Cái chết của Jo Min Ki và chữ 'hận' cực đoan trong nét văn hóa Hàn

Khi Jo Min Ki chọn lấy cái chết trước những cáo buộc liên quan đến quấy rối tình dục của một danh sách dài nạn nhân, cũng là lúc dân tình 'hoảng hồn' vì phản ứng của cộng đồng mạng xứ kim chi: Không chút thương xót, mà còn bùng nổ dữ dội những chỉ trích, mạt sát dành cho người đã chết.

Là gương mặt diễn viên gạo cội của màn ảnh xứ Hàn, cầm trịch nhưng chuỗi phim đình đám Phía đông vườn địa đàng, Moon Lovers: Scarlet Heart Ryeo, Orange Marmalade, Hwajung, Golden Rainbow, Nấc thang lên thiên đường, Queen Seondeok,… sự nghiệp của Jo Min Ki là điều đáng mơ ước của không ít đồng nghiệp và là “tượng đài” trong lòng của đông đảo khán giả.

Với vẻ ngoài đạo mạo và lịch lãm, nam diễn viên quá cố thường được giao cho các tuyến nhân vật nghiêm nghị, quyền lực hoặc là… “trùm cuối” của các vụ ân oán. Sự đa dạng trong lối diễn xuất khiến cái tên Jo Min Ki luôn chiếm sóng lòng tin của các đạo diễn, cũng như nhiều năm liền là chủ nhân của những giải thưởng danh giá xứ kim chi.

Là tên tuổi đình đám…

… của màn ảnh xứ Hàn

Jo Min Ki đã chọn tự kết liễu cuộc đời vì những cáo buộc tình dục.

Không thuộc thế hệ nam thần mới, Jo Min Ki được xem là bậc đàn anh, có vị trí vững vàng trong làng giải trí vốn khắc nghiệt quy luật đào thải của Kbiz, thậm chí còn có chức vị Giáo sư tại trường Đại học.

Thế nhưng, những cáo buộc tình dục - ban đầu là từ một sinh viên, rồi đến những phụ nữ từng làm việc cùng ông, danh sách người lên tiếng buộc tội Jo Min Ki kéo dài, lên tận con số hơn 20. Trong quá trình điều tra, Jo Min Ki đã chọn dừng lại tất cả bằng cái chết. Và tên tuổi đình đám, sự nghiệp lẫy lừng vất vả tạo dựng bao năm tháng ròng rã, chính thức đổ sông đổ biển trong vòng “một nốt nhạc”, chỉ bằng một lời tố cáo!

Chưa bao giờ như bây giờ, Kbiz lại… hả hê trước sự ra đi của một nghệ sĩ gạo cội như thế. Tất cả cống hiến của người đã từng là chủ nhân của những giải thưởng danh giá đổ sông đổ biển: Jo Min Ki trở thành một tội phạm đích thực, dù ông vẫn đang trong quá trình điều tra và tòa chưa nghị án.

Nhưng sống giữa xã hội mà con người kết nối với nhau bằng thế giới phẳng thì truyền thông lại trở thành “chánh án” cho mọi vụ án. Búa rìu dư luận ở xử củ sâm này giết chết một con người theo đúng nghĩa đen, mà không cần một lời bóng bẩy nào cho các trạng thái tâm lý: trầm cảm, tự kỷ hay rối loạn hành vi, ý thức nữa. Jo Min Ki tìm đến cái chết như một cách chuộc tội.

Nhưng vẫn là chưa đủ để thỏa mãn cộng đồng mạng Kbiz. Và dư luận giờ đây như một kẻ “háu đói” hung hãn: sắm trọn vẹn vai “chánh án” lẫn thay mặt luôn cho người bị hại, để chì chiết thỏa thuê người phạm tội. Với danh nghĩa đòi lại công bằng, đông đảo cư dân mạng đổ xô “thêm dầu vào lửa”, như chính mình là nạn nhân.

Văn hóa Hàn được chi phối mạnh mẽ bởi chữ “han” - nghĩa là hận, vì thế không khó để “ngửi thấy” mùi cực đoan, nghiêm khắc và trịnh trọng trong từng ứng xử, giao tiếp hàng ngày giữa người với nhau: Những cái cúi gập người 90 độ để chào người lớn, những cái tát nảy lửa của sunbae (tiền bối) dành cho hậu bối chỉ vì trót không chào hỏi khi gặp gỡ, hay hình ảnh quỳ sụp trên sân khấu thay cho lời cảm ơn fan của các thần tượng.

Nếu là người ngoài cuộc, không nhiều lắm quan tâm và suy nghĩ thoáng, sẽ rất… khó hiểu và thậm chí sợ hãi khi đọc những bình luận chỉ trích các thần tượng, ngôi sao của cư dân mạng xứ Hàn. Từng hành vi nhỏ nhất: Có thể là nụ cười không đúng lúc, hay thái độ hời hợt trong các buổi diễn tập, thậm chí những chi Bodyshaming chưa là gì ở làng giải trí xứ này, khi mà không chỉ ngoại hình, mà thái độ, tính cách hay ti tỉ những nhất cử nhất động khác đều bị “soi” và chỉ trích nặng nề, như thể nghề làm idol ở đây là nghề để “nghe chửi”.

Cư dân mạng phẫn nộ vì những điều Jo Min Ki gây ra cho các nạn nhân là đúng, tuy nhiên, đến cả cái chết vẫn chưa “hạ màn” được những ồn ào này, vẫn nhận về “rổ gạch đá” nặng nề hơn nhân danh trách nhiệm, công bằng thì làng giải trí xứ củ sâm quả là… thật đáng sợ!

Kbiz đúng là nơi sản sinh của những “chiếc khuôn” hoàn hảo, nơi mà mọi thể loại tỳ vết đều không được tha thứ, chấp nhận dưới mọi hình thức, đều chỉ có con đường duy nhất là “dí chết đến tận cùng”.

Phong trào #MeToo - Tôi cũng vậy, không chỉ là nơi các nạn nhân lên tiếng nữa, mà dường như còn là cách “hợp lý hóa” hành động giết chết một con người của đám đông dư luận!

Ái Kỳ

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/giai-tri/cai-chet-cua-jo-min-ki-va-chu-han-cuc-doan-trong-net-van-hoa-han-2362121.html