Cái chết của Mukbang

Trước sự biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực lên người xem và sự mạnh tay của chính phủ nhiều nước, trào lưu phát sóng ăn uống đang mất dần sự quan tâm.

Bắt nguồn từ Hàn Quốc vào khoảng năm 2010, hình thức phát sóng ăn uống (mukbang) nhanh chóng nhận được sự quan tâm, đặc biệt là từ giới trẻ. Trào lưu này cũng nhanh chóng lan sang các nước châu Á khác, thậm chí Anh, Mỹ, Đức…

Tuy nhiên, thay vì những clip ăn uống ngon mắt, kích thích vị giác và là nơi để nhiều người trẻ cô đơn tìm cảm hứng ăn uống, mukbang đang dần biến tướng, bị gắn với nhiều hình ảnh xấu xí.

Scandal

Đi cùng với độ phổ biến của mukbang là sự nổi tiếng của không ít người có khả năng “ăn thùng uống vại”. Thường sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, các mukbanger kiếm được số tiền không nhỏ từ việc ngồi quay phim ăn uống.

Họ thậm chí sở hữu lượng người hâm mộ, theo dõi đông đảo trên mạng xã hội và trở thành thần tượng của không ít bạn trẻ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng nhiều sự việc ầm ĩ liên quan đến các ngôi sao ăn uống khiến công chúng ngán ngẩm.

Gần nhất là việc YouTuber Moon Bok-hee (nickname Boki, 26 tuổi, Hàn Quốc) bị tố giả vờ ăn, cắt ghép video lừa dối khán giả. Nhiều người tìm thấy bằng chứng cô nhét thức ăn vào miệng rồi nhả ra, dùng dấu tay để ra hiệu đoạn cần chỉnh sửa.

 Bok-hee bị nhiều khán giả tố không trung thực.

Bok-hee bị nhiều khán giả tố không trung thực.

Trước đó, cô cũng bị chỉ trích vì không minh bạch, công khai về các clip có trả phí quảng cáo hoặc nhận tài trợ.

Cuối năm 2019, Jeong Man-su (biệt danh Banzz, 30 tuổi) bị phạt 5 triệu won (khoảng 4.100 USD) vì quảng cáo sai lệch về hiệu quả của các sản phẩm giảm cân.

Theo Korea Herald, Eat4U, công ty thực phẩm chức năng của Banzz ra mắt vào tháng 3/2017, đã bán ra thị trường các sản phẩm hỗ trợ chế độ ăn kiêng. Qua các clip ăn uống, anh khiến người xem hiểu lầm về tác dụng của các loại thuốc, thực phẩm chức năng này, rằng chỉ cần uống sẽ có được cân nặng mong muốn.

Sau vụ việc, Banzz mất khoảng 100.000 follower, số người theo dõi trên mạng xã hội đã giảm xuống còn 3,1 triệu.

Banzz mất nhiều người theo dõi sau lùm xùm quảng cáo thuốc giảm cân.

Từng nổi tiếng với clip “xử” hết một khay cừu nướng khổng lồ đủ cho 10 người ăn, Mini (Trung Quốc) dần khiến nhiều người theo dõi không hài lòng khi chèn quảng cáo quá nhiều vào video ăn uống.

Không dừng lại ở thực phẩm, công ty quản lý Mini còn cố gắng tăng lượng đối tác tham gia quảng cáo thông qua những món đồ trang điểm hoặc quần áo cô mặc.

Ảnh hưởng tiêu cực

Nổi tiếng, có nhiều follower, hành động hay trào lưu xuất phát từ giới mukbang cũng ảnh hưởng ít nhiều đến người theo dõi.

Đầu năm 2019, “Thử thách Onigiri” phổ biến trong giới YouTuber ẩm thực Nhật Bản bị cảnh báo có thể cổ xúy hành động nguy hiểm. Người tham gia sẽ ăn hết một Onigiri (cơm nắm tam giác) trong vòng 30 giây mà không cần uống nước.

Tháng 4/2019, một YouTuber trong khi livestream thực hiện thử thách này đã bị mắc nghẹn và qua đời. Cô bất tỉnh trong 20 phút trước khi đội cứu hộ đến theo thông báo của khán giả.

Nhiều trẻ em bắt chước clip ăn thực phẩm không lành mạnh trên mạng.

Theo một cuộc khảo sát do Đại học Liverpool (Anh), trẻ em nước này có xu hướng ăn nhiều đồ không lành mạnh hơn sau khi xem các clip mukbang trên mạng. Những biểu cảm quá đà, phóng đại của các ngôi sao ăn uống tạo hiệu ứng bắt chước cho người xem.

Về phía những mukbanger, chính họ cũng phải đánh đổi không ít khi dấn thân vào nghề này.

Cuối tháng 5, thánh ăn Trung Quốc “Tiểu Nam dạ dày khủng” thông báo giải nghệ sau thời gian liên tục phải nạp vào cơ thể lượng thực phẩm khổng lồ, khiến cô gặp nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như sinh ra chán ghét việc ăn uống.

Một tháng sau, dân mạng cũng bàng hoàng trước cái chết của người đàn ông họ Vương ở Thẩm Dương (Trung Quốc). Theo bác sĩ, nguyên nhân sự ra đi của anh là xuất huyết não, huyết áp và lipid máu quá cao do ăn nhiều đồ dầu mỡ liên tục.

Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, thay vì ăn các thực phẩm tươi ngon thông thường, mukbang còn bị biến tướng thành việc ăn côn trùng, thậm chí sâu bọ còn sống để câu view. Không còn những cảnh quay khiến người xem “chảy nước bọt”, nhiều dân mạng nói họ cảm thấy sởn da gà, buồn nôn hơn là thích thú.

Nhà hàng tẩy chay, chính phủ mạnh tay

Người làm mukbang từng là đối tượng được các nhà hàng săn đón. Bởi lời nhận xét tích cực về món ăn của các “thực thần” có thể là kênh quảng cáo hữu hiệu, thu hút thực khách đến quán.

Tuy nhiên, trước sự ồ ạt của các YouTuber ẩm thực, nhiều quán ăn ở Hàn Quốc bắt đầu treo biển “cấm cửa” nhóm người này. Nguyên nhân là khi đến quán quay video, nhiều người làm ảnh hưởng đến các thực khách đang ăn uống, khiến họ khó chịu vì vô tình lọt vào ống kính máy quay.

Bên cạnh đó, không chỉ ngồi ăn trong thời gian dài, một số mukbanger còn đem theo đồ ghi hình, đèn chiếu sáng… chiếm dụng không gian quán hay gây vướng víu, bất tiện cho người khác.

Thậm chí, lợi dụng sức ảnh hưởng của nhiều YouTuber ẩm thực, một số nhà hàng còn thuê họ thực hiện các clip đánh giá không trung thực nhằm chơi xấu đối thủ.

Nhiều nhà hàng không còn mặn mà đón tiếp các "thực thần" đến quay clip.

Năm 2018, chính phủ Hàn Quốc cho rằng trào lưu này khuyến khích người dân ăn uống vô tội vạ dẫn đến gia tăng tình trạng béo phì. Bộ Y tế và Phúc lợi nước này cho biết sẽ xây dựng phương hướng phát triển cho chương trình phát sóng trên Internet về mukbang để cải thiện hành vi ăn uống của người dân và xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ hơn.

Mới đây, Cơ quan giám sát Internet Trung Quốc đã xóa 13.600 video ngắn và tài khoản livestream về ăn uống khi chính quyền nước này đẩy mạnh chiến dịch chống lãng phí thực phẩm.

Các nền tảng video phổ biến của đất nước tỷ dân như Douyin và Kuaishou cũng thực hiện giám sát những clip mukbang, sau khi các chương trình này cho thấy người tham gia tiêu thụ quá nhiều thức ăn, thậm chí giả vờ nhai, nhổ thức ăn, bị chỉ trích là “một ví dụ về lãng phí thực phẩm”.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-mukbang-post1127738.html