Cái giá của những cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu

37 triệu người mất nhà cửa phải di cư tới những nơi khác để tìm một cuộc sống yên bình hơn. Còn ở Mỹ, người dân mất khoảng 6.400 tỷ USD cho các chi phí của những cuộc chiến được nước này khởi xướng và tham gia trong suốt 19 năm qua.

Những người con không trở về

Vào một đêm thứ 4 cuối tháng 6 cách đây tròn 10 năm, mẹ của Russell Madden, bà Peggy Madden Davitt, nghe thấy tiếng gõ cửa mà bà đã sợ hãi trong nhiều tháng. Mở cửa ra, bà thấy một người đàn ông mặc quân phục. Trong một giây, Peggy nghĩ rằng có thể có tin tốt về con trai mình, người đang chiến đấu ở Afghanistan.

Nhưng rồi nhận thấy có gì không ổn, bà vừa khóc vừa nói: "Không, không, không, không, không. . . " rồi sập cửa lại. Người đàn ông lại gõ cửa. "Không, ông nhầm nhà!" Peggy hét lên… Binh nhất Russell Madden mới 29 tuổi. Ngày 23-6-2010, Russell đã thiệt mạng tại Afghanistan khi một quả đạn xé toạc chiếc xe bọc thép chở anh cùng đồng đội.

Trong 19 năm qua, Mỹ đã thực hiện cuộc chiến chống khủng bố ở nhiều nơi và quân đội Mỹ đã tham gia chiến đấu ở ít nhất 24 quốc gia.

Trong 19 năm qua, Mỹ đã thực hiện cuộc chiến chống khủng bố ở nhiều nơi và quân đội Mỹ đã tham gia chiến đấu ở ít nhất 24 quốc gia.

Russell lớn lên ở Bellevue, Kentucky, một thị trấn có ít hơn 6.000 người. Russell thích điền kinh, chơi bóng chày và là một ngôi sao bóng đá từ thời trung học. Russell kết hôn với bạn gái Michelle Lee Reynolds và năm 2006 thì đón đứa con đầu lòng Parker Lee. Tuy nhiên, Parker sinh ra với căn bệnh xơ nang, căn bệnh nan y cần điều trị y tế suốt đời. Vợ chồng Peggy- Russell đã phải vật lộn để tìm được công việc ổn định sau khi tốt nghiệp trung học.

Russell chủ yếu làm một số công việc vặt như lợp mái nhà và sửa điện nhưng vẫn không có bảo hiểm y tế để chi trả cho việc điều trị. Gia đình và bạn bè đã quyên góp tiền để hai vợ chồng đưa Parker đến Bệnh viện Mayo nổi tiếng ở Minnesota. Khi vợ chồng Russell- Michelle đưa con đến, nhân viên bệnh viện hỏi về bảo hiểm của Parker và nhanh chóng từ chối họ. Peggy kể rằng, con trai bà quyết tâm nhập ngũ vì biết rằng như thế con mình sẽ được quân đội chăm sóc. Russell nhập ngũ và được gửi đi đào tạo nâng cao, sau đó chuyển sang Lữ đoàn 173 tinh nhuệ, đóng tại các căn cứ quân sự ở Đức và Italia. Russell được triển khai đến Afghanistan vào cuối năm 2009. 8 tháng sau, gia đình nhận thi thể của anh trong một quan tài tại sân bay địa phương.

David Vine, Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Mỹ và là tác giả chính của báo cáo mang tên "Chi phí chiến tranh" do Đại học Brown thực hiện và mới được công bố hôm 8-9 kể: "Trước khi tôi và Peggy gặp nhau vào năm 2014, bà ấy đã gửi cho tôi một bức ảnh chụp Russell trong bộ quân phục, ôm Parker trong tay trước khi được chuyển đến Afghanistan.

Russell giống như Peggy đã mô tả: cao gần 1m7, đầu cạo trọc với đôi mắt hiền và nụ cười rạng rỡ. Russell Madden là một trong số hơn 2,7 triệu người mà Chính phủ Mỹ đã gửi đến để tham gia các cuộc chiến tranh diễn ra liên tục kể từ khi quân đội Mỹ tấn công Afghanistan vào ngày 7-10-2001, tức gần 1 tháng sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11-9-2001".

GS David Vine cho biết thêm, từ khi chiếm đóng được Afghanistan, Mỹ tiếp tục mở rộng chiến tranh ở Iraq ngày 20-3-2003 với lời biện minh rằng chính quyền Tổng thống Saddam Hussein mang mối đe dọa về vũ khí hóa học và sinh học… Nhưng những vũ khí đó không tồn tại và các lực lượng quân đội Mỹ ở Afghanistan, Iraq đã sớm phải đối mặt với cuộc kháng chiến vũ trang ngày càng khốc liệt rồi biến thành nội chiến tàn khốc. Trong gần hai thập kỷ kể từ khi lực lượng Mỹ xâm lược Afghanistan và Iraq, quân đội Mỹ đã chiến đấu ở ít nhất 24 quốc gia. Con số thực tế có lẽ cao hơn. Điều này khiến học giả Nikhil Pal Singh từng phải thốt lên: "Người dân Mỹ được cho là chưa bao giờ có hòa bình".

Những con số thảm khốc

Cũng theo lời của GS David Vine, khó có thể thống kê được số lượng người chết từ những cuộc chiến này. Tại Afghanistan, Russell Madden là một trong khoảng 6.100 quân nhân và nhân viên của các nhà thầu quân sự Mỹ đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược tháng 10-2001.

Ngoài ra, số binh sĩ và nhân viên nhà thầu quân sự đã chết ở Iraq, Syria, Pakistan, Yemen và các quốc gia khác mà quân đội Mỹ đã tham gia chiến tranh trong gần hai thập kỷ tăng lên tổng cộng khoảng 15.000 người. Hàng trăm nghìn người trở về sau những cuộc chiến này với tình trạng bị cắt cụt chân hoặc tay, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, chấn thương sọ não, các tổn thương thể chất và tinh thần khác...

Bao nhiêu gia đình ly tán, tha hương, mất người thân vì các cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu.

Đối với các quốc gia Mỹ đưa quân đến tham chiến, ngoài số lượng lớn người chết trong khi chiến đấu, nhiều người dân khác đã chết vì bệnh tật, đói kém và suy dinh dưỡng do chiến tranh và sự phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe và các cơ sở hạ tầng địa phương. Chưa hết, toàn bộ khu dân cư, thành phố và xã hội đã bị tan vỡ bởi các cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu. Tổng số người bị thương lên đến hàng chục triệu người.

Tại Afghanistan, các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, 2/3 dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần, với một nửa mắc chứng lo âu và 1/5 mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Đến năm 2007 ở Iraq, 28% thanh niên bị suy dinh dưỡng, một nửa sống ở Baghdad đã chứng kiến các sự kiện đau thương lớn và gần 1/3 được chẩn đoán rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Hơn 9,4 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Afghanistan, Iraq, Pakistan, Yemen và Somalia, trở thành những người tị nạn ở nước ngoài hoặc những người di cư trong nước.

Nếu tính tổng trên toàn thế giới, ít nhất 37 triệu người đã phải rời bỏ quê hương do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc chiến. Còn nếu tính cả số người bị tác động gián tiếp bởi các cuộc chiến đó thì con số có thể nằm trong khoảng từ 48 triệu đến 59 triệu người.

Bên cạnh thiệt hại về người, chi phí tài chính của các cuộc chiến sau năm 2001 do Mỹ dẫn đầu cũng quá lớn. Tính đến nay, những người nộp thuế ở Mỹ đã phải chi tối thiểu 6,4 nghìn tỷ USD và chi phí thực tế có thể lên đến hàng trăm tỷ hoặc hàng nghìn tỷ đồng, tùy thuộc vào thời điểm những cuộc chiến dường như bất tận này thực sự kết thúc.

GS David Vine nhận định, nếu Mỹ không tham chiến, những khoản tiền lớn như vậy có thể làm được rất nhiều việc như xây dựng lại hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng đổ nát hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người thiếu bảo hiểm như Russell và Parker.

Khoảng 5.000 tỷ USD mà những người đóng thuế Mỹ đã chi cho các cuộc chiến tranh có thể trả chi phí chăm sóc sức khỏe cho 13 triệu trẻ em Mỹ hiện đang sống dưới mức nghèo khổ trong 18 năm. Các số tiền khác cũng có thể được dùng để thời tài trợ học bổng đại học công lập 4 năm cho 28 triệu sinh viên, đồng thời cung cấp 20 năm chăm sóc sức khỏe cho 1 triệu cựu chiến binh, trong khi vẫn đủ trả lương cho 4 triệu người làm công việc năng lượng sạch trong 10 năm…

"Kết cục của những cuộc chiến này thật thảm khốc, khủng khiếp đến nỗi không thể nói thành lời. Những con số chắc chắn cho chúng ta biết rất nhiều. Hãy tưởng tượng có bao nhiêu người Yemen; bao nhiêu người mẹ ở Iraq đã mất con trai; bao nhiêu đứa con trai không cha ở Somalia hay bao nhiêu góa phụ ở Afghanistan… Con số này vượt xa những thống kê về hậu quả của xung đột từ năm 1900, ngoại trừ Chiến tranh thế giới thứ 2.

Các nghiên cứu đã vạch trần sự thật rằng các cuộc chiến tranh đã thảm khốc và gây thiệt hại khủng khiếp theo những cách mà bản thân tôi cũng không thể nghĩ rằng, hầu hết người Mỹ đã phải vật lộn để vượt qua nó dù là những điều nhỏ nhất. Và mặc dù Mỹ không phải là nguyên nhân duy nhất cho cuộc di cư từ các quốc gia này, nhưng lại đóng vai trò chi phối hoặc đóng góp vào những cuộc xung đột này", GS David Vine nhấn mạnh.

Chi Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/cai-gia-cua-nhung-cuoc-chien-do-my-dan-dau-611161/