Cái hay của Lịch sử và nỗi niềm môn thi Sử!

Việc môn Sử xuất hiện trong hệ thống thi cử là một yêu cầu bắt buộc là cần thiết và xác đáng. Thế nhưng, cứ sau mỗi ký thi THPT quốc gia thì nỗi niềm, trăn trở về môn Sử lại được nhân lên bội phần.

Các chuyên gia giáo dục khẳng định rằng đề thi Lịch sử năm nay dễ hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Các chuyên gia giáo dục khẳng định rằng đề thi Lịch sử năm nay dễ hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Lịch sử rất hay…

Lịch sử không đơn thuần chỉ là ghi nhớ máy móc các sự kiện diễn ra trong quá khứ mà nó là một bộ môn khoa học xã hội góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức công dân, góp phần chấn hưng dân tộc, đất nước. Trước khi trở thành một nhà khoa học ở bất kỳ lĩnh vực nào thì bất kỳ một công dân Việt Nam nào cũng phải có hiểu biết căn bản về lịch sử nước nhà.

Con người xuất hiện từ khi nào thì khoa học lịch sử cũng ra đời từ đó, lịch sử xã hội loài người từ khi hình thành cho đến nay đã có biết bao đổi thay, có những thứ đã vĩnh viễn biến mất hoàn toàn khỏi trái đất, song khoa học lịch sử thì vẫn vậy, nó như cây cổ thụ ngày càng vươn cao, tán lá càng rộng.

Vì thế, Bác Hồ đã chỉ rõ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tức là, “Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời”.

Đối với giáo dục, môn lịch sử còn là dạy làm người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao cái phông văn hóa cho học sinh, sinh viên. Học lịch sử còn để biết giá trị của ngày hôm nay và từ đó biết ý nghĩa của thành ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”..v..v.

Rất nhiều ý nghĩa và vai trò của môn học lịch sử là như vậy nên các quốc gia trên thế giới đã rất coi trọng môn học này. Họ đã giành cho chương trình Lịch Sử một vị trí xứng đáng, là một trong 5 môn học bắt buộc ở phổ thông vì họ quan niệm rằng “Sử học là thầy dạy của cuộc sống”.

Các kết quả nghiên cứu cho biết, kinh nghiệm của nước ngoài có nhiều, và rất nhiều nước ưu tiên cho môn Sử (như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Israel ...). Thậm chí, ở trường phổ thông Israel hiện nay, Lịch sử được xếp ngang hàng với các môn Văn học, môn Kinh thánh và học sinh phải thi.

Điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, hào hùng có, tự hào có, nhưng bi tráng đau thương cũng không kém phần. Nên, việc môn sử xuất hiện trong hệ thống thi cử như là một yêu cầu bắt buộc là cần thiết và xác đáng. Thế nhưng, cứ sau mỗi ký thi THPT quốc gia thì nỗi niềm, trăn trở về môn Sử lại được nhân lên bội phần.

… nhưng mỗi kỳ thi sao lắm nỗi niềm

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử, nhưng có tới 399.016 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỉ lệ tới 70,01%. Trong khi, các chuyên gia giáo dục khẳng định rằng đề thi Lịch sử năm nay dễ hơn rất nhiều so với năm ngoái.

Nhìn phổ điểm như vậy, nỗi đau lớn nhất có lẽ không phải từ thí sinh, mà đến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy vì kết quả đó không phản ánh chính xác sự nỗ lực, nỗ lực đến tuyệt vọng của các thầy cô khi ôn tập cho học sinh. Một nỗi đau khác lớn hơn đến từ xã hội khi chứng kiến thế hệ trẻ của Việt Nam không thể có nổi một lượng kiến thức lịch sử mang tính cơ bản của quốc gia, của quê hương chính các em.

Nếu các vị hiểu môn Lịch sử cũng như bao bộ môn khoa học khác, học để biết cách nghiên cứu một vấn đề và học để hướng nghiệp, thì đã không có những bi kịch “tháng 7 hằng năm” về môn Sử như thế.

Một thực tế không thể phủ nhận được là: Ở thời đại mà công nghệ thông tin đã “mò” đến tận đầu giường của các em thì hầu hết các “kiến thức” lịch sử đang được dạy và học ở trường, đều ở dạng tin tức, số liệu có thể tìm thấy rất dễ dàng thông qua một tác vụ “Search Google” đơn giản. Internet, mạng xã hội từ nhiều năm nay đã là công cụ không thể tốt hơn để trả lời những câu hỏi kiểu như: “Chiến dịch Biên giới diễn ra khi nào và quân ta tiêu diệt được bao nhiêu tên địch?”..v..v.

Tất nhiên học Sử không phải chỉ để đi thi và lấy chứng chỉ. Nhưng với cách dạy, cách “học để thi” kiểu như hiện nay, học sinh sẽ quên ngay lập tức các thông tin bị ép nhồi vào đầu ngay sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp và thậm chí hơn 70% thí sinh kia có khi còn chẳng nhớ những thông tin đó ngay cả khi bước vào phòng thi.

Ở đây không muốn quy trách nhiệm cho học sinh hay nhà làm giáo dục. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Học Sử để làm gì? Thì với tư duy như hiện nay, chính các nhà hoạch định chính sách, những nhà làm giáo dục cũng chưa trả lời nổi. Thế mới có chuyện học sinh học vẹt, học đối phó là xu thế và việc trượt tủ, điểm kém là tất yếu.

Liên quan đến cái sự buồn của môn Sử, còn nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ sự trăn trở rằng: “Tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên chúng ta? Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc; và nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia”.

Phải nhớ, lịch sử là quá khứ, là nơi chứa đựng giá trị văn hóa, là nguồn dữ liệu để tham chiếu kinh nghiệm cha ông vào sự phát triển hôm nay. Đó là hồn cốt, truyền tải những giá trị truyền thống, mà nếu không có lịch sử không thể hiểu được vị trí của hiện tại, với ý nghĩa đó thì nếu lịch sử còn thì văn hóa còn, và văn hóa còn thì dân tộc còn.

Chính vì vậy, cần có ý thức về tầm quan trọng của việc xây dựng sự kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy sức mạnh dân tộc trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Hải Đăng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cai-hay-cua-lich-su-va-noi-niem-mon-thi-su-154193.html