Cái chết của những đám cưới xa xỉ ở châu Á

Từ những đám cưới khổng lồ hàng nghìn khách đến hôn lễ siêu nhỏ 10 người tham dự, đại dịch Covid-19 đang khiến các cô dâu, chú rể thay đổi quan niệm về ngày trọng đại.

Farah Hani và Khairul Anuar đã sẵn sàng làm đám cưới vào năm 2020. Họ chuẩn bị cho ngày trọng đại với hơn 1.000 khách mời trước đó một năm. Thế nhưng Covid-19 đã nhanh chóng phá hủy kế hoạch.

Khi Singapore thực hiện các biện pháp an toàn nghiêm ngặt, đôi trẻ đứng trước một lựa chọn khó khăn: tiến hành một hôn lễ nhỏ gọn hoặc hoãn cưới vô thời hạn, theo SCMP.

"Nhà cung cấp địa điểm tổ chức tiệc cưới đề nghị chúng tôi hoãn cưới đến tháng 2/2021, với lời hứa lúc đó 1.000 khách sẽ được phép tham dự", Farah (25 tuổi, một chuyên gia giảng dạy) cho biết.

 Ferdinand Mar và Grace Yap tiến hành đám cưới vào tháng 11/2020 trong khi tuân thủ các biện pháp an toàn mùa dịch. Ảnh: Handout.

Ferdinand Mar và Grace Yap tiến hành đám cưới vào tháng 11/2020 trong khi tuân thủ các biện pháp an toàn mùa dịch. Ảnh: Handout.

Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh ngày càng khó lường, không có gì đảm bảo cho lời hứa đó. Cuối cùng, Farah kết hôn với Khairul (25 tuổi, nhà phân tích thương mại) vào tháng 7/2020 trước sự chứng kiến của 20 khách mời.

"Tuy có thể sau đại dịch sẽ là thời điểm thuận lợi để tổ chức đám cưới, nhưng mức độ bấp bênh đã ngăn cản chúng tôi trì hoãn", cô nói thêm.

Sau một thời gian ngắn tạm dừng, các đám cưới đã được tổ chức trở lại khi các cặp vợ chồng trẻ nhận ra rằng đại dịch có lẽ sẽ đeo bám một thời gian dài.

Thay vì trông mong những hôn lễ hoành tráng, xa xỉ, họ thu nhỏ sự kiện để đảm bảo an toàn và tránh làm gián đoạn các kế hoạch dài hạn của mình.

Áp lực kinh tế

Sự bùng phát của đại dịch khiến nhiều người phải đắn đo suy nghĩ về việc kết hôn. Tại Singapore, 10.542 đôi đã kết hôn từ tháng 1 đến tháng 7/2020 - giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn tại Hong Kong (Trung Quốc), số lượng các cuộc hôn nhân đã giảm 36,7% vào năm 2020, từ 44.522 xuống 28.161.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, một cuộc khảo sát hàng năm của dịch vụ giới thiệu bạn đời O-net cho thấy 73,8% những người 20 tuổi hy vọng kết hôn. Mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Cô dâu chú rể mang găng tay cao su trao nhẫn cưới để ngăn chặn sự lây lan của virus ở Indonesia. Ảnh: AP.

Ko Pei-Chun, giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: “Căng thẳng kinh tế do đại dịch gây ra có thể khiến những người trẻ trì hoãn việc lập gia đình”.

Khi Singapore dần dần mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, chính phủ đã thực hiện các biện pháp mới để hạn chế tụ tập quy mô lớn. Nhiều đôi trẻ đặt tiệc cưới tại một số khách sạn đã phải tìm kiếm địa điểm mới. Hơn một nửa trong số 67.000 phòng khách sạn ở Singapore được sử dụng làm cơ sở cách ly vào tháng 7/2020.

Ferdinand Mar và Grace Yap đã phải thay đổi khách sạn khi nhiều điểm tổ chức tăng giá đột biến trong mùa dịch. Tháng 11/2020, hai người tổ chức tiệc báo hỷ nhỏ gọn với vài khách mời đeo khẩu trang, khác xa với dự tính ban đầu.

"Rất may, chúng tôi vẫn tìm được một địa điểm thay thế phù hợp với túi tiền của mình và nhận được khoản hoàn trả đầy đủ từ nhà cung cấp dịch vụ trước đây", Mar (27 tuổi, một giáo viên) cho biết.

Một cặp vợ chồng chụp ảnh cưới bên ngoài Cơ quan đăng ký kết hôn ở Hong Kong. Ảnh: Winson Wong.

Những người khác, như Parveen Kaur (32 tuổi), không thể mời người thân từ nước ngoài do lệnh cấm đi lại. Đám cưới của cô sẽ được tổ chức vào tháng 5 năm nay ở Singapore mà không có sự hiện diện của khoảng 30 người thân sống tại Malaysia.

"Chắc chắn sẽ rất buồn khi không có họ ở bên trong một ngày đặc biệt như vậy, nhưng nếu điều này giúp mọi người được an toàn, tôi nghĩ đó là một sự hy sinh nhỏ", Kaur nói.

Đám cưới vi mô

Đối với Belicia Teo, ban đầu cô dự định tổ chức hôn lễ lớn vào đầu tháng 5. Nhưng khi đại dịch diễn biến phức tạp, cô và chồng quyết định tổ chức luôn với quy mô hôn lễ được thu gọn tối đa, chỉ còn 10 thành viên trong gia đình.

Trong khi đó, các khách mời khác đã gửi lời chúc phúc cho cặp vợ chồng qua phòng họp trực tuyến trên Zoom. Những thứ như bài phát biểu và hình ảnh đám cưới cũng được đôi trẻ chia sẻ lên mạng.

"Vì những hạn chế đi lại trên toàn cầu, đám cưới ảo là cách để kết nối các cặp vợ chồng và lễ cưới của họ với những người thân yêu", nhà tổ chức đám cưới Sophia Lim nói.

Một cặp vợ chồng mới cưới và những vị khách đeo khẩu trang trong lễ cưới ở Hong Kong. Ảnh: Xiaomei Chen.

Trong khi đó, nhà xã hội học Tan Ern Ser cho biết: "Bất kể đại dịch và những gián đoạn đi kèm với nó, mọi người vẫn cố gắng sống một cuộc sống bình thường, đồng thời thực hiện những điều chỉnh cần thiết".

Mọi người có cơ hội tổ chức một "đám cưới siêu cá nhân" hợp túi tiền hơn thay vì chạy theo những "đám cưới khổng lồ".

Theo Julius Baer Global Wealth and Lifestyle Report 2020, Hong Kong là khu vực có những đám cưới đắt đỏ nhất châu Á, theo sau là Tokyo, Thượng Hải và Singapore. Trong khi đó, Mumbai (Ấn Độ), nơi nổi tiếng với các "đám cưới khổng lồ", xếp thứ 28 trong danh sách này.

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến các đám cưới xa hoa, đắt đỏ dần biến mất. Nhà xã hội học Tan nói rằng đám cưới với chi phí thấp và hình thức đơn giản hơn đang dần thay thế các bữa tiệc quy mô lớn.

Còn theo Vandana Mohan - nhà sáng lập The Wedding Design Company và người đã tổ chức tiệc cưới “đắt nhất thế giới” của ái nữ tỷ phú giàu thứ 2 châu Á Mukesh Ambani - các "đám cưới vi mô" với phong cách "siêu cá nhân hóa" có thể trở thành xu hướng trong đại dịch Covid-19.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-nhung-dam-cuoi-xa-xi-o-chau-a-post1181792.html