Cái đẹp nằm ở sự phù hợp

Cái đẹp luôn nằm ở sự phù hợp. Lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân, với hoàn cảnh vào từng thời điểm là một nghệ thuật cần được học để có được sự gia giảm khéo léo, tinh tế...

Duy trì nòi giống là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của muôn loài đang tồn tại trên trái đất này. Con người cũng không ngoại lệ. Quan sát thế giới loài vật sẽ nhận thấy nhiều điểm khá thú vị. Chúng dùng mùi hương, hành động (như múa, nhảy nhót), âm thanh và ngoại hình để thu hút đối tác tham gia vào hành trình truyền giống.

Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi lần đầu phát hiện ra, lũ công đực mới là những con công có bộ lông và phần đuôi xòe quạt tuyệt sắc, và mục đích lớn nhất chỉ nhằm thu hút lũ công cái xám xịt, hay bọn sư tử có cái bờm thật dày và đẹp là sư tử đực, con sư tử nào có bờm to, dày sẽ có cơ hội lựa chọn bạn tình cao hơn hẳn.

Con người quả thực là giống loài phức tạp bậc nhất khi sử dụng tất cả yếu tố trên để tăng cường sự hấp dẫn của bản thân. Chẳng thế mà ngành công nghiệp mỹ phẩm, nước hoa, trang phục trở thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ miệt mài không ngừng nghỉ.

Xinh đẹp, tài năng, Marilyn Monroe là một trong những ngôi sao nóng bỏng nhưng cũng bí ẩn bậc nhất thế giới.

Xinh đẹp, tài năng, Marilyn Monroe là một trong những ngôi sao nóng bỏng nhưng cũng bí ẩn bậc nhất thế giới.

Trong thế giới loài người, không phải ngẫu nhiên mà nữ giới được mệnh danh là phái đẹp, theo luật tự nhiên, phe nào đẹp là phe chau chuốt, có thiên tính thu hút, phe còn lại có nhiệm vụ đi chinh phục. Dù thời đại ngày nay, người ta kêu gọi bình đẳng đủ đường, phái mạnh cũng quan tâm không ít đến việc cải thiện ngoại hình, nhưng không vì thế mà hoán đổi vị trí được.

Trong vai trò làm nên sức hấp dẫn lớn lao, trang phục của nữ giới, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào cũng cầu kỳ, dụng công hơn hẳn trang phục của nam giới. Trong những năm tháng miệt mài đi du lịch của mình, tôi có một thói quen bất di bất dịch, đó là mua và mặc trang phục truyền thống của đất nước mình đặt chân tới. Từ Hanbok, Kimono, sườn xám, trang phục Hí kịch, Sari, đầm Flamenco đến trang phục truyền thống của phụ nữ Tây Tạng... tất cả dù kín đáo nhưng đều tinh tế phô bày vẻ đẹp của người phụ nữ, đấy có thể là chiếc nơ nhấn trước ngực của Hanbok, thắt lưng Obi nhấn vòng eo của Kimono, những họa tiết thêu nhiều màu sắc trong trang phục Hí kịch, phần lộ eo rất tinh của Sari, phần chân váy ôm sát với những chi tiết xếp nếp của đầm Flamenco, cái tạp dề thắt eo của phụ nữ Tây Tạng. Đấy là nét duyên vừa đủ gây nhung nhớ, gợi nên những mộng tưởng lãng mạn và thăng hoa, tựa như dải yếm đào lấp ló, như nét ôm mềm mại của tà áo dài kín đáo mà khuôn phép của ta. Trong sự ràng buộc của lễ giáo và đạo đức, nét duyên tính nữ được phô bày vừa đủ trong trang phục để gây thương nhớ.

Từ năm 1960, cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây bùng nổ, người ta đề cao tình yêu tự do, gắn liền với vẻ đẹp của tình dục. Sự dồn nén của hàng nghìn năm nổ bung trong một vài thập kỷ ngắn ngủi, kéo theo sự thay đổi về quan điểm, lối sống, và cả cách ăn mặc.

Từ thập niên 60, váy mini- loại váy ngắn trên gối, để lộ đùi xuất hiện, như một tuyên ngôn đầy tự hào về vẻ đẹp cơ thể nữ giới và bộc lộ nhu cầu phô bày vẻ đẹp tính nữ. Từ đó tới nay, người ta chứng kiến cuộc cách mạng không ngừng nghỉ của trang phục nữ giới, con người càng ngày càng như muốn vượt thoát khỏi mọi giới hạn, hở trên, hở dưới, hở ở giữa, mặc như không mặc, mặc gây hoang mang không hiểu có thực là đang mặc hay không.

Người Việt ta vốn giỏi tiếp thu cái mới, chỉ trong hơn chục năm ngắn ngủi, từ cái thời mặc áo hai dây ra phố là một điều gì đó kinh khủng ghê gớm đến nay, phái mạnh đã hầu như không nhớ nổi tên các loại trang phục, hay các kiểu mặc của chị em ngày nay: Off the shoulder (hở toàn bộ vai), legging (thứ quần bó gây bối rối không hiểu là tất hay quần), croptop (áo ngắn hở bụng), mốt giấu quần (mặc áo dài che quần sooc ngắn gây ảo giác như chỉ mặc áo dài mà không mặc quần), mốt quần sooc lộ đến một nửa vòng 3...

Nhiều chân dài mặc hở hang ở "Tuyệt tình cốc" làm "dậy sóng" cộng đồng.

Người ta có thể bắt gặp ở bất cứ rạp chiếu phim, quán cafe, hay trên mọi ngả đường, những phục trang gây đỏ mặt của phái nữ. Tưởng như chỉ cúi xuống, nhấc tay, cái áo mong manh có thể tụt khỏi vai, hay cái váy quá ngắn chẳng còn khả năng che chắn cho cơ thể. Chị em thì chạy theo mốt. Trào lưu, sự quảng bá của các nhãn hiệu thời trang... khiến người ta cảm thấy hở là bình thường, dường như quên mất trang phục đóng vai trò như thế nào đối với con người nói chung và nữ giới nói riêng.

Đành rằng trang phục để làm đẹp. Làm đẹp khiến phụ nữ tự tin hơn, yêu đời hơn, cảm thấy một phần giá trị của bản thân thông qua cảm giác mình hấp dẫn hơn. Nhưng điều gay go là, trên đời có nhiều kiểu đẹp. Chỉ riêng về trang phục, có cái đẹp thanh lịch tinh tế duyên dáng gây thăng hoa về mặt tinh thần, gây nên những xúc cảm đẹp đẽ, như vẻ đẹp trang phục của cô đào Audrey Hepburn, có cái đẹp mang duyên ngầm khiến người ta lưu luyến mãi vì rung động như những trang phục thường ngày kín đáo nhưng phù hợp với tính cách, vóc người, như những trang phục truyền thống đẹp xuyên thời gian không gian, có kiểu cái đẹp pha trộn giữa một chút thanh lịch, một chút duyên, một chút gợi cảm đủ gây tò mò xao xuyến khi người phụ nữ khéo léo kết hợp vừa đủ độ hở và kín trong trang phục. Chỉ có cái đẹp của sự phô bày quá trớn vẻ đẹp của thân thể là dễ gây nên bi kịch.

Bi kịch đầu tiên là những sự cố lộ vùng nhạy cảm thân thể ngoài ý muốn. Trang phục hở mặc thì đem lại cảm giác đẹp vì hấp dẫn đấy, nhưng có mặc mới biết bất tiện dường nào, phải ngó trước ngó sau, thi thoảng lại phải chỉnh chỉnh sửa sửa, đẹp thực sự chưa thấy đâu, chỉ thấy kém duyên.

Bi kịch thứ hai là gây nên những sự thu hút không tích cực. Ai cũng hiểu luôn tồn tại sự hấp dẫn về giới tính. Quần áo hở hang góp phần kích thích mạnh thị giác, khơi gợi tính dục và ham muốn chinh phục do hấp dẫn tình dục ở phái nam. Ăn mặc hở hang có khả năng thu hút ánh mắt, thái độ, sự trêu ghẹo khiếm nhã, thậm chí hành động suy đồi của những kẻ khó lòng kìm chế được trước sự mời gọi phô bày của xác thịt.

Bi kịch thứ ba là bi kịch trong hành trình kiếm tìm và gìn giữ tình yêu. Phụ nữ ăn mặc đẹp, suy cho cùng ngoài việc thể hiện tình yêu với bản thân, còn để bản thân hấp dẫn hơn. Mặc hở, hở càng bạo sự chú ý của phái mạnh càng cao. Nhưng bắt đầu bằng điều gì, nền tảng mối quan hệ được khởi động bằng điều đó. Sự thu hút về thân xác, khơi lên khát khao tình dục, nhưng không đảm bảo đi kèm sự trân trọng khi mọi thứ kín đáo được phô bày lồ lộ trước mắt.

Và trong tình yêu, quả thực sự hấp dẫn ban đầu về thể xác sẽ trôi qua nhanh, trung bình là ba tháng, lâu hơn là ba năm. Khi sự khiêu khích từ mặc hở kích thích dục tình không còn, người ta mới đối mặt với con người của nhau, điều lẽ ra phải được biết đến đầu tiên và là yếu tố cần được rung động lại bị sự hấp dẫn của trang phục hở, của đường cong che mất. Chắc hẳn ai cũng biết tới bức ảnh nổi tiếng Chiếc váy dài bay của cô đào Marilyn Monroe. Gió thổi tung chiếc đầm của Marilyn lên một cách gợi cảm, khoe trọn gần hết phần đùi, còn cô nàng hai tay giữ chặt váy, vẻ mặt vừa ngượng ngùng vừa thích thú. Hình ảnh ấy đã trở thành một trong những hình ảnh bất tử của Marilyn, nhưng ít ai biết, vì cảnh tượng đó mà cầu thủ bóng chày Joe DiMaggio- chồng Marilyn thời điểm đó, quyết định ly thân, và sang năm sau đó là ly hôn.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Cái đẹp luôn nằm ở sự phù hợp. Lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân, với hoàn cảnh vào từng thời điểm là một nghệ thuật cần được học để có được sự gia giảm khéo léo, tinh tế. Chẳng phải bỗng dưng người ta tính toán riêng từng loại trang phục phù hợp với các loại vóc dáng đặc trưng của chị em, phân loại ra trang phục công sở, trang phục ở nhà, trang phục dạo phố, trang phục dành riêng cho buổi tối. Cẩn thận hơn nữa, người ta còn tính toán hẳn độ dài của váy, độ sâu của cổ áo, và đặt tên cho từng cấp độ, mặc cho sự phản đối của chị em đòi hỏi bình đẳng, cho rằng họ mặc hở đến đâu là quyền của họ. Và sự hở hang, suy cho cùng, có lẽ chỉ cần đối với những ngành nghề đòi hỏi sự hấp dẫn của thị giác, sự thu hút chú ý của đám đông.

Đến minh tinh, người mẫu nổi tiếng thế giới, trang phục thảm đỏ và trang phục thường ngày của họ cũng hoàn toàn khác nhau. Vậy sao ta phải tự biến trang phục thường ngày của ta thành những cuộc trình diễn không phù hợp, gây nên những tai hại khó lường cho chính mình? Lời các cụ nói đúng thật muôn đời không sai, trên đời này, ngay cả chuyện trang phục, hở hay không hở, hở đến đâu, cũng là chuyện muốn giỏi phải học.

An Hạ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/cai-dep-nam-o-su-phu-hop-608654/