Cái chết của người nói thật

'Tàn hại người nói thật là tàn hại chính mình, sao người đời không nhớ lấy…'

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.

Nguyễn Hữu Chỉnh quê ở làng Đông Hải, một vùng đất phát tích nhiều chuyện lạ. Cha Chỉnh nhờ buôn bán mà trở nên giàu có. Thủa nhỏ, Chỉnh sáng dạ, học đâu nhớ đấy. Năm 16 tuổi, Chỉnh đã đậu hương cống.

Gia quyến Chỉnh vẫn nương nhờ dưới cửa quận Việp. Một hôm, Chỉnh theo cha lên núi Côn Bằng, nơi có ngôi mả tổ. Cha Chỉnh muốn chọn một nơi có thế đất đẹp làm Sinh phần. Có cả thầy địa lý cùng đi. Ngắm nhìn thế đất, thầy địa lý nói rằng: Ngàn vạn con rồng, con hổ… xưng bá, xưng vương đều được như ý. Chỉnh khoái lắm, tự đặt tước hiệu cho mình là Bằng lĩnh hầu.

Những ngày ở Tràng An, Chỉnh tụ họp rất nhiều bạn bè, xướng họa và được coi là bậc phong lưu công tử.

Khi quận Việp vào đánh phương Nam, Chỉnh được đi theo giúp việc bút nghiên.

Quận Việp vừa qua đời, có kẻ tố cáo Chỉnh, trong lúc làm việc quan đã đánh cắp hàng ngàn lạng bạc. Việc này có liên can đến cả quận Huy. Chỉnh bị tống ngục, bị tra tấn nhưng quyết không khai, nhờ thế quận Huy được vô can. Khi quận Huy làm trấn thủ Nghệ An, Chỉnh được tha, được quận Huy rất tin cậy, giao cho Chỉnh làm hữu tham quân, chỉ huy việc luyện tập binh lính, chống giặc biển. Chỉnh trở thành vô địch trong nghề thủy chiến. Chỉnh tự nhận mình là con chim Hải Ưng.

Quận Huy về triều, trở thành trụ cột của chúa và tuyên phi Đặng Thị Huệ, quyền lực nghiêng thiên hạ… Rồi chúa Trịnh Sâm băng hà, kiêu binh nổi loạn giết quận Huy, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông... Nguyễn Hữu Chỉnh hay tin, sợ liên lụy đến mình, liền dong buồm cùng gia quyến thẳng ra biển đông chạy vào đất Tây Sơn. Ở đất Tây Sơn, Chỉnh kể hết mọi điều cho Nguyễn Nhạc, được Nhạc tin dùng. Chỉnh làm nội ứng cho thượng công Nguyễn Văn Bình tức Nguyễn Huệ, em Nhạc, tiến đánh Phú Xuân.

Chiếm được Phú Xuân, Chỉnh bày mưu cho Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Nhà Tây Sơn vào Thăng Long, Chỉnh ép vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Khi Nguyễn Huệ trở về Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh thâu tóm mọi quyền hành vào tay mình, Chỉnh mượn oai vua để sai khiến cả nước, tự tiện làm oai làm phúc, đem quân đi trừ khử những ai chống lại mình. Bắt Trọng Tế, giết Phùng Cơ, đuổi Án Đô Vương ra khỏi phủ chúa. Binh đao không dứt, dân chúng muôn phần khốn đốn… Gia quyến Chỉnh nhờ đó mà vơ vét vàng bạc châu báu không biết bao nhiêu mà kể. Quần thần rất căm tức nhưng không ai dám nói gì.

Bấy giờ có Đỗ Thế Long, người huyện Thanh Trì vì tội can gián phải vào ngục. Chỉnh quen Long ở trong tù, khi Chỉnh vì lạm tiền công quỹ cũng ở tù cùng Long. Trong tù Chỉnh và Long thường đàm đạo chuyện đời, chuyện văn chương, ra vẻ tâm đầu, ý hợp. Chỉnh rất thích Long ở tính nói thẳng, không biết sợ ai, coi cái chết như không.

Khi Chỉnh có mọi thứ trong tay, quyền nghiêng thiên hạ, liền nghĩ tới Long. Biết Long vẫn ở trong tù, Chỉnh sai người thả Long, đối đãi với Long như thượng khách.

Chỉnh có một thú vui từ nhỏ là thích xem chọi Gà. Làng Đông Hải quê Chỉnh nổi tiếng nghề Gà chọi, Chỉnh sai người đưa gánh chọi gà từ quê ra, cùng dân chọi gà Kinh Bắc mở hội Gà chọi ngay giữa kinh thành Thăng Long. Suốt mấy ngày liền những ông chủ sới mặc áo tứ thân, đội khăn nhiễu đỏ… ôm những sát thủ gà trống bặm trợn, hò reo cùng nhịp trống. Chỉnh say sưa ngắm chú gà thắng trận, cái mào đỏ dựng ngược, đôi cánh giương cao vỗ bành bạch, cất tiếng gáy vang, trông thật hùng dũng, oai phong, hệt viên tướng bách chiến, bách thắng giữa trận tiền.

Bữa ấy, Long cùng Chỉnh vừa uống rượu, vừa xem hội chọi Gà.

Long chỉ con gà trống mào đỏ như cục tiết, đã hạ gục hàng chục con gà danh giá của vùng Kinh Bắc, đang vênh mỏ rất hách, bảo Chỉnh: Trông nó oai phong chưa! Tiếc rằng nó sắp bị xẻ thịt!

Chủ của phường gà chọi vô địch vừa nhận một xâu bạc trắng tiền thưởng, đang rất vui mừng, mặt mày rạng rỡ, dập đầu thưa:

- Bẩm quan lớn, chúng con xẻ thịt xin dâng quý quan xơi ạ!

Nguyễn Hữu Chỉnh trong lòng không vui, nhưng vẫn bảo: Thôi, thôi, cho các ngươi lui, mang gà về đi.

Long trầm ngâm một lúc rồi như nói với Chỉnh như nói với chính mình: Bắt được con mồi, chó săn sẽ bị làm thịt, húc đổ cả đàn trâu, con trâu thắng cuộc sẽ bị phanh ra, thịt bán đi hoặc chia cho cả làng, con gà chọi vô địch kia chưa kịp hưởng niềm vui chiến thắng đã phải chết, lẽ đời xưa nay là vậy.

Đến cả con người cũng không có ngoại lệ, những vị tướng tài, bách chiến, bách thắng, chưa kịp ngồi ấm chỗ trên đỉnh vinh quang, nguy cơ bị hại đã rình rập sau lưng, thương thay!

“Chỉ con gà, con chó, nó suy ra lắm chuyện thế” - Chỉnh nghĩ vậy, nhưng lại bảo: Tôi rất thích cái tính thẳng thắn của ông, mai, tôi mời ông đến uống rượu, ông hãy nói hết ý nghĩ của ông về tôi. Long vỗ vai Chỉnh: Được lắm! Được lắm!

Người dân kinh thành ai cũng nói, cung vua vắng tanh, chỉ có nơi Chỉnh ở là tấp nập, quả không sai. Quyền lực ở đâu, người ta đến đó luồn cúi. Đỗ Thế Long lắc đầu, nhìn những viên quan khúm núm ra vào.

Nguyễn Hữu Chỉnh cố ý để Long ngồi phía dưới mình, khác những lần trước. Long vừa ngồi xuống, Chỉnh đã nói ngay: Đỗ Thế Long hôm nay, phải là Đỗ Thế Long đấy!

Long nhìn trướng phủ: một đôi Giao Long bằng vàng, thanh kiếm mạn bạc, con Hải Ưng đúc bằng đồng… Người ta thường ví Chỉnh với con chim Ưng ở biển Nam Hải. Phủ Chỉnh ở bây giờ còn hơn cả cung vua!

Đỗ Thế Long nhớ những ngày trong ngục tối cùng Chỉnh “Hoàn cảnh thay đổi, con người cũng thay đổi, quả không sai”.

- Tôi sắp chết trong tù, ông đã cứu tôi ra. Đó là cái ơn cứu mạng. Sống ở trên đời không có cái ơn nào bằng ơn cứu mạng. Ơn cứu mạng chỉ có thể dùng mạng mình để trả ơn. Tôi sinh ra là Đỗ Thế Long, dù ở trong tù hay ngoài đời, là quan hay là dân, được làm thượng khách hay bị xua đuổi. Tôi vẫn là Đỗ Thế Long. Nay tôi dùng cái mạng mình để đền ơn người đã cứu mạng, ông thấy có được không?

Nguyễn Hữu Chỉnh vỗ vỗ vai Long: Đã là bạn bè sao còn lắm lời nhiêu khê thế!

- Những ngày ở trong ngục tối, ông rất thích nghe tôi nói thật. Tôi nói về những kẻ mang danh là giữ vững cương thường, mà thật ra là đang hủy hoại cương thường, đạo lý. Nay tôi nói sự thật về ông. Ông có chịu được không? Xưa nay, nghe nói về sự thật xấu xa của người khác, không liên quan đến mình thì ai cũng thích nghe, nhưng, nghe người khác nói sự thật xấu xa của mình, liệu có được mấy người thích nghe, nhất là những người có quyền lực. Họ không những không nghe, mà còn tìm mọi cách bức hại người nói thật. Nay tôi nói thật về ông, có thể ông sẽ giết tôi, nhưng, như tôi đã nói, cái mạng tôi là do ông cứu, nay ông lấy đi cũng chẳng sao!

Nguyễn Hữu Chỉnh rót hai chén rượu, bảo: Thôi, thôi. Hôm nay tôi mời ông đến là để nghe nói thật. Xin cạn chén này vì sự thật!

Đỗ Thế Long nhìn Chỉnh, lại nhìn lên trướng phủ, nhìn bức tượng con Hải Ưng đầy uy quyền. Xưa nay, có ai không thích quyền lực đâu. Muốn thâu tóm quyền lực vào tay mình phải thủ đoạn, phải tàn bạo. Con Hải Ưng kia, khi nó bay trên trời, bay trên biển thật uy vũ. Rồi nó tàn hại đồng loại để trở nên vô địch. Ai đã đúc bức tượng con Hải Ưng thật khéo. Nó viên mãn thế. Viên mãn trên quyền lực là con đường dẫn đến tàn hại. Chỉnh muốn nghe sự thật hay chỉ muốn thử mình?

- Tôi đã rửa tai để nghe ông nói đây - Chỉnh đùa.

- Được lắm, ông đọc sách, ông thừa biết, xưa nay theo người mới mà phản người cũ là bất nghĩa; Bới lỗi lầm để lập công lao là bất nhân. Đã bất nghĩa, bất nhân tức là tàn hại. Ông đang ở cái thế tàn hại đó!

Chỉnh tái mặt, lặng đi hồi lâu mới đáp:

- Gây dựng ơn riêng là của mỗi người, cương thường là nghĩa lớn của thiên hạ. Tôi vì sự cương thường mà phải làm những việc bất đắc dĩ! Chẳng phải hoàng đế Chu Nguyên Chương xưa đã từng nói: Tướng sỹ có thể bỏ, giang sơn thì không thể bỏ?

- Vì sự cương thường, vì giang sơn ư? - Long phá ra cười. Nhìn bề ngoài tưởng là ông đang vì giang sơn, vì sự cương thường, thực ra ông đang vì quyền lợi của chính ông, của gia tộc ông, của một nhóm người vây quanh ông. Ông ăn lộc chúa bấy nhiêu năm, khi nhà chúa rối ren, ông bỏ chúa theo theo nhà Tây Sơn, là điều bất nghĩa, ông bới lỗi lầm của nhà chúa để lập công lao, là điều bất nhân. Ông mang binh đao đến làm hại bao nhiêu người, nhà tan cửa nát. Chém giết, rồi chém giết, ở đâu cũng nhuốm máu người. Ai không cùng phe với ông là ông giết, ông tàn hại cả gia đình người ta. Ông mượn cái uy của quý quốc (chỉ nhà Tây Sơn) để lật đổ một triều đại, ngỡ rằng sẽ dựng lên một triều đại mới tốt đẹp, ai ngờ triều đại mà ông dựng lên nó còn tàn bạo, thối nát hơn cả triều đại cũ. Tôi đồ rằng sự tàn hại không chỉ đến với ông, còn đến với nhiều người đã ngây thơ tin vào ông.

Chỉnh giận tím ruột, răng nghiến lại, nhưng vẫn làm ra vẻ tươi cười:

- Vậy thì ông bạn của kẻ tàn hại này, hãy bảo cho tôi biết phải làm thế nào?

- Ông có dám từ bỏ quyền lực của ông, của những người đang vây quanh ông để vì một nền cương thường mới, thực sự vì dân không? Tôi chắc là ông không dám từ bỏ, mà ông có muốn từ bỏ, đám người vây quanh ông cũng không cho ông từ bỏ!

Chỉnh muốn rút gươm chém phăng đầu kẻ ngông cuồng kia, nhưng lại bảo: Để tôi nghĩ xem đã. Bây giờ ông hãy về nhà đi, rồi đem lời nói thật của ông nói cho những người thích nghe ông nói, chắc sẽ được vẻ vang đấy!

Long vừa ra khỏi cửa phủ, Chỉnh liền bảo mọi người: Rồng (ám chỉ Long) thì phải cho xuống nước, để trên cạn nó làm mê hoặc thiên hạ. Rồi Chỉnh sai người chặn bắt Long, trói lại, ném xuống sông Nhị Hà.

Sau khi bức hại Đỗ Thế Long, Không một người nào dám nói thật với Chỉnh. Đám quần thần vây quanh, tìm cách lấy lòng Chỉnh, tâng bốc Chỉnh lên tận mây xanh, khiến Chỉnh càng trở nên chủ quan, tự cho mình nhất thiên hạ, tự thấy mọi việc xung quanh mình đều yên ổn, không có gì phải lo nghĩ. Bụng Chỉnh chỉ còn e dè mỗi Bắc Bình Vương mà thôi. Chỉnh thường nói riêng với những người thân tín rằng: Nguyễn Huệ là người anh hùng hào kiệt ở phương Nam, ta cũng không thua. Hắn quỷ quyệt hơn ta, nhưng ta khôn ngoan hơn hắn. Ta đã từng cộng sự với hắn, nay ta nhường hắn một nước cờ. Đợi khi mọi việc hoàn toàn yên ổn, ta sẽ tập hợp binh mã, giao tranh với hắn một trận, để hắn biết ta là người thế nào!

Khi hay tin anh em nhà Tây Sơn tranh giành quyền lực với nhau, Nguyễn Hữu Chỉnh liền bảo: Anh em nhà hắn nồi da nấu thịt đến nơi rồi. Ta phải đòi lại quê ta mới được. Rồi Chỉnh tâu vua cử Bình Chương Trần Công Xán vào kinh đô Phú Xuân làm thuyết khách.

Trần Công Xán người huyện Đông Anh, đỗ tiến sỹ khoa Nhâm Thìn (1772), từng làm Thượng thư bộ Hình, là người cương trực, có tài ứng biến, lại là thầy học khi xưa của Chỉnh.

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.

Lúc trước, Bắc Bình Vương vào kinh đô Thăng Long, vua Lê sai các quần thần tới yết kiến, thấy khí sắc Nguyễn Huệ rạng rỡ, uy nghiêm, ai cũng run sợ. Huệ để ý chỉ có Trần Công Xán là không thay đổi nét mặt, Huệ hỏi gì, Xán nói đâu ra đấy, khí phách rất hiên ngang. Bắc Bình Vương bảo với tả hữu rằng: Ta nghe Bắc Hà rất nhiều người tài, nay đến tận nơi chỉ thấy có Trần Công Xán mà thôi.

Trước khi lên đường, Xán bảo Chỉnh:

- Người Tây Sơn hành binh như bay, đi lại vùn vụt như thần, bụng dạ Bắc Bình Vương lại rất khó lường, ta đi chuyến này e việc không thành, ngươi hãy lo phòng bị cho tốt, chớ sơ suất mà dẫn đến nguy hại.

Chỉnh cười cười:

- Thầy cứ yên tâm ra đi, rồi mau chóng trở về. Vạn nhất có biến, há lại không làm nổi một trận vang trời, cho sướng cái bụng hay sao!

Bắc Bình Vương sai Tư Mã Ngô Văn Sở đón tiếp Trần Công Xán rất thịnh tình. Huệ nói với Sở: Xán là người giỏi Bắc Hà, ta muốn dùng hắn, chắc hắn không chịu, các người thử hiểu dụ hắn một lần nữa xem sao.

Một người thân tín của Bắc Bình Vương là Lê Văn Ký đến tận nhà trọ đón Xán.

- Sao ông không vào trong phủ mà ở, lại tự làm khổ mình như vậy.

Xán nói:

- Cái số tôi ở khổ quen rồi!

- Quân tử có khi không cần theo số mệnh, ví như đánh bạc, đồng tiền một sấp, một ngửa, ta theo kẻ được mà đánh, thiên hạ sẽ khen ta đánh giỏi.

Xán cười :

- Bởi thế cho nên đó là phường cờ bạc, chớ không phải đạo của người quân tử.

Kỷ đem chuyện đó nói lại với Bắc Bình Vương. Vương bảo: để ta gặp Xán một lần nữa xem sao.

Bắc Bình Vương tiếp Xán rất thân tình. Rồi nói:

- Ông là người thẳng thắn, nghe danh đã lâu, nay muốn được ông nói thật, những suy nghĩ của ông về ta.

Gương mặt Trần Công Xán không hề thay đổi, chỉ cúi đầu thưa:

- Bắc Bình Vương là vị anh hùng, ai cũng biết. Nhưng… nay vua Tây Sơn (tức Nguyễn Nhạc) gửi thư ra kể tội Bắc Bình Vương và sắp phái quân ra đánh. Xưa nay mọi cái họa đều bắt đầu từ trong nhà.

Nguyễn Huệ lặng người đi. Chưa một người nào dám nói thẳng, nói thật với Huệ như vậy. Bắc Bình Vương đứng dậy, nói: Việc trong nhà ta, ta sẽ tự giải quyết, người cứ về đi, việc của người ta cũng coi là việc nhà, chẳng phải ta là con rể của quý quốc đó sao!

Nguyễn Huệ thấy không thể thu phục được ông, muốn giết đi, nhưng e mang tiếng xấu bèn triệu ông đến bảo:

- Các ông cứ về trước, chờ ta ra Bắc sẽ bàn tiếp.

Rồi sai đô đốc Võ Văn Nguyệt sắp đặt thuyền bè đưa ông về Bắc. Thuyền ra đến giữa bể, Nguyệt ngầm sai người đục thuyền rồi phao tin thuyền bị bão đắm.

Sau khi dàn hòa với vua Tây Sơn (tức Nguyễn Nhạc, anh ruột Huệ) Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ liền trở về Phú Xuân, mở hội tướng sỹ, bảo họ rằng: Nguyễn Chỉnh là người sắp chết, ta cứu hắn, vẽ mày, vẻ mặt cho hắn, lẽ ra hắn phải cảm ơn ta mà lo việc vỗ về trăm họ yên ổn làm ăn. Nay hắn lại rắp tâm cắn lại ta, cái thằng phản trắc ấy phải giết đi mới được.

Tức thì sai Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân hợp cùng Võ Văn Nhậm, mang quân ra Bắc.

Ở Thăng Long, Chỉnh chỉ nghe những lời dối trá, đường mật, rằng dân chúng hoan ca, yên ổn làm ăn. Rằng anh em nhà Tây Sơn đang cắn xé nhau. Ngày, Chỉnh mải xem chọi gà, xướng họa. Đêm, yến tiệc liên miên. Kịp khi hay tin quân của Võ Văn Nhậm đã đến núi Tam Điệp, Chỉnh mới hội tướng sỹ cất quân đi.

Đến trạm Bình Vọng, chợt thấy gió Nam thổi vù vù, có đám mây đen chạy suốt từ Tây đến Nam, Chỉnh cho là điều gở, đang chần chừ chưa muốn tiến quân, thình lình lại có đàn ong vo vo bay đến sà xuống nhằm cổ Chỉnh mà đốt. Đám tướng sỹ đi đầu hoảng hốt quay lại nói: Thế giặc rất mạnh, không thể chống cự nổi, chi bằng rút quân về, chặn ngang sông Nhị Hà giữ lấy Kinh Bắc.

Chỉnh đành lui quân.

Bấy giờ kinh thành Thăng Long rối loạn. Bất kể sang hèn, mạnh ai nấy chạy. Tiếng kêu khóc vang động trời đất. Ai cũng cho rằng, tại Chỉnh phản trắc mới đến nông nỗi này. Chỉnh cũng biết điều đó. Đám quân dưới trướng Chỉnh mạnh ai nấy chạy, Chỉnh cũng chẳng làm gì được… Đến núi Tam Tằng, con trai Chỉnh là Hữu Du, thấy quân địch đến gần, liền thưa: Thân phụ đi đi, để con liều với chúng. Du múa đao cùng thủ hạ chém được vài chục tên, quân Nhậm vòng sau núi đánh úp, Hữu Du bị chém chết tại trận.

Chỉnh nhảy lên ngựa nhằm hướng Bắc mà chạy. Nhìn quanh, chẳng có tên quân nào, Chỉnh than: Tàn hại, tàn hại! Đã đến lúc tàn hại chính ta ư?

Quân Nhậm dùng tên bắn, Chỉnh ngã ngựa, đám lính thi nhau chĩa mũi giáo vào ngực Chỉnh, Chỉnh kêu: Xin bắt sống mà dâng. Bọn lính trói Chỉnh lại, bỏ cũi đưa về kinh.

Chỉnh muốn gặp Nhậm để nói một câu, Nhậm không cho gặp, dù khi xưa Chỉnh và Nhậm cùng dưới trướng của Nguyễn Huệ. Nhậm sai người kể tội Chỉnh rằng: Mày là kẻ theo người mới mà phản người cũ làm điều bất nghĩa, bới lỗi lầm để lập công lao làm điều bất nhân… Những kẻ bất nghĩa, bất nhân, người có tha, trời cũng không tha… Mi đã làm nhiều điều tàn hại, mi phải chịu lấy sự tàn hại. Ta phải phanh xác mi ra để làm gương cho đời sau.

Buổi hành hình Chỉnh, dân chúng kinh thành Thăng Long xúm đen, xúm đỏ. Những người căm ghét Chỉnh ai cũng muốn nhìn tận mắt cái kết cục phải đến này. Giữa đám đông ồn ào, có một người dáng vẻ nho nhã bỗng nói to:

- Tàn hại người nói thật là tàn hại chính mình. Thương thay! Sao người đời không nhớ lấy!

Người đó, chính là con trai của Đỗ Thế Long.

Truyện ngắn của Dương Kỳ Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-nghe/cai-chet-cua-nguoi-noi-that-1280089.tpo