Cái giá mà một số loài cá mập phải trả trong quá trình tiến hóa

Giải mã bộ gien của 3 loài cá mập, các nhà di truyền học Nhật Bản đã đi đến kết luận rằng trong quá trình thích nghi với cuộc sống ở vùng nước sâu, một số loài cá mập đã phải trả giá bằng sự 'mất đi' nhiều thụ thể khứu giác cũng như các thụ thể cảm nhận ánh sáng và gần như hoàn toàn bị mù màu.

Một con cá mập tre vằn Chiloscyllium punctatum - Ảnh : Flickr

Một con cá mập tre vằn Chiloscyllium punctatum - Ảnh : Flickr

Theo Nature Ecology&Evolution, kết luận này được các nhà khoa học Nhật Bản đưa ra khi giải mã bộ gien của 2 loài cá mập tre vằn Chiloscyllium punctatum và loài cá mập Nhật Bản Scyliorhinus torazame cũng như tổng hợp bộ gien cá mập voi Rhincodon typus. Ngoài ra, họ phát hiện thấy cá mập cũng có các gien điều tiết cân bằng nội môi và sinh sản như ở động vật có vú.

Trong lớp cá sụn, bao gồm cả cá mập, bộ xương được hình thành từ sụn. Để không bị chìm, cá sụn phải không ngừng chuyển động. Lớp cá sụn xuất hiện ít nhất 395 triệu năm trước đây thuộc kỷ Devon, rồi sau đó mới hình thành cá mập và cá đuối.

Nhà di truyền Shigehiro Kuraku ở Viện Hóa lý Nhật Bản khi tiến hành nghiên cứu đã thấy tất cả các loài cá mập trên đều có bộ gien khá lớn – lên đến vài tỉ cặp base (nucleotide pairs). Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy trong bộ gien của chúng có khá nhiều "ADN rác" (các đoạn gien với chức năng chưa được biết). Họ nhận thấy sự tiến hóa ở cấp phân tử của cá mập diễn ra chậm hơn so với các loài cá xương có vây tia.

So sánh bộ gien của cá mập và các loài động vật có xương sống khác, các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra rằng cá mập đã sở hữu các gien điều tiết cân bằng nội môi và chức năng sinh sản như ở các loài động vật có vú. Hóa ra, cá mập Nhật Bản Scyliorhinus torazame của các thụ thể nhạy sáng được chỉ còn cho phép nhìn thấy trong bóng tối. Những cá thể đó sống ở độ sâu đến 300m và đã thích nghi với tầm nhìn hạn chế ở vùng nước sâu. Còn các loài cá mập voi Rhincodon typus và cá mập tre vằn Chiloscyllium punctatum thậm chí còn giữ được opsin nhạy cảm ở dải quang phổ màu đỏ. Ngoài ra, cả 3 loài đều mất hầu hết các thụ thể khứu giác. Có lẽ các nhà nghiên cứu chưa biết cơ chế khứu giác của cá mập khi cần đánh hơi được kích hoạt như thế nào.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/cai-gia-ma-mot-so-loai-ca-map-phai-tra-trong-qua-trinh-tien-hoa-98569.html