châm biếm để cảnh tỉnh lối sống tiêu cực.

Cảnh trong vở “Ngũ hổ bình Tây” của sân khấu tuồng cổ Chí Linh - Vân Hà

Cảnh trong vở “Ngũ hổ bình Tây” của sân khấu tuồng cổ Chí Linh - Vân Hà

Tết này, Đoàn Cải lương tuồng cổ Chí Linh - Vân Hà dựng vở "Ngũ hổ bình Tây" (tác giả: Bảo Kiếm, đạo diễn: Chí Linh) kể về câu chuyện chàng võ tướng Địch Thanh cùng bốn vị tướng tài trong trận đánh Tây Liêu đã cứu nguy biết bao dân lành, đồng thời tìm được hạnh phúc cho bản thân. Công chúa Thoại Ba ban đầu căm ghét ngũ tướng, dưới tài chỉ huy của Địch Thanh, nhưng rồi sau đó bén duyên và thành hôn với Địch Thanh. Ngày thắng trận, giải cứu chồng bị giặc Tây Liêu bắt giam cũng là ngày công chúa sánh đôi trên yên ngựa. Câu chuyện tình hào hùng nhưng đậm chất lãng mạn, đã được dàn diễn viên có vũ đạo đẹp mắt, giọng ca mạnh mẽ gồm: Chí Linh, Vân Hà, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Trọng Nghĩa, Hoàng Hải, Thúy My, Thanh Toàn… thể hiện xuất sắc. Vở sẽ công diễn tối mùng 8 Tết tại Nhà hát Trần Hữu Trang.

"Bình cũ rượu mới"

Có 4 vở diễn cũ được dàn dựng với phiên bản mới sẽ sáng đèn chào đón khán giả du Xuân cùng nghệ sĩ cải lương gồm: "Đại hỷ" (tác giả, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt; diễn tối mùng 1 đến mùng 3 tại sân khấu Kim Ngân), "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" (tác giả: Đức Phú, đạo diễn: Vũ Luân, diễn tối mùng 4 Tết tại Nhà hát Trần Hữu Trang), "Thanh Xà - Bạch Xà" (tác giả: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Trung Thảo; diễn tối mùng 7 Tết tại Nhà hát Trần Hữu Trang) và "Hoàng đế du Xuân" (tác giả, đạo diễn: Bạch Mai; diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên tối mùng 9).

Sau đợt xem phúc khảo các vở cải lương, NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Trước tình hình thiếu kịch bản hay, các sân khấu xã hội hóa dựng vở cũ là cách tạo điểm diễn giải trí trong ngày Tết. Bốn đạo diễn cải lương dày dạn kinh nghiệm đã đầu tư các khâu âm thanh, ánh sáng, cảnh trí và phục trang. Dàn diễn viên ngôi sao tham gia tích cực. Tôi cho đây là tín hiệu khả quan".

Điều vui mừng đối với các đơn vị làm cải lương xã hội hóa là vé đã được bán gần hết trước một tuần công diễn. Khán giả tại TP HCM, nhất là lực lượng khán giả Việt kiều về quê ăn Tết, đã hồ hởi tìm đến các sân khấu cải lương để mua vé xem hát dịp Tết nguyên đán Canh Tý này.

"Vang mãi những mùa Xuân huyền thoại"

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 231 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789-2020) với chủ đề "Vang mãi những mùa xuân huyền thoại", do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ phối hợp với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 29-1 (nhằm ngày mùng 5 Tết) tại sân khấu chính - Hội hoa Xuân - Công viên Tao Đàn (TP HCM).

Ê-kíp thực hiện chương trình cho biết đây là chương trình nghệ thuật có chuỗi ý tưởng liền mạch nhằm phân tích và ca ngợi những đức tính cao cả của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, đặc biệt cái "Tài", cái "Tâm", cái "Đức" mà ông để lại cho hậu thế hơn 230 năm qua. Chương trình do đạo diễn Dương Thảo - NSƯT Lê Trung Thảo dàn dựng, tác giả kịch bản Hoàng Song Việt, với sự tham gia của các nghệ sĩ: Thoại Mỹ, Kim Tiểu Long, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Tú Sương, Mỹ Hằng, Lê Trung Thảo, Thy Trang, Võ Minh Lâm, Nhã Thy, Minh Trường, Thế Vĩ, Nguyễn Phi Hùng, nhóm Lạc Việt, Mắt Ngọc, Nhật Nguyệt, nhóm cascadeur Quốc Thịnh, nhóm võ cổ truyền TP HCM... Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình TPHCM và phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM.T.Trang

Các chương trình phục vụ du khách

Tại Nhà hát Trần Hữu Trang, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết: Chương trình giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ được diễn miễn phí phục vụ khán giả tại sảnh của nhà hát, quy tụ lực lượng diễn viên nổi tiếng: Tấn Giao, Phượng Loan, Lê Tứ, Hà Như, Minh Trường, Nhã Thy, Thanh Toàn, Trung Đẳng, Thu Vân...

Tại Công viên Bến Dược - Củ Chi, tối mùng 5 Tết diễn ra chương trình "Củ Chi - Tình đất, tình người" phục vụ miễn phí khán giả với sự tham gia của các nghệ sĩ: Thoại Miêu, Trọng Phúc, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Hà Như, Đoàn Minh... với vở "Tình yêu thời chiến".

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/cai-luong-ron-rang-nghinh-xuan-20200121194423261.htm