Cái gì cũng phải có hậu quả, ông bà mình nhắc mãi rồi, dạy con dạy thuở còn thơ!

Con muộn nhưng là trai. Bố nó cũng từng có con trai nên với anh ta không quan trọng trai gái. Chắc chị cũng biết, hai bề con, dù tôi không phải nuôi con của chồng thì cũng phức tạp lắm rồi...

Chị kính mến!

Tôi là phụ nữ tự làm khó mình. Hồi trẻ yêu hăng say, cuối cùng không lấy ai, xem nhau như bạn. Không hiểu sao như thế nữa. Có lẽ tôi khó tính. Đến khi biết muộn, phải có chồng nhanh nhanh để còn sinh con, thì gặp một người đã có gia đinh nhưng đã tan vỡ. Cũng phải thôi, phụ nữ ngoài ba mươi thì trai tân đâu để lấy, chả lẽ cưới một gã ranh để rồi chạy theo mà giữ hắn à?

Con muộn nhưng là trai. Bố nó cũng từng có con trai nên với anh ta không quan trọng trai gái. Chắc chị cũng biết, hai bề con, dù tôi không phải nuôi con của chồng thì cũng phức tạp lắm rồi. Mẹ của đứa con riêng chồng tôi thuộc loại nửa tu nửa trần, hay đi đền chùa, đâm nghiện công quả, từ thiện. Đứa con đang học cấp hai sinh hư.

Thế là chúng tôi tan. Bố nó cứ phải chạy theo vợ cũ để xử lý hậu quả của thằng nhỏ ở trường, ở khu phố. Tôi thành mẹ đơn thân. Khi ấy tôi ba mươi lăm tuổi, đến giờ, con trai tôi đã hai mươi lăm tuổi. Mấy chục năm qua, nhiều lúc gã này gã kia thả thính nhưng đứa con khiến tôi không còn hơi đâu nghĩ gì nữa. Bây giờ thì “còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”. Lục tuần, một đời người vèo qua.

Điều khiến tôi muốn viết cho chị là cậu ấm của tôi không trưởng thành. Nó cũng xong đại học nhưng không trụ việc ở đâu cả. Cũng không yêu ai. Suốt ngày ru rú mẹ, hát ông ổng trong phòng, cắm mặt vào game, như đứa bé lớp 9. Cậu dì của nó quay ra mắng tôi ôm con, bọc lót cho nó quá, nó không thành người. Có đúng như vậy không? Làm sao không ôm khi nó ra đời muộn, chưa đi học thì bố mẹ bỏ nhau, có anh cùng cha khác mẹ mà quanh năm không gặp nhau, tệ hơn người dưng. À, quên nói với chị, bố nó đã có người khác khi đứa con với tôi 10 tuổi. Lần này lại ổn chị ạ, họ có con gái. Nhưng bố nó với con tôi vẫn xa cách, như thể ông ấy hãi con trai.

Tôi không biết sao nữa. Các cậu dì lại khuyên cho nó đi cao học nước ngoài đi, xa mẹ, sẽ khác. Nhưng tôi sáu mươi rồi, tôi cần con bên cạnh chứ, đúng không chị?

Bạn thân mến!

Bạn không mô tả gì nhưng tôi hình dung được. Mẹ muộn, con muộn, con một nên cưng ác chiến luôn. Không dưng mà các cậu dì của nó phán xét như tôi nghĩ. Có một cô bạn tôi thân hồi tôi còn ở Hà Nội. Cũng cảnh mẹ đơn thân, con trai duy nhất, mẹ còn chịu khó nựng nịu khi con đã vào cấp 2, con lên cấp ba mà mùa đông hai mẹ con vẫn ôm nhau một giường vì rét quá. Bảo sao con không hư? Đi đâu cũng mẹ nhắc mang tất, mẹ cầm cả mũ mẹ đưa cho, tôi hay đùa, bộ nó là thương minh mất tay rồi hả?

Cái gì cũng phải có hậu quả. Ông bà mình nhắc mãi rồi, dạy con dạy thuở còn thơ. Do mình bản năng mẫu tử chứ ít lý trí mẫu tử. Vì sao con người ta ngoan và hay và thành đạt? Ấy là do họ làm mẹ một cách sáng suốt, trí tuệ, vậy thôi. Tôi nói bạn đừng buồn. Con người ta gieo trên đất thường, có thể đất cằn sỏi đá, cái cây lớn lên, hiên ngang, bộ rễ giỏi giang tự tìm đường sống. Cây của bạn gieo trong chậu, phân nước đầy đủ nhưng nó vẹo vọ và khằn như bon-sai.

Người chứ không phải bon-sai dù bon-sai có giá lắm. Con 25 tuổi, vẫn còn nắn kịp bạn ạ. Nếu bạn có tiền mà chắc có nhiều nên cậu dì nó mới khuyên để nó du học. Vâng, bạn giàu thì nên để conđi tự túc. Sang nước văn minh, xã hội yên, giáo dục tốt, nó sẽ tự lập và nên người. Nó sẽ khác hẳn cho dù, với người giỏi, bằng cao học vài năm, nó phải hội nhập, nó chịu cảnh xa mẹ dài hơn, không sao cả.

Chỉ có cách đó. Rời mẹ, con sẽ cứng cáp ngay. Bạn mới sáu mươi đã sợ gì cảnh cơm niêu nước lọ. Và phải xác định, nữa con sẽ ở riêng, mẹ ở gần, xong, không phức tạp, không rắc rối, tự do, tuyệt đối cho cả hai bên. Tin rằng khi con nó thành người ở xứ người, bạn sẽ không còn băn khoăn gì về nó cả, bạn nhé. Dũng cảm cũng là phẩm chất lớn của người mẹ, dũng cảm để con rời mình ra, với bạn, chỉ duy nhất cách đó thôi, bạn nhé.

DẠ HƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cai-gi-cung-phai-co-hau-qua-ong-ba-minh-nhac-mai-roi-day-con-day-thuo-con-tho-post232998.html