Cái kết có hậu của một chuyện tình buồn

Người phụ nữ dắt theo đứa bé chừng khoảng 2 tuổi cứ tần ngần đứng trước Văn phòng luật sư nửa muốn bước vào, nửa ngại ngần. Kinh nghiệm từ nhiều năm cho tôi thấy, chắc chắn chị đang gặp nhiều uẩn khúc và muốn nhờ luật sư tư vấn nhưng còn ngại ngùng. Tôi bước ra nói như không liên quan gì đến pháp luật: 'Trời nắng quá, chị cho cháu vào ngồi trong này chút cho mát rồi hẵng đi'. Được lời, chị bước vào văn phòng một cách tự nhiên.

Người cùng hàng thừa kế thì được hưởng phần di sản bằng nhau.

Chuyện tình buồn

Khi đã xóa bỏ được mặc cảm, chị tự tin hơn khi kể lại chuyện của mình, bắt đầu từ hơn 5 năm trước. Khi đó, chị làm trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vốn xinh xắn lại giỏi ngoại ngữ, chị được nhiều người theo đuổi. Nhưng bỏ qua tất cả, chị lại chú ý đến một người đàn ông là nhân viên phòng kinh doanh của công ty, đã có gia đình và một con trai 5 tuổi. Khác hẳn với những người đàn ông khác, anh luôn tỏ ra thờ ơ, hững hờ với chị. Sự thờ ơ đó nhiều lúc khiến chị bực mình, cảm thấy như bị tổn thương và tự hứa với bản thân sẽ “đánh gục” anh.

Điều oái oăm là, chị càng cố gắng làm đẹp mình, thì anh càng thờ ơ. Những câu chuyện giữa anh và chị chỉ dừng lại ở công việc. Thi thoảng khi có đông người, anh cũng pha trò dí dỏm và rất có duyên về phụ nữ, nhưng luôn ám chỉ về việc mình đã có vợ. Nhìn anh cười tếu táo, ai cũng vui, nhưng riêng chị thì thấy trong ánh mắt của anh vẫn có gì đó buồn buồn. Một lần, chị nói: “Anh cười vậy chứ chẳng vui gì”. Anh nhìn chị vẫn cười, nhưng có chút gì đã như đã thú nhận và hỏi: “Sao em biết?”.

Chị nói: “Đôi mắt anh tố cáo tất cả” và chủ động gợi mời: “Anh muốn biết vì sao em nói thế thì nhớ mời em café nhé. Em biết xem bói mà”. Chẳng biết có phải vì câu nói “Em biết xem bói mà” hay không, nhưng anh mời chị tối đó đi ăn ở một nhà hàng nhỏ khá thơ mộng bên bờ sông. Câu chuyện của hai người tối đó chẳng liên quan gì đến bói toán mà chủ yếu kể cho nhau nghe về quá khứ của mình. Vẫn dí dỏm, đôi khi pha chút hài hước, anh kể về gia đình mình. Cao hứng, đôi lúc anh còn đọc thơ cho chị nghe, thậm chí là những bài thơ mà anh làm nhưng chưa từng cho ai biết.

Còn chị thì kiệm lời, đôi khi kể một chút như là chất xúc tác để anh nói nhiều hơn về mình. Cái vẻ thờ ơ, hờ hững của anh biến mất, thay vào đó là sự hào hứng. Sau tối đó, anh chị bắt đầu nhắn tin, rồi nói chuyện với nhau thân mật, hẹn hò nhiều hơn. Cho đến một ngày, anh thổ lộ là rất nhớ chị, chỉ mong chờ được gặp gỡ, nói chuyện hay đi chơi với chị. Đến lúc này, cái mục tiêu “sẽ đánh gục anh” của chị đã đạt được. Nhưng thay vì cảm giác thỏa mãn của kẻ chiến thắng, chị lại thấy xáo động trong lòng. Chị cũng thấy nhớ anh thật nhiều và cảm giác hạnh phúc khi ở bên anh, dù lý trí thì luôn nhắc nhở anh là người đã có gia đình.

“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, anh chị đã yêu nhau tha thiết và cái gì đến cũng phải đến, chị đã mang trong mình giọt máu của anh. Khi biết mình có thai, để khỏi ảnh hưởng đến công việc của anh, chị xin nghỉ việc ở công ty. Anh chị dồn tiền mua một căn hộ nhỏ ở ngoại thành để chị tiện sinh hoạt. Những ngày chị sinh nở, anh luôn ở bên chăm sóc khiến cho chị cũng được an ủi phần nào. Khi đứa trẻ được hơn 1 tuổi, anh chị bàn nhau sẽ về xin lỗi vợ anh.

Thế nhưng, chưa kịp làm điều đó thì anh phát hiện mình bị bạo bệnh và sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Những ngày gần cuối đời, anh có nói với chị, sau khi anh chết, thì đem con về xin lỗi mẹ, vợ anh và cho cháu nhận bà. Chị cảm thấy rất băn khoăn và lo ngại thì anh nói cứ yên tâm, mọi chuyện anh đã lo liệu. Nghe lời, sau khi anh mất hơn 100 ngày, chị dẫn con đến nhận bà. Ngày ấy, chị rất lo lắng vì không biết vợ anh sẽ đối xử với mình ra sao.

Vì dù sao đi nữa, chị cũng là người thứ ba, “chen ngang” vào gia đình anh. Nhưng rồi, đúng như anh nói, anh đã lo liệu tất cả. Trước khi chết, anh đã viết một bức thư cho vợ, dặn sau khi chôn cất anh thì mới mở ra đọc. Trong thư đó, anh kể lại tất cả quá trình quen biết, yêu thương và có con với chị và mong vợ anh tha thứ cho hai người, để cho cháu bé được nhận bà. Vợ anh, dù rất đau khổ, nhưng chắc vì anh đã chết, nên cũng tha thứ cho chị. Nhưng mẹ anh thì lại không chấp nhận và tuyên bố muốn bắt con chị về nuôi.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ

Điều chị muốn được tư vấn là chị có phải giao con cho bà nội hay không và căn nhà của anh chị mua sẽ được chia thế nào khi anh đã mất mà không để lại di chúc gì. Theo quy định của pháp luật hiện hành, dù giữa anh và chị không có đăng ký kết hôn, nhưng theo quy định tại khoản 2, điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Giữa chị và cháu bé là quan hệ mẹ con, nên theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì chị là người có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé theo quy định tại điều 69 Luật Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ: “1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. 2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự...

Còn bà nội cháu bé chỉ được quyền và có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé nếu chị không đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định tại điều 105 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: "Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại điều 105 của luật này (Quyền và nghĩa vụ của anh, chị em - PV) thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu".

Về tài sản, do anh chết không để lại di chúc, nên cháu bé sẽ được hưởng một phần thừa kế từ khối tài sản của anh ngang bằng với bà nội cháu bé và vợ, con anh, do cháu bé thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Chị chào tôi ra về và ít lâu sau thì điện thoại lại cho biết, đã thống nhất được việc chia tài sản với vợ, con anh. Còn bà nội cháu bé, cũng không đòi nuôi cháu nữa, nhưng đề nghị chị thường xuyên cho cháu về thăm bà. Tôi thầm cầu chúc cho mẹ con chị có được bình an cho quãng đời trước mặt.

(Ghi theo lời kể của Luật sư Đại Trần)

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/cai-ket-co-hau-cua-mot-chuyen-tinh-buon-609149.ldo