Cái giá của sự bộp chộp và đám đông 'a dua'

Mặc dù chỉ là những tin đồn thất thiệt từ ngoài đời lẫn trên mạng xã hội nhưng những thông tin này lại đã và đang gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Em TCM suy sụp do bị hiểu nhầm là nam sinh có quan hệ bất chính với cô giáo.

Em TCM suy sụp do bị hiểu nhầm là nam sinh có quan hệ bất chính với cô giáo.

Tung tin cảnh báo dởm

Chuyện những sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tung tin đồn thất thiệt, để chơi xấu, bôi nhọ người khác... hay đơn giản là để câu “like”, kiếm “fame” không còn là điều gì mới mẻ. Nhưng nó vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ với lượng thông tin lớn trên mạng xã hội và tốc độ lan truyền vô cùng nhanh chóng.

Ngày 6/8/2019, Công an TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã ra quyết định xử phạt chị Nguyễn Thị H.T. (SN 1990, trú tại TP Bắc Ninh) số tiền 12,5 triệu đồng vì đã đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook.

Trước đó, ngày 26/7/2019, chị H.T. đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải hình ảnh 2 nam thanh niên đi xe máy có hành động cướp túi xách của một người phụ nữ đi xe máy khiến chị này ngã ra đường. Kèm theo hình ảnh trên, chị H.T. còn đăng bài viết có nội dung gây hoang mang: “Vang danh thành phố đáng sống nhưng thời gian gần đây, thành phố Bắc Ninh đã xảy ra liên tục các vụ cướp giật gây phẫn nộ và hoang mang dư luận”.

Bên cạnh đó, chị này tiếp tục dùng tài khoản Facebook có tên là “Trang Bella” để đăng tải thêm dòng chữ: “Hoang mang thật sự. Ảnh luôn đây, biển 99 luôn đây, cướp giựt ngang nhiên luôn ạ”. Tiến hành xác minh thông tin do chị H.T. đăng lên mạng xã hội, lực lượng chức năng xác định đây là hình ảnh trong vụ cướp giật tài sản xảy vào tháng 2/2019 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Công an TP Bắc Ninh, hành động đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội của chị H.T. đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm suy giảm uy tín của lực lượng công an.

Facebook có tên Đ.T.H (chuyên kinh doanh mỹ phẩm online) đăng thông tin kèm clip 2 phụ nữ bị đánh đập với nội dung “Cảnh báo bắt cóc trẻ em tại Thái Phù - Sóc Sơn”. Bài đăng này giúp tài khoản Facebook cá nhân này có lượng view tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, sự thật lại không đúng như những gì đăng tải.

Theo Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hai nhân vật xuất hiện trong video đăng tải là các chị Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở Lê Thanh, Mỹ Đức) và Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, ở Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội), đều là thành viên của HTX tình thương huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn để bán tăm bông gây quỹ tình thương.

Khi tới nhà cháu Đinh Huy Anh (SN 2012), hai chị hỏi bố mẹ cháu có nhà không để bán tăm thì bị bà nội cháu là Nguyễn Thị Tốt (43 tuổi) đuổi ra khỏi nhà, đồng thời hô hoán “bắt cóc trẻ em”. Nghe tiếng hô, một số người dân trong thôn đã đuổi đánh 2 chị Bảy và Phúc đến địa phận khu 1 xã Minh Phú khiến cả hai chị bị thương, được Công an huyện đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khám và điều trị.

Nạn nhân của vụ đánh hội đồng do bị nhầm bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn và một facebooker đăng tin sai sự thật.

Nguyên do của hành động trên là thời gian gần đây liên tục xuất hiện những thông tin thất thiệt về chuyện “bắt cóc trẻ em”, khiến nhiều người tin đó là sự thật. Mặt khác sự “bộp chộp”, nóng vội, thiếu suy xét lắng nghe khiến người dân nhất mực khẳng định, họ là đối tượng bắt cóc khiến đám đông lao vào hành hung hai người phụ nữ vô tội.

Bộp chộp dẫn đến gián tiếp giết người

Rất nhiều sự việc đau lòng đã diễn ra vì sự nóng vội trong tiếp nhận thông tin và xử lý tình huống của một bộ phận người dân. Chính những cái đầu thiếu tỉnh táo, đôi tai thiếu chắt lọc, sự bộp chộp nơi bàn phím khiến nhiều người là nạn nhân của tính vội vàng, hấp tấp, suy diễn người khác. Thật sự, nhiều vụ việc vô cùng đáng tiếc chỉ vì những giây phút nóng vội của người “ngoài cuộc”.

Vào tháng 3, vụ việc nữ giáo viên tại một trường THPT trên địa bàn thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận bị chồng tố có quan hệ bất chính với nam sinh lớp 10 từng gây xôn xao dư luận. Theo Công an tỉnh Bình Thuận cho biết có hơn 50 trang thông tin mạng và các trang tin cá nhân đã đăng nhiều thông tin không chính xác, trái chiều, tạo ra những tranh luận không đáng có.

Điều này gây tổn thương đến uy tín ngành giáo dục của hàng triệu thầy cô giáo, là ảnh hưởng tiêu cực đến địa phương. Đặc biệt hơn lợi dụng sức nóng của mạng xã hội, nhiều tài khoản facebook cắt ghép, “đoán già đoán non” danh tính nam sinh có liên quan đến việc trên. Chỉ bằng tấm ảnh chụp chung với cô giáo, em T.C.M (học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ) bị gán ghép là em học sinh quan hệ bất chính.

Sự “nhanh tay, nhanh mắt” nhưng thiếu suy nghĩ đã để lại nhiều bình luận tiêu cực mang tính nhục mạ nhân phẩm danh dự của em M. Chỉ thông qua bức ảnh bị cắt ghép, một vài bình luận phỏng đoán nhưng dễ dàng “dắt mũi” số đông bị hút vào câu chuyện đang “hot” dù không một bằng chứng cụ thể xác thực. Hậu quả để lại khiến M. không thể đi học, bị suy sụp, không dám ra ngoài vì sợ ánh mắt nhòm ngó của mọi người xung quanh.

Đặc biệt, nhiều người dùng mạng xã hội không tỉnh táo đã vội vàng “like/share” các bài viết tiêu cực khiến sự việc lan truyền nhanh chóng, nhiều thông tin không sự thật khiến em M. tổn thương.

Gần đây, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước sự vụ anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, ngụ ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, Long An) bị đâm chết tại công viên trong lúc đang chơi đùa với con nhưng bị hiểu lầm là… bắt cóc trẻ em.

Anh Bảo đã ra đi mãi mãi sau tiếng tri hô vô ý và sự bộp chộp của đám đông.

Khoảng 17 giờ 10 ngày 21/2 anh Bảo đưa con đến công viên đối diện trụ sở Công an thị trấn Hậu Nghĩa (ô 4, khu A, thị trấn Hậu Nghĩa) chơi đùa. Một người phụ nữ bán vé số dạo nhìn thấy sinh nghi nên hô hoán “bắt cóc trẻ em”.

Anh Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ khu A, thị trấn Hậu Nghĩa) liền chạy đến giải vây và hành hung anh Bảo. Do có rượu trong người, Điền không tin lời anh Bảo giải thích và cùng một số thanh niên khác xộc đến đánh anh Bảo. Trong lúc giằng co, Điền lấy dao ra đâm nhiều nhát khiến anh Bảo tử vong.

Chính sự “bộp chộp” nóng vội của người phụ nữ bán vé số và sự bốc đồng trong hơi men của anh Điền đã đoạt mạng người cha vô tội. Nếu bà bán vé số tỉnh táo hơn, anh Điền và những người đi cùng bình tĩnh lắng nghe hơn thì đã không xảy ra chuyện đau lòng trên. Tổn thương hơn là hình ảnh người cha bị đâm chết trước mặt đứa trẻ, nó là phần kí ức kinh hoàng hằn sau trong trí nhớ đến khi lớn lên.

Câu chuyện gây bàng hoàng người đọc và có lẽ không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: Lý do nào khiến điều tưởng như không thể lại có thể diễn ra trong thực tế và liệu đấy là kết quả của một việc hi hữu ngẫu nhiên hay đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động của quá nhiều yếu tố tiêu cực đến tâm lý mỗi người? Đó chính là nỗi ám ảnh của những tin đồn.

Chỉ có thể lý giải đó là hậu quả của nhưng tin đồn ác ý thất thiệt trên mạng xã hội trong suốt thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân. Cụ thể hơn, những tin đồn ấy thường “đánh” vào nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong mỗi người, khiến họ rơi vào tình trạng bất an, thậm chí tự kỷ ám thị và mất đi sự khách quan khi nhìn nhận bất cứ sự việc nào.

Tại Điều 122, Bộ luật Hình sự 2015 nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Hành vi dùng dao đâm chết người trong vụ án Long An có dấu hiệu của tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 với tình tiết định khung tăng nặng đó là “Có tính chất côn đồ”. Có thể đối diện khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và các tình tiết khác trong vụ án.

Mọi điều sai trái sẽ đều phải trả giá bằng pháp luật và lương tâm. Vì vậy, những người bỗng muốn trở thành thám tử, khao khát đi tìm sự thật nhưng dữ liệu phá án lại chỉ đến từ “Fakenews”, tin đồn thất thiệt sẽ phải trả giá. Hơn cả là sự tỉnh táo của mỗi người trước khi phán xét hay xử lý bất kỳ một tình huống, tin tức gì trong cuộc sống để không tồn tại những câu chuyện gây đau lòng.

Diệp Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/cai-gia-cua-su-bop-chop-va-dam-dong-a-dua-470876.html