Cái chum ngày cũ...

Được sinh ra và lớn lên ở cánh đồng làng là niềm tự hào của tôi với biết bao kỷ niệm chẳng thể phai mờ. Chôn nhau cắt rốn trong xóm nhỏ bình yên bên dòng sông Tiên hiền hòa của một huyện trung du xứ Quảng đã kiến tạo trong tôi những nét đẹp của miền quê "có con cò trắng đậu cành thương". Đặc biệt nhất là hình ảnh cái chum (*) đựng lúa vàng ươm sau mỗi vụ mùa thân thuộc hơn bao giờ hết: "Ước gì em biến ra chum/ Anh biến ra nóc, anh trùm ở trên (Ca dao).

Chum nhà tôi được đúc bằng xi- măng vừa to vừa rộng, cao gần hai mét, bên trong có thể chứa cả "gia tài" nuôi sống gia đình qua bao mùa giáp hạt. Cái chum gắn bó thân thiết bởi mẹ tôi hay xúc lúa ra để đi xay thành gạo, khi có gạo thành phẩm mang về lại để trên miệng chum, giúp tiện tay đong gạo nấu cơm. Chum lúa có nắp đậy rất chắc chắn nên bố mẹ tôi rất yên tâm khi cho lúa gạo, sản phẩm quý giá của nhà nông vào đó, thay vì bỏ trong bao bì dễ bị chuột, côn trùng cắn phá. Cái chum tôi hay núp phía sau để chơi trò trốn tìm thuở nhỏ, như một người bạn vững chãi to lớn che chở tôi thoát khỏi sự truy lùng của những đứa bạn đang ra sức đi tìm. Nhiều khi buồn tay buồn chân lại áp đôi má vào chum cảm nhận hơi mát lành lạnh từ làn xi-măng láng bóng, sờ soạng khắp thân hình phình to của chum, nâng niu cảm nhận linh hồn của hạt lúa, bát gạo nuôi bao đứa trẻ lớn lên cùng đất nước, góp sức xây dựng quê hương.

Tối tối, tôi thường sà vào lòng mẹ, gối đầu trên đùi nghe mẹ kể chuyện, và câu chuyện "chum vàng chum rắn" răn dạy đứa con đừng vì lòng tham mà lọc lừa, phản trắc để phải nhận hậu quả do trời trừng phạt, khuyên nhủ mỗi người chúng ta sống thiện lương sẽ được đền đáp, có điều kiện giúp đỡ những người gian khó xung quanh mình. Cũng từ cái chum đó, hai mùa mưa nắng luôn theo gia đình tôi qua bao cơn giông bão, mưa tạt gió lùa. Cũng từ cái chum đó, tình nghĩa hàng xóm láng giềng thủy chung luôn được gìn giữ và bền chặt qua bao đổi thay của thời gian. Tôi không nhớ rõ khoảng thời gian cái chum có mặt tại nhà tôi tự bao giờ, chỉ nhớ hồi tôi còn chạy lon xon cùng với khoảng trời tuổi thơ bên chân ruộng, con suối đã thấy một người đàn ông dựng căn lều nhỏ để đúc chum, đúc vại, làm ảng đựng nước cho cả dân làng. Dáng ông còm cõi khắc khổ, làn da đen sì, mái tóc bạc màu sương gió, tất bật đào đất, trộn hồ, đắp từng ụ đất theo hình hài của cái chum, cái vại... Sau đó ông tạo tác và cần mẫn làm nên hàng chục chum, vại, ảng nước rồi phơi khô dưới nắng mùa hè. Ông ở lại làng vài tuần và làm hết cho toàn bộ bà con, hầu như nhà nào cũng đặt ông làm, những vật dụng không thể thiếu của đời sống thôn quê. Từ đó đến nay, ông không bao giờ trở lại làng nữa, chẳng biết ông còn sống hay đã mất, còn giữ nghề hay không?

Bây chừ ánh đèn phố thị với tiện nghi hiện đại dần phủ kín những điều xưa cũ gắn bó mật thiết một thời. Tình cờ, đọc một bài viết có nhắc đến chi tiết chum vại cũng xuất hiện nhiều nơi ở Campuchia và Lào, mới biết cái chum không chỉ xuất hiện ở quê mình mà còn hiện diện ở những nước có nền văn minh lúa nước phát triển, cảm thấy ấm lòng xiết bao. Một ngày về lại ngôi nhà quen thuộc vương vất hương đất mùi bùn thơm rơm, cái chum mùa cũ vẫn đựng đầy lúa, bạc màu thời gian. Chén cơm thơm nghi ngút quyện khói chiều do chính bàn tay mẹ nấu, ngày ngày chờ đợi đứa con quay về...

PHAN NAM

(*) "Cái chum" có nơi còn được gọi "cái lu".

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_197449_cai-chum-ngay-cu.aspx