Cái kết của thiếu niên Trung Quốc trốn thoát khỏi 'trại sửa giới tính'

Bỏ trốn nhiều lần khỏi 'trại sửa giới tính' và bị gia đình lừa dối, Huang Xiaodi cuối cùng cũng được sống cuộc đời của mình. Nhưng khó khăn vẫn tiếp diễn.

Sau hai lần con gái bỏ trốn khỏi "trại sửa giới tính" như địa ngục, cha của Huang Xiaodi cuối cùng cũng từ bỏ ý định tống con vào nơi này lần nữa. Cô gái đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng trốn chạy, ăn thức ăn thừa, ngủ ngoài hành lang.

Sau đó, Huang được đưa đi kiểm tra thêm ở bệnh viện địa phương và Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải. Tại đây, cô chính thức được chẩn đoán mắc rối loạn nhận dạng giới (GID).

Nó định nghĩa “bệnh nhân là những trường hợp ăn mặc hoặc tham gia vào các hoạt động của người khác giới, liên tục từ chối đặc điểm sinh học và hoạt động xã hội của bản thân từ 6 tháng trở lên”.

Tổ chức Y tế thế giới đã loại bỏ GID khỏi danh sách bệnh tâm thần trong lần sửa đổi thứ 11 của bảng phân loại bệnh quốc tế, chính thức có hiệu lực vào năm 2022. Nhưng chẩn đoán GID từ một viện y tế vẫn là con đường duy nhất để những người tại Trung Quốc được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

 Một thành viên chuẩn bị cho bữa tiệc Shanghai Pride ở Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 7/2019. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Một thành viên chuẩn bị cho bữa tiệc Shanghai Pride ở Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 7/2019. Ảnh: Aly Song/Reuters.

"Tôi sinh ra là con gái"

“Vào những ngày cuối cùng của tuổi 17, lần đầu tiên tôi biết về GID. Nếu biết về nó sớm hơn, có lẽ tôi không phải chịu tất cả đau đớn trước đó”, cô gái nói.

Sau khi được chẩn đoán, Huang kiên quyết giữ ý tưởng rằng cô đã được sinh ra trong một cơ thể sai lầm và yêu cầu phẫu thuật sửa chữa. Cô tiếp tục nhấn mạnh rằng bản thân không chọn trở thành một người phụ nữ, mà "hồi phục, trở lại như tôi vốn dĩ”. Huang cũng cho biết cô rất buồn khi báo cáo truyền thông trước đây mô tả chi tiết việc bản thân tự tiêm hormone vào những năm đầu đời bằng cách nhìn không mấy thiện cảm.

“Chúng tôi không phải quái vật. Chúng tôi sinh ra là con gái và chỉ cần điều chỉnh cho đúng”, Huang nói. Việc sử dụng từ mang nghĩa “những cô gái nghiện thuốc” như thể miêu tả họ là kẻ hư hỏng, cố gắng thay đổi giới tính, bản thân bằng thuốc.

Đầu tháng một, Huang trở lại Tô Châu để tìm việc nhưng thường bị từ chối vì nhìn thấy dòng “nam giới” trên thẻ căn cước. Điều này càng cổ vũ cho ý định phẫu thuật chuyển giới của cô gái. Tuy nhiên, việc đầu tiên cô cần làm là kiếm đủ tiền để chuẩn bị cho ca phẫu thuật tại Thái Lan vào tháng 10. Tuy nhiên, Covid-19 đã thay đổi tất cả.

Đầu tháng 5, Huang bắt đầu viết trải nghiệm kinh hoàng và hành trình đến với tự do của mình trên mạng xã hội. Cô công khai câu chuyện, khởi động chiến dịch Kickstrarter, tìm kiếm nguồn tài trợ cho các ca phẫu thuật chuyển giới của mình. Số tiền quyên góp đã lên tới hơn 12.000 nhân dân tệ, nhưng không thấm vào đâu so với 100.000 nhân dân tệ mà Huang cần.

Tháng 6, phóng viên của SCMP đến gặp Huang. Cô gái mặc chiếc áo phông sẫm màu, quần tây rộng thùng thình. Tóc dài ngang vai, buộc đuôi ngựa thoải mái. Huang trông giống một phụ nữ và nhiều người đàn ông ở nơi công cộng gọi cô với danh xưng dajie (chị gái).

Cuối cùng, Huang đã tìm được việc tại cửa hàng gà rán ở Tô Châu, đứng bên nồi dầu nóng 12 giờ liên tục. Người chủ luôn động viên cô “hãy là chính mình”.

Trong nhiều tháng, Huang không mua quần áo, mặc một chiếc sơ mi màu xám bám đầy dầu. Cô muốn tiết kiệm cho mục tiêu phẫu thuật đã đề ra nên mỗi tháng chỉ chi 500 nhân dân tệ thuê nhà và vài nhân dân tệ cho ăn uống.

Một người tham gia bữa tiệc Shanghai Pride ở Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 7/2019. Ảnh: Getty.

Định kiến không thể xóa bỏ

Mối quan hệ của Huang với gia đình không cải thiện. Không còn ép con gái đến các trường học khắc nghiệt và tàn khốc nhưng họ không chấp nhận giới tính của cô.

Phóng viên của SCMP cố gắng liên lạc với mẹ Huang nhưng bà không trả lời. Tình trạng này theo Huang thường xuyên xảy ra, ngay cả khi cô nhắn hỏi thăm gia đình, không mấy ai hồi đáp.

Trong cuộc phỏng vấn với The Paper vào tháng 6, bà Liu Fang, mẹ của Huang, cho biết bà cảm thấy bối rối và đau khổ. Bà mẹ cho rằng con gái có thể ăn mặc như phụ nữ nhưng ý tưởng phẫu thuật chuyển giới khiến bà sợ hãi. Bởi một khi Huang làm điều đó, cô sẽ không thể quay lại là nam giới.

Bà Liu nhấn nút thích và bình luận: "Cậu bé đẹp trai" trong bức ảnh Huang trong trang phục rằn ri. Đồ họa: SCMP.

Một ngày của tháng 7, Liu tham gia WeChat. Sau khi Huang phàn nàn cha mẹ không chấp nhận con người thật của mình, bà Liu viết trên trang cá nhân: “Con luôn nói những điều xấu sau lưng và cho rằng ta gửi con đến trại cải tạo, đưa con vào nơi tù ngục. Trong đầu, con tin rằng bị gia đình ghét bỏ. Nhưng gia đình chỉ muốn những gì tốt nhất cho con. Con đã từng là đứa trẻ tốt bụng, ngoan ngoãn”.

Ngay lập tức, Huang phản bác: “Con là nạn nhân. Con không ghét cha mẹ mà chỉ viết trải nghiệm của mình để báo cáo về ngôi trường kia, cứu nhiều người vô tội khác”.

Tháng 3/2019, Liu đăng bức ảnh của Huang lên WeChat. Nó được chụp khi con gái đang được lão Trương chăm sóc. Huang ăn mặc như bé trai trong bộ đồ rằn ri, đứng trong sân trường Trùng Khánh, hướng mắt về phía chân trời, nơi nào đó ngoài bức tường ranh giới.

Bà mẹ nhấn nút thích và bình luận: “Cậu bé đẹp trai”.

Không nói trực tiếp với con gái, bà Liu cho biết gia đình họ phải chịu áp lực xã hội nặng nề từ khi Huang đăng câu chuyện lên mạng. Người phụ nữ này nói rằng nhiều bình luận ác ý tấn công gia đình họ.

Cha đã hủy kết bạn với Huang trên WeChat còn bà Liu thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với con. Nhưng bà mẹ luôn không thể hiểu vì sao con gái khăng khăng phải đi theo con đường “là một phụ nữ”.

Sau đó, Huang yêu cầu cha mẹ ký vào tờ giấy phép cho ca phẫu thuật chuyển giới mà cô biết sẽ có nhiều nguy hiểm đi kèm. Tuy nhiên, Liu trì hoãn: “Mẹ đang bận việc”.

Trong đoạn tin nhắn mà The Paper đăng tải, bà Liu và Huang vẫn chưa thể thống nhất quan điểm. Mối quan hệ của họ đi vào ngõ cụt:

“- Tại sao mẹ luôn nghe những gì người khác nói?

Tại sao mẹ không lắng nghe trái tim mình?”

“- Nhưng con có thể là chàng trai tốt. Mẹ thật sự không thể chịu đựng nổi. Cả nhà đã làm gì sai với con?

Phải chăng mẹ đã sinh nhầm? Lẽ ra ngay từ đầu con chào đời là bé gái thì mọi chuyện đã tốt đẹp”

“- Mẹ không làm gì sai. Con cũng vậy. Cả hai chúng ta đều là nạn nhân”.

Thiên Nhan

Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-ket-cua-thieu-nien-trung-quoc-tron-thoat-khoi-trai-sua-gioi-tinh-post1162661.html