Cái chết của Gia Tần (Kim Đáp ứng) ở tập 16 'Diên Hi công lược' đã sai lệch với lịch sử

Tình tiết về cái chết của nhân vật Gia Tần (nay đã là Kim Đáp ứng) trong 'Diên Hi công lược' đã lộ rõ điểm khác biệt so với lịch sử.

Tập 16 bộ phim truyền hình cung đấu Diên Hi công lược mang đến bất ngờ lớn cho khán giả. Sau nhiều lần cùng với Cao Quý phi bày trò hãm hại các phi tần, Gia Tần đã bị giáng xuống thành Gia Quý nhân rồi tiếp tục bị giáng xuống thành Đáp ứng ngay sau đó. Cuối cùng, cô đã bị Nhàn Phi giết chết trong đêm. Đây có lẽ là tình tiết mà nhiều người xem đã trông đợi, nó đánh dấu bước ngoặt nhân vật Nhàn Phi của Xa Thi Mạn dần trở nên thâm độc sau biến cố gia đình.

Một số tình tiết gắn liền với lịch sử được nhắc qua trong phim đó là Gia Tần là ngạch nương (mẹ ruột) của Tứ A ca Vĩnh Thành, còn Du Quý nhân (sau này trở thành Du Phi) là ngạch nương của Ngũ A ca Vĩnh Kỳ. Tuy nhiên, những diễn biến cụ thể trong Diên Hi công lược những tập gần đây đã lộ rõ sự sai lệch trong cách xây dựng nhân vật Gia Tần so với lịch sử.

Theo sử sách ghi lại, Kim Giai Thị (金佳氏) là con gái của Thượng Tứ Viện Khanh Kim Tam Bảo (金三寶). Bà vào Bảo Thân vương phủ hầu hạ Tứ A ca Hoằng Lịch với thân phận Cách cách. Khi Hoằng Lịch đăng cơ, bà được sách phong làm Quý nhân. Năm Càn Long thứ hai (1737), bà tiếp tục được sách phong làm Gia Tần. Chỉ hai năm sau đó, Tứ A ca Vĩnh Thành, con trai đầu lòng của bà ra đời. Đến năm Càn Long thứ sáu (1741), bà được phong thành Gia Phi (嘉妃). Sau đó bà hạ sinh Bát A ca Vĩnh Tuyền vào năm Càn Long thứ mười một (1746).

Kim Giai Thị (金佳氏) - Gia Tần.

Năm Càn Long thứ mười ba (1748), Gia Phi được sách phong thành Gia Quý Phi và sinh hạ Cửu A ca cùng năm đó nhưng hoàng tử không may yểu mạng mất sớm. Năm Càn Long thứ mười bảy (1751), bà sinh hạ Thập Nhất A ca Vĩnh Tinh. Cuối cùng, bà qua đời vào năm Càn Long thứ hai mươi (1755), hưởng dương 42 tuổi. Bà được truy phong thành Hậu cung Chính nhất phẩm Hoàng quý phi. Sau đó, bà được truy tặng thụy hiệu Thục Gia Hoàng quý phi (淑嘉皇贵妃).

Thục Gia Hoàng quý phi (淑嘉皇贵妃).

Như vậy, theo lịch sử, nhân vật Gia Tần không hề bị bị giáng cấp nhiều lần như trong phim Diên Hi công lược, ngược lại bà đã có công hạ sinh bốn vị a ca cho Càn Long và đàng hoàng trở thành một Quý phi cao quý. Cho đến khi qua đời, bà được tặng thụy hiệu Hoàng quý phi.

Bên cạnh đó, thứ tự qua đời của các phi tần trong hậu cung vua Càn Long cũng sai hẳn so với lịch sử. Trong phim, Gia Tần là phi tần quan trọng đầu tiên chết, nhưng trong lịch sử, bà lại sống thọ hơn nhiều phi tần khác. Cụ thể, trước đó Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát Thị mất vào năm Càn Long thứ mười ba (1748), Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao Thị (Cao Quý phi trong phim) mất năm Càn Long thứ mười bảy (1752).

Dựa vào tình tiết của phim, khi Kim Đáp ứng (nguyên là Gia Tần) bị sát hại, Du Quý nhân đang chuẩn bị hạ sinh Ngũ A ca Vĩnh Kỳ, thế nên đây có thể là năm Càn Long thứ sáu (1741). Đối chiếu với lịch sử, vào năm này Gia Tần được phong thành Gia Phi và hiện chỉ mới có Tứ A ca Vĩnh Thành. Như vậy, Diên Hi công lược đã chọn cột mốc này để bức tử nhân vật Gia Tần.

Vì để tạo ra kịch tính cho bộ phim Diên Hi công lược bằng việc đẩy nhân vật Nhàn Phi của Xa Thi Mạn vào bước đường cùng, buộc cô phải sống độc ác hơn để sinh tồn, biên kịch Vu Chính và ekip làm phim không ngần ngại thay đổi lịch sử. Điều này khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối, vì bộ phim vốn đang khá chỉn chu, bám sát sử sách. Liệu rằng sau này, Diên Hi công lược sẽ có thêm những tình tiết cải biên lịch sử khác hay không? Hãy cùng SAOstar chờ xem nhé.

Sa Cát

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/cai-chet-cua-gia-tan-gia-dap-ung-o-tap-16-dien-hi-cong-luoc-da-sai-lech-voi-lich-su-3331426.html