Cái chết của ống hút nhựa

Là vật dụng tồn tại hàng ngày trong cuộc sống của con người nhưng ống hút nhựa đang bắt đầu cái chết của mình. Đó là một xu hướng phát triển vì thiên nhiên và chính con người.

Năm 2015, ống hút nhựa bị mắc kẹt trong mũi của một chú rùa biển Olive Ridley. Những người giải cứu đã cố gắng hết sức để giúp đỡ nhưng con vật vẫn phải chịu nhiều đau đớn.

Hình ảnh xót xa ấy được ghi lại và lan truyền nhanh chóng trên mạng, trở thành hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng ô nhiễm và sự nguy hiểm mà ống hút nhựa đem lại cho các loài sinh vật nói riêng và hệ sinh thái tự nhiên nói chung.

Ống hút nhựa được sử dụng phổ biến ở nhiều nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên những doanh nghiệp đang cố gắng loại bỏ sản phẩm này.

Ống hút nhựa được sử dụng phổ biến ở nhiều nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên những doanh nghiệp đang cố gắng loại bỏ sản phẩm này.

Quá khứ và hiện tại thống trị của ống hút nhựa

Ở Mỹ, hàng triệu ống hút nhựa bị vứt đi mỗi ngày. Ước tính ít nhất 4,4 tỷ ống hút nhựa cũng bị vứt đi mỗi năm ở Anh. Khách sạn, nhà hàng là những “đại lý tiêu thụ” ống hút nhựa khổng lồ. Khu resort Hilton Waikoloa Village trên đảo Hawaii, Mỹ sử dụng hơn 800.000 ống hút trong năm 2017.

Cũng trong thời gian này, chuỗi khách sạn Anantara và AVANI ở châu Á ước tính tiêu thụ 2,49 triệu ống hút, trong khi khách sạn AccorHotels ở Mỹ và Canada sử dụng đến 4,2 triệu cái.

Ở Việt Nam, ống hút nhựa cũng là vật dụng được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, trà sữa. Chưa có thống kê chính thức từ tổ chức nào về số lượng sử dụng ống hút nhựa ở Việt Nam, tuy nhiên từ thực tế hàng ngày, có thể khẳng định rằng con số ấy sẽ khiến người dân Việt Nam phải giật mình.

Riêng đối với các sản phẩm về nhựa, năm 2017, Việt Nam nằm trong top 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, theo thống kê của Hiệp hội bảo tồn đại dương (Ocean Conservancy).

Ống hút nhựa được sử dụng nhiều ở các quán trà sữa, cà phê tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Ống hút nhựa được sử dụng hàng ngày trong đời sống con người, đặc biệt được tiêu thụ nhiều nhất bởi ngành du lịch và ẩm thực. Các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê đều ưa chuộng loại sản phẩm này vì giá thành rẻ cùng sự tiện dụng nó đem lại.

Tuy nhiên, ống hút nhựa không phân hủy và cũng không thể xử lý. Thay vào đó, ống hút bị xả thẳng ra biển và từ từ vỡ ra thành những mẩu nhỏ hơn được gọi là microplastic - vật chất có thể tồn tại hàng trăm năm, và lẫn vào thức ăn của các loài sinh vật biển.

Thứ hai, dù là sản phẩm từ nhựa, ống hút không thể tái chế. Dune Ives, giám đốc điều hành Tổ chức bảo tồn biển phi lợi nhuận Lonely Whale - với tầm nhìn phát triển những ý tưởng phục vụ đại dương - cho biết: “Ống hút nhựa quá nhẹ để có thể đi qua máy phân loại rác. Vì thế chúng thường bị vứt đi, và số lượng lớn trôi ra đại dương”.

Rác thải nhựa, trong đó có ống hút nhựa, đang đe dọa cuộc sống của các loài sinh vật.

Ống hút nhựa chỉ là một phần của rác thải con người đổ ra biển. Trong hơn 10 năm qua, con người đã sản xuất và sử dụng nhiều sản phẩm từ nhựa nhiều hơn cả một thế kỷ trước đó. 50% sản phẩm nhựa con người dùng đều không được tái sử dụng và là sản phẩm sử dụng một lần.

Tessa Hempson, quản lý dự án bảo tồn hệ sinh thái biển - Oceans Without Borders - hệ thống Safari cao cấp & Beyond cho hay: “Một triệu loài chim biển và 100.000 loài động vật biển có vú chết mỗi năm do rác thải nhựa trên biển. 44% loài chim biển và 22% lượng cá heo, cá voi, tất cả loài rùa biển và danh sách ngày càng tăng những loài cá được ghi nhận có nhựa trong cơ thể và môi trường sống.

Cho đến hôm nay, việc sử dụng ống hút nhựa vẫn phổ biến trong nhiều cửa hàng, con phố. Nhưng cái chết của nó đã bắt đầu.

Cái chết của ống hút nhựa trên thế giới

Ống hút nhựa đã bị cấm sử dụng tại nhiều thành phố ở Mỹ, bao gồm thành phố Seatle, Washington, Miami Beach và Fort Myers Beach ở bang Florida, Malibu, Davis, San Luis Obispo ở bang California. Nhiều nơi cũng hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao gồm ống hút như Belize, Đài Loan hay Anh.

Trong đó, Anh đang là một nước tiên phong trong chiến dịch hạn chế sử dụng ống hút nhựa. Đầu tháng 4 năm nay, theo tờ Guardian của Anh, các loại tăm bông ngoáy tai, ống hút nhựa và nhiều đồ nhựa dùng một lần khác có thể bị cấm tại Anh từ 2019. Thủ tướng Anh Theresa May cũng kêu gọi các nước trong khối Thịnh vượng chung hưởng ứng lệnh cấm này.

Ống hút nhựa đã thực sự chết ở nhiều nơi. Thay vào đó, các khách sạn, nhà hàng sử dụng những sản phẩm khác để thay thế. Một trong những chất liệu cho ống hút được lựa chọn nhiều nhất là giấy. Nhiều thương hiệu nhà hàng, khách sạn ở Mỹ đã lựa chọn ống hút giấy đạt tiêu chuẩn FDA, có thể phân hủy trong 30-60 ngày. Một lựa chọn khác nữa là ống hút được làm từ PLA (polylactic acid) - ống hút sinh học tự phân hủy được làm từ bột ngô.

Ống mỳ pasta được sử dụng thay thế ống hút nhựa ở nhiều khách sạn, khu resort.

Một phương án sáng tạo khác được quán cà phê Paradise Cove Beach ở thành phố Malibu sử dụng và khu resort Terranea ở California, Mỹ thử nghiệm là ống hút bằng mì pasta chưa nấu chín. Khu resort và spa Taj Exotica tại quần đảo Andamans, Ấn Độ lại sử dụng tre làm ống hút và thìa.

Ống hút nguyên thủy đầu tiên được làm từ rơm. Và đó là ý tưởng bảo vệ môi trường được nhiều khách sạn áp dụng. Ví như khách sạn Mandrake ở thủ đô London, Anh sử dụng ống hút từ thân cây lúa mạch đen.

Ống hút được làm từ thân và rễ cây lúa mạch đen.

Với nhiều cá nhân thường xuyên sử dụng ống hút vì lý do sức khỏe, ống hút bằng kim loại hay bằng thủy tinh sẽ là lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân và thiên nhiên.

Ở Việt Nam, phong trào không sử dụng ống hút nhựa đang nhen nhóm cái chết không xa của loại vật dụng này. Tiêu biểu phải kể đến trào lưu #NoStrawChallenge được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Các doanh nghiệp, quán cà phê nhỏ với tầm nhìn phát triển bền vững cũng nhanh chóng thay thế sản phẩm ống hút nhựa bằng ống hút làm từ tre.

Ống hút làm từ tre được nhiều quán cà phê, doanh nghiệp ưa chuộng sử dụng. Ảnh: @lepetit.home.

Trưởng bộ phận marketing của một cửa hàng bán đồ trang trí trong nhà tại TP.HCM cho hay: “Chúng mình vừa bắt đầu bán loại ống hút bằng tre. Có thể nói doanh thu không nhiều do mục đích của sản phẩm này không phải vì thương mại mà để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới với chủ đề Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa”.

Tree Hugger - quán cà phê được xây dựng với nội dung trở thành người bảo vệ môi trường và phát triển theo hướng bền vững, tại TP Đồng Hới, Quảng Bình - cũng chia sẻ du khách và thực khách đến đây rất thích thú với ống hút tre quán sử dụng. Dù với giá thành cao hơn hàng chục lần (9.000 đồng cho một ống hút tre so với 10.000 đồng cho vài chục chiếc ống hút nhựa) nhưng có thể sử dụng lại, nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn ống hút tre.

Sự thay đổi đang bắt đầu từ ý thức của người tiêu dùng và cả ý thức của những doanh nghiệp. Chính từ hai phía ấy, cái chết của ống hút nhựa đã đến gần hơn.

Ống hút bị kẹt vào mũi một chú rùa biển Olive Ridley Năm 2015, ống hút nhựa bị mắc kẹt trong mũi của một chú rùa biển Olive Ridley, những người giải cứu đã cố gắng hết sức để giúp đỡ nhưng con vật vẫn phải chịu nhiều đau đớn.

Khánh Trinh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cai-chet-cua-ong-hut-nhua-post853984.html