Cái khó không 'bó' cái khôn!?

Chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá được đề ra tại ĐHĐB TP.HCM lần thứ X, với 03 mục tiêu: Di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch để tổ chức cuộc sống người dân tốt hơn; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng xuống cấp, chỉnh trang nâng cấp khu dân cư hiện hữu; xây dựng các khu ĐTM. Qua hơn nửa chặng đường, chương trình dù đã có những kết quả tích cực bước đầu, nhưng có nguy cơ bể mục tiêu đề ra nếu UBND TP.HCM không có những giải pháp thực sự đột phá.

Nhận diện thách thức

TP.HCM có khoảng 21.850 căn nhà trên và ven kênh, rạch thuộc 61 dự án. Chương trình di dời chủ yếu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, cụ thể: Nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm 6 dự án, di dời 6.223 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường hơn 19.000 tỷ đồng; Nhóm dự án thực hiện bằng vốn ngân sách gồm 52 dự án, di dời 13.827 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường hơn 21.500 tỷ đồng; Nhóm dự án đã được ghi vốn chuẩn bị đầu tư gồm 18 dự án, quy mô 7.910 căn, tổng mức bồi thường dự kiến hơn 12.450 tỷ đồng; Nhóm dự án chưa có chủ trương đầu tư gồm 27 dự án, di dời 5.391 căn, tổng kinh phí bồi thường dự kiến hơn 8.080 tỷ đồng…

Những dữ liệu trên cũng cho thấy, hiện TP.HCM vẫn còn loay hoay ở bước “chuẩn bị”.

Đơn cử như, tại Dự án bờ Nam Kênh Đôi (quận 8) có gần 10.000 căn nhà được di dời, khoảng 32.000 nhân khẩu, nhưng đến nay cũng chưa sáng lối ra. Hay như trường hợp quận 4 còn 1.700 nhà ở ven kênh rạch, dự kiến sẽ giải tỏa trắng gần 1.100 căn nhà trong dự án mở rộng đường Tôn Thất Thuyết, dự án công viên cây xanh bên bờ kênh Tẻ và dự án công viên hồ Khánh Hội - Giai đoạn 4, nhưng lại thiếu quỹ đất, quỹ nhà phục vụ tái định cư…

Bên cạnh những thách thức trong di dời, tái định cư nhà ven, trên kênh, rạch, kế hoạch cải tạo, thay thế chung cư cũ xuống cấp của TP.HCM cũng đang tậm tịt. Cụ thể, trong tổng số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 (15 chung cư thuộc cấp hư hỏng nặng, 8 chung cư cấp độ nguy hiểm), chỉ có 5 chung cư đang thực hiện di dời; 13 chung cư dù hư hỏng nặng vẫn chưa chọn được chủ đầu tư để tháo dỡ, xây mới.

Tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Với cách làm như vừa qua, chương trình di dời nhà trên, ven kênh, rạch khả năng đến cuối nhiệm kỳ chỉ thực hiện đạt khoảng 20%. Việc cải tạo chung cư cũ và xây mới thay thế đến nay mới hoàn thành 24% chỉ tiêu. Đây là chương trình có nguy cơ không hoàn thành rất cao.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban điều hành chương trình khẩn trương chủ trì cùng các sở, ngành nghiên cứu cách tiếp cận khác để thu hút mạnh mẽ, nhanh các doanh nghiệp tư nhân tham gia; cần có giải pháp thí điểm đặc thù phân cấp cho các quận, huyện trong việc sửa chữa chung cư; cần khẩn trương bàn và kết luận có tiếp tục đầu tư khu đô thị Tây Bắc hay không, cách thức triển khai cụ thể…

Dòng kênh đen Quận 8 được phục sinh với những nỗ lực chỉnh trang đô thị của TP.HCM

Nhiệm vụ không thể lùi!

UBND TP.HCM đã đánh giá: Chỉnh trang và phát triển đô thị là chương trình có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu cao nhất. Thế nên, lãnh đạo thành phố liên tục tổ chức cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện, tìm giải pháp cho các khó khăn nổi cộm về vốn; khó thu hút được nhà đầu tư tham gia; thiếu quỹ đất, quỹ nhà tái định cư… Thực tế, về khó khăn về quỹ đất, quỹ nhà, TP.HCM hiện đang dư thừa tới gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư để trống, chỉ tổ chức bán đấu giá một phần.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, đây là chương trình lớn của Đảng bộ thành phố nhằm chăm lo đời sống người dân, cần kiên trì thực hiện. Ông yêu cầu từ sở/ngành đến quận/huyện phải xác định tinh thần như vậy để làm với quyết tâm lớn nhất. “Đây là nhiệm vụ không thể lùi. Thành phố đã có kinh nghiệm về giải tỏa kênh rạch từ những nhiệm kỳ trước thì giờ càng phải kiên trì làm để lo cho dân”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Theo ông Tuyến, thực hiện được chương trình chỉnh trang đô thị là giải quyết căn cơ đời sống người dân, vấn đề về ô nhiễm môi trường, chống ngập… Ông cũng yêu cầu các đơn vị khi thực hiện các giải pháp phải đặt trong tổng thể như thế chứ không chỉ đưa dân đi và khai thác tối đa tính hiệu quả của quỹ đất.

Và thực tế, quyết tâm của UBND TP.HCM đi từ những điểm sáng đã có.

Đầu tiên, là sự thay đổi bất ngờ của bộ mặt đô thị, môi trường, khi ba con kênh lớn: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé và Tân Hóa - Lò Gốm được “hồi sinh”, kéo theo sự thay đổi về cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống ven và trên các tuyến kênh, rạch, trong các căn nhà lụp xụp, chật chội, ô nhiễm,…

Hay gần hơn là quận 8, nơi có số lượng nhà ven và trên kênh, rạch nhiều nhất thành phố, với khoảng 15.000 căn nhà ổ chuột. Khi chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị được thực hiện, đã có 920 hộ dân sống ven, trên rạch Ụ Cây được giải tỏa, những mảng xanh chạy dọc hai bên bờ kênh thay thế cho các dãy nhà lụp xụp, hệ thống đường giao thông mở rộng, chất lượng nguồn nước được cải thiện từng ngày…

Thế nên, trong hai năm qua, TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị, đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư đến từ các quốc gia có điều kiện tự nhiên - xã hội khá tương đồng là Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong các chương trình nói trên, liên tục nhắc tới bài học của Nhật Bản là không di dời người dân đi chỗ khác, mà cải tạo đô thị ngay trên chính phần đất hiện hữu, để người dân có chỗ ở tốt hơn, có điều kiện sống và làm việc tốt hơn, để thành phố có thêm điều kiện để phát triển giao thông, hạ tầng…, từng bước trở thành nơi đáng sống nhất.

Theo thông tin từ UBND TP.HCM, hiện có 6 nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án chỉnh trang đô thị và nhận được sự hoan nghênh rất lớn, sẽ giúp thành phố ngoài việc tổ chức cuộc sống cho người dân tốt hơn, còn giúp thực hiện các mục tiêu về chống ngập, giao thông, môi trường, du lịch…

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/cai-kho-khong-bo-cai-khon-45952