Cái gật đầu phải trả giá 20 năm tù

Đang là chỉ huy trưởng một công trình xây dựng ở Đắc Lắc thì nhận được điện thoại của 'người năm xưa', thế là Dương Xuân Trung, SN 1968, ở Ý Yên, Nam Định liền đón xe khách về Hà Nội. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đâu ngờ khiến Trung phải trả một cái giá quá đắt. Không chỉ mất tất cả cơ nghiệp mà còn vướng chân vào vòng lao lý với bản án 20 năm tù.

Cái gật đầu theo lời rủ rê của bạn gái

“Chúng tôi quen nhau từ ngày xưa, hồi còn chung xí nghiệp nên vẫn giữ liên lạc. Khi cô ấy bảo muốn tôi bổ túc thêm vài buổi dạy lái xe nên tôi đã ra gặp. Đâu ngờ…”. Trung bỏ dở câu nói nửa chừng rồi im lặng. Gần chục lần đón Tết trong trại giam, người đàn ông này không khỏi chạnh lòng nghĩ tới vợ con, những người mà anh ta đã phụ lòng nhưng vẫn đều đều hàng tháng vào gặp gỡ, động viên. Hiện người đàn ông này đang cải tạo tại trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an.

Theo tài liệu điều tra, khoảng 12g ngày 28-6-2011, tại km 155- QL 6, thuộc địa phận xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La), Bùi Thị Tẹn và Dương Xuân Trung bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt quả tang đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy trên một chiếc ô tô. Tang vật thu được là 6 bánh heroin và một số tài sản khác.

Tại CQCA, Trung và Tẹn khai có quan hệ tình cảm từ năm 2003, đến ngày 20-6-2011, Trung hẹn người tình xuống Hà Nội để anh ta dạy lái xe ô tô. Trước hôm bị bắt 1 ngày, Tẹn có nghe điện thoại của một người đàn ông giới thiệu tên là Đặng đặt mua ma túy với giá 140 triệu đồng/bánh, hẹn buổi tối sẽ gặp trực tiếp để trao đổi cụ thể. Tẹn gọi điện cho một người đàn ông tên Trá ở Lóng Luông, đặt mua 6 bánh heroin với giá 130 triệu đồng/bánh, hẹn hôm sau sẽ lên lấy.

Tối 27-6-2011, Tẹn đến điểm hẹn tại một quán cà phê ở đường Láng để gặp Đặng và được người này đưa trước cho 200 triệu đồng, nói là tiền cọc để mua ma túy. Khi về nhà nghỉ, Tẹn có nói với Trung về việc mua bán ma túy, rủ Trung cùng tham gia. Trung đồng ý nên cả hai đã gom được 200 triệu đồng, cùng với số tiền cầm của Đặng, sáng sớm hôm sau lái xe ô tô lên Mộc Châu gặp Trá.

Trên đường đi, Tẹn gọi điện cho Trá, hẹn địa điểm đón ở ngoài đường. Khi Trung lái xe đến khu vực xã Lóng Luông thì đã thấy Trá đứng ở ven đường vẫy. Trung dừng xe để Tẹn xuống, cầm theo chiếc túi bên trong có 400 triệu đồng, theo Trá đi vào nương ngô cạnh đường. Tại đây, Trá trao cho Tẹn 6 bánh heroin và nhận 400 triệu đồng. Số tiền còn Trá đồng ý cho Tẹn nợ khi nào bán xong mang lên trả. Tẹn cầm số ma túy trên về xe ô tô, cùng Trung quay xuống Hà Nội nhưng mới đi được một đoạn thì bị bắt giữ.

Với hành vi kể trên, Bùi Thị Tẹn bị TAND tỉnh Sơn La kết án chung thân, còn Trung phải trả giá bằng bản án 20 năm tù giam.

Phạm nhân Dương Xuân Trung trong trại giam. Ảnh: N.Vũ

Phạm nhân Dương Xuân Trung trong trại giam. Ảnh: N.Vũ

Gia đình là động lực để nỗ lực cải tạo

Theo lời tâm sự của người đàn ông này thì sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trung theo học tại trường công nhân cơ khí công nghiệp Việt –Xô đóng trên địa bàn thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Sau 4 năm theo học, Trung ra trường và với tấm bằng kỹ sư cơ khí, anh ta đã kinh qua rất nhiều vị trí, công việc ở nhiều cơ quan song chủ yếu vẫn là đi công trình. Thời gian theo làm một công trình ở Sơn La, Trung quen Tẹn và giữa hai người đã có một thời gian gắn bó mật thiết. Tuy nhiên, sau khi kết thúc công trình thì Trung cũng giã từ bạn gái. Tuy không còn thường xuyên gặp gỡ như trước nhưng hai người vẫn giữ liên lạc với nhau.

Hỏi Trung sao không lấy người đó, ông ta cho biết khi đó đã có gia đình rồi và dù có tình cảm thực sự với Tẹn nhưng vì cô vợ quá tốt và đảm đang nên không có lý do gì để rũ bỏ. “Tôi may mắn vì có được người vợ hiền lành và hai đứa con ngoan. Chúng đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định hết rồi. Tất cả là nhờ sự dạy bảo của vợ tôi mà chúng nên người chứ tôi không giúp được gì chúng cả”, Trung cho biết.

Theo lời người đàn ông này thì trước khi có cuộc gặp gỡ định mệnh với “người cũ”, Trung đang làm một công trình ở Đắc Lắc. Với cương vị là chỉ huy trưởng công trình, thu nhập hàng tháng của Trung cũng đáng kể nên hàng tháng anh ta đều gửi tiền về cho vợ nuôi dạy hai con. Vì muốn mua xe nên Trung ra Hà Nội và trong thời gian ở lại đây để lo thủ tục giấy tờ, Trung có bổ túc tay nghề cho hai bố con một gia đình mà sau này mới biết đó là họ hàng của Tẹn. “Dây cà ra dây muống”, từ sự dẫn dắt này mà Tẹn đã nhờ Trung hướng dẫn thêm cho mình vì chị ta cũng vừa học lái xe xong.

Nhắc lại chuyện này, Trung bảo cũng vì cả nể vả lại cũng vì muốn lấy lại số tiền 100 triệu đồng đã cho Tẹn mượn trước đó vài hôm nên khi nghe Tẹn rủ lên Mộc Châu lấy ma túy về cho khách, Trung đã đồng ý. Trong đầu người đàn ông này lúc đó đã nhẩm tính đến chuyện đòi nợ về mà đâu ngờ chuyến đi ấy đã đưa anh ta cách ly khỏi xã hội tới 20 năm. Trung bảo, khi nghe tòa tuyên án 20 năm tù, anh ta bị sốc thực sự, mấy tháng liền rơi vào trạng thái trầm cảm. “Hôm đó khi nghe tòa tuyên án, đầu óc tôi choáng váng. Tôi không tin vào tai mình nhưng khi đưa mắt nhìn xuống thấy vợ con khóc thì mới tin đó là sự thật”, Dương Xuân Trung nhớ lại.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo ở đội may mặc, công việc của Trung là sửa chữa máy may công nghiệp. Trung bảo không nề hà bất cứ việc gì vì xác định vào đây là cải tạo lao động. Do chăm chỉ cải tạo nên Trung đã 3 lần được xét giảm án. Ông ta nhẩm tính nếu cố gắng cải tạo tốt, năm nào cũng được giảm án thì chỉ 3 cái Tết nữa là được trở về đoàn tụ với gia đình.

“Tháng nào vợ con tôi cũng lên thăm. Đợt này vì dịch Covid-19 phải cách ly nên gia đình tôi mới không được gặp nhau nhưng vợ con tôi cũng không bỏ rơi tôi. Không lên thăm gặp được thì mọi người lại gửi quà vào, rồi hàng tháng tôi cũng được gọi điện thoại về cho gia đình. Chỉ vài phút nói chuyện thôi nhưng cũng đủ để tôi vui và yên tâm cải tạo”, Trung kể.

Người đàn ông khoác áo phạm nhân này bảo, từ ngày vào trại giam mới thực sự thấy thương vợ đã vất vả vì mình mà chèo chống nuôi dạy con cái nên người. Theo lời Trung, vợ ông ta chỉ làm tạp vụ cho một trường học, thu nhập khiêm tốn nhưng vẫn cố gắng xoay xở để con cái đủ ăn, đủ mặc và học hành tới nơi tới chốn. Trung bảo mỗi khi cảm thấy mệt mỏi hay chán chường, ông ta lại nghĩ về gia đình và cứ hình dung tới cảnh con gái đang đứng trên bục dạy học là bao mệt mỏi tiêu tan hết. Trung bảo, chính sự trưởng thành của các con là động lực để ông ta làm việc tốt hơn với khát khao ngày đoàn tụ tới gần.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-gat-dau-phai-tra-gia-20-nam-tu-203690.html