Cải lương kết đôi với xiếc: Phép thử táo bạo

Ý tưởng đưa cải lương lồng với nghệ thuật xiếc tưởng bất khả thi, hóa ra lại đưa đến trải nghiệm mới mẻ không ngờ trong dự án dựng huyền sử về Tứ bất tử của văn hóa dân gian Việt và khởi đầu là vở 'Cây gậy thần' vừa ra mắt khán giả.

Nghệ sĩ cải lương và xiếc kết hợp mượt mà trong “Cây gậy thần”.

Nghệ sĩ cải lương và xiếc kết hợp mượt mà trong “Cây gậy thần”.

Vừa đu dây vừa hát

“Cây gậy thần” là vở đầu tiên trong dự án dựng huyền sử về Tứ bất tử - bốn vị thánh của văn hóa dân gian Việt Nam. Ý tưởng này do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) phối hợp thực hiện, được Bộ VHTT&DL phê duyệt. Hai nhà hát “góp gạo thổi cơm chung” có cái hay ở chỗ đội ngũ nghệ sĩ phong phú hơn nhiều lần, kinh phí cũng có phần xông xênh hơn để dựng vở.
Kịch bản “Cây gậy thần” của cố tác giả Hoàng Luyện - từng đạt giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật - nay được tác giả Lê Thế Song chỉnh lý và chuyển thể. Con rể cố tác giả chọn ra những lớp lang tinh túy nhất, chỉnh lý lại cho phù hợp với hình thức mới ca kịch xiếc, gói gọn trong thời lượng hai tiếng đồng hồ. Hai đồng đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc LĐXVN tung hứng ăn ý để cả cải lương và xiếc đều có đất diễn hợp lý.
Vở diễn xoay quanh câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung tình cờ nên duyên, hành trình Chử Đồng Tử tầm sư học đạo được ban gậy thần, nón thần để dựng lâu đài thành quách nguy nga. Huyền sử xưa còn được bồi đắp thêm nhờ nhiều tình tiết, tuyến nhân vật khác. Ngay từ thời điểm hé lộ ý tưởng đưa cải lương kết hợp với xiếc, đạo diễn Triệu Trung Kiên nghe không ít lời can ngăn, câu hỏi chất vấn. Thế nhưng “Cây gậy thần” ra mắt suôn sẻ, lại có luôn các suất diễn đầu tiên hôm 12 - 13/12 chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho thử nghiệm táo bạo này. Nghệ sĩ cải lương gây bất ngờ về khả năng vừa đu dây vừa hát. Nghệ sĩ Như Quỳnh mong manh là thế nhưng vắt vẻo vừa đu dây vừa cất giọng ca ngọt lịm. Như Quỳnh chia sẻ ban đầu cũng cực sợ độ cao nhưng phải học cách làm quen, biến nỗi sợ thành cảm hứng độc đáo.
Vào vai Chử Đồng Tử, nghệ sĩ Minh Hải còn phải khổ luyện hơn nhiều. Anh không những phải học bê đỡ bạn diễn nữ, còn phải treo mình lên cao trong nhiều bối cảnh. Minh Hải phải thực hiện nhiều pha bay vút từ dưới mặt đất lên sân khấu trên cao hoặc lao từ độ cao cả chục mét xuống dưới. “Vở diễn thực sự là khám phá và đổi mới bản thân tôi và các bạn diễn cải lương” - nghệ sĩ Minh Hải nói.
Cái khó ló cái khôn
“Lúc đầu, chúng tôi rất bỡ ngỡ, chếnh choáng không biết sẽ phải làm gì” - NSND Triệu Trung Kiên thừa nhận. Khi chìm đắm trong không gian xiếc, nghệ sĩ cải lương khám phá ra năng lực biểu diễn khoáng đạt hơn. Cải lương ủy mị là thế nhưng khi kết hợp với xiếc cũng bị cuốn vào tiết tấu hiện đại và mạnh mẽ, như khoác thêm áo mới. Khán giả ồ lên khi màn thể hiện tình cảm của Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tăng thêm hiệu ứng qua tiết mục đu dây đôi của cặp nghệ sĩ xiếc. NSND Triệu Trung Kiên thừa nhận, nhiều cảnh diễn đẹp và kỹ xảo, đặc biệt có sự đóng góp lớn từ xiếc.
Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, hai đạo diễn tìm ra chìa khóa để đưa cải lương vào sân khấu xiếc một cách mượt mà nhất. “Vì hướng tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, những người chưa từng yêu cải lương hay chưa từng yêu xiếc nên chúng tôi tìm cách làm mới, trong đó phải kể đến âm nhạc” - đạo diễn Tống Toàn Thắng bày tỏ. Phần âm nhạc, NSND Đào Trung đã đưa jazz vào các bài bản cải lương cổ để mang tới tiết tấu mới, màu sắc mới. Không dừng lại ở đó, hai đạo diễn còn dám đưa rap vào vở cải lương lồng xiếc này. Nhạc rap được đưa vào một lớp diễn khá phù hợp - ma quỷ trỗi dậy khiến Lạc tướng Châu Diên nổi tà ý làm phản. Nghệ sĩ vừa rap vừa nhảy khiến khán giả thích thú, không ngớt trầm trồ.
Tư duy phá vỡ mọi giới hạn, chấp nhận thử thách của hai đạo diễn ít nhiều mang đến cho khán giả trải nghiệm thú vị là vì thế. Phải nói rằng, không ít khán giả mê cải lương chưa thể quen với sự phá cách này nhưng “Cây gậy thần” chắc chắn là phép thử đáng giá.

Nhật Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-luong-ket-doi-voi-xiec-phep-thu-tao-bao-404433.html