Cái chết của điệp viên Oswald John Job

Oswald John Job, một gã tham lam, ích kỷ và không trung thành với bất kỳ ai, đã bị treo cổ vì tội phản quốc - nhưng có thật sự con người này như thế không?

Ngôi mộ vô danh ở nhà ngục Pentonville

Tháng 11/1943, nước Anh chìm sâu trong chiến tranh khi Oswald John Job bước xuống tàu bay ở cảng Poole, tâm trạng có vẻ rất phấn khởi vì cuối cùng đã về đến nhà an toàn từ Châu Âu bị Đức Quốc xã (ĐQX) chiếm đóng. Người đàn ông 58 tuổi kể một câu chuyện đầy kịch tính: bị nhốt 3 năm trong một trại giam ở Paris, nhưng đã lập mưu lừa các viên cai ngục Đức để trốn thoát, rồi đi bộ tới biên giới Tây Ban Nha ngay đêm hôm đó.

Oswald John Job trong bức ảnh chụp tháng 11/1943.

Oswald John Job trong bức ảnh chụp tháng 11/1943.

Vài tuần sau John Job đến thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), nơi ông ta xoay xở để thực hiện chuyến bay ngàn cân treo sợi tóc qua vùng trời bị chiến tranh tàn phá để quay lại đất mẹ. Sau hành trình đào tẩu táo bạo, John Job đinh ninh rằng thế nào mình cũng được tôn vinh là một trong những anh hùng thời Thế chiến II. Nhưng thay vào đó, chỉ 4 tháng sau, công dân London này đã bị xử giảo với cáo buộc “phản quốc”, cái xác được an táng trong một nấm mồ vô danh tại nhà ngục Pentonville.

Các quan chức tình báo Anh đã nghe được những thông điệp bằng tiếng Đức được mã hóa về những nhiệm vụ mật của anh ta: những thông tin về tinh thần dân chúng và sự tàn phá do bom đạn trong những lá thư được viết mã bằng loại mực vô hình. Và khi các viên chức di trú tìm thấy chiếc nhẫn nạm kim cương cùng chiếc ghim cà vạt nạm đá quý ngay trong túi áo ghi lê của John Job (những thứ đồ mà tình báo MI.5 nắm được thông tin rằng điệp viên ĐQX này sẽ mang tới Anh) thì định mệnh của anh ta được an bài.

John Amery (trái), kẻ phản quốc thật sự. Ảnh nguồn: Hulton Getty.

Không giống như những kẻ phản bội khét tiếng khác như John Amery hay “Lord Haw Haw” William Joyce, trường hợp của Oswald John Job gần như đã hoàn toàn bị quên lãng. Giờ đây chuyện về John Job đã được tiết lộ trong một cuốn sách mới mang tựa đề “Kẻ phản quốc bị lãng quên của Anh” khi tác giả Ed Perkins mất 3 năm để đào sâu vào cuộc đời phức tạp của Job. Ông Ed Perkins bắt đầu tìm kiếm về cái tên Oswald John Job trong danh sách các điệp viên của ĐQX tại Bảo tàng chiến tranh Hoàng gia.

Theo Ed, John Job chưa từng có ý đồ phản bội tổ quốc và việc tử hình ông là một sai lầm công lý nghiêm trọng. Ed Perkins quả quyết: “John Job là một người bình thường đã bị cuốn vào một sự kiện phi thường. Vì không phải là người đặc biệt nên sau khi bị tử hình, thế giới đã trôi đi nhanh chóng và ông hoàn toàn bị lãng quên. Dường như có rất nhiều bằng chứng chống lại ông ta.

Job thừa nhận mình làm gián điệp cho Đức. Họ tìm thấy mực tàng hình được giấu trong chìa khóa và dao cạo râu của ông cũng như nhẫn và ghim kẹp cà vạt. Nhưng bằng chứng mà tôi tìm thấy đã chứng minh điều ngược lại: ông ta là một kiểu vô lương tâm, tham lam, ích kỷ, nhưng không phải là gián điệp”.

Ông Ed Perkins giải thích: “Thay vì gửi chiếc nhẫn kim cương cho một điệp viên Đức khác theo chỉ dẫn, thì Job nghĩ đến một câu chuyện đánh lừa bằng cách đã trốn khỏi nước Pháp, bán trang sức, rồi án binh bất động chờ cho đến khi chiến tranh kết thúc. Khi Job ra khỏi máy bay, ông ta chắc mẩm rằng mình đã được an toàn”.

John Job cùng bạn đồng hành khi tiếp quản cơ nghiệp gia đình nhà vợ ở Paris. Ảnh nguồn: The National Archives.

Cuộc đời thực của John Job

Oswald John Job sinh ở East End của thủ đô London vào năm 1885, là một người Đức nhập cư. Là con cả trong số 5 anh chị em (2 người đã qua đời khi họ chưa được 3 tuổi) John Job lớn lên trong “khu ổ chuột” Ratcliff bên bến tàu London. Năm 1906 ở tuổi 21, Job lấy người vợ Alice Holland (một người giúp việc nhà) khi bà đang mang thai. Nhưng Job lại thường xa nhà, chỉ 2 tháng sau khi con gái đầu lòng Ethel lọt lòng, người cha đi tù ở Đức vì liên quan đến một băng trộm trang sức.

9 tháng sau, Job về nhà nhưng cũng chỉ đúng 1 năm đã rời xa hai mẹ con bà Alice để chuyển đến Paris. Kể từ đó hai người không nghe được bất kỳ tin tức nào về Job nữa. Thực ra Job đã sống sót trong Thế chiến 1, mở một cửa hàng kinh doanh đồ trang trí ở Paris và đến năm 1923 thì cưới một cô gái Pháp tên là Marcelle (gã chưa từng kể cho người phụ nữ này rằng mình đã có vợ con ở Anh). Hai vợ chồng gã tiếp quản kinh doanh chi giả của gia đình vợ.

Chín năm sau đó, bà Marcelle mắc bệnh lao và chuyển về nông thôn sinh sống trong khi chồng vẫn ở Paris để quản lý công việc kinh doanh. Năm 1939 khi Anh, Pháp tuyên chiến với Hitler, cuộc đời John Job thay đổi vĩnh viễn. Tháng 6/1940, khi ĐQX rầm rập đổ quân vào Paris, Job cũng như những thị dân Anh khác ở đó bị tống vào nhà tù, nơi Job bị giam 3 năm. Vì thông thạo 3 thứ tiếng Đức, Pháp và Anh nên Job được giao những trọng trách đặc biệt như tiếp tân và thông dịch viên của trại giam.

Tác giả Ed Perkins cho rằng Job có ý định làm gián điệp để đổi lấy tự do khi chuyển đến nhà tù Fresnes, nhưng ông tin rằng Job chỉ thực sự được ĐQX thu nạp vào tháng 4/1943 khi kẻ phản bội khét tiếng người Anh, John Amery, ghé thăm trại tù St Denis, nơi Job cũng mới bị đưa tới. John Amery (con trai của Bộ trưởng Nội các Leo Amery) đã đào tẩu sang Đức và thực hiện các chương trình phát sóng của ĐQX tại Anh. Hắn ta bị tử hình vì tội phản quốc.

John Job bị xử giảo ở nhà tù HMP Pentonville, Bắc London. Ảnh nguồn: PA .

Ed Perkins giải thích: “John Amery đã cố gắng chiêu mộ những người đồng hương để chiến đấu trong một đơn vị Đức bao gồm những người lính Anh. Có vẻ Job đã bí mật tiếp cận Amery nhằm muốn làm một điều gì đó thay mặt cho người Đức để đổi lấy tự do”. John Job đã được trả tự do và trong vài tuần sau đó đã thực hiện 20 chuyến thăm một trại đào tạo gián điệp ở Paris nơi gã học về mật mã và cách để viết bằng mực tàng hình.

Rồi thì Job được giao nhiệm vụ: đưa chiếc nhẫn và ghim cà vạt cho “Chuồn Chuồn” - bí danh của một điệp viên đang sống ở London, rồi báo cáo về dân chúng London và thiệt hại của các vụ đánh bom tàn phá được viết trong những lá thư gửi tới các địa chỉ ở Pháp, chúng sẽ được dịch bởi mật vụ Đức. Job lên đường tới Lisbon và nói với đại sứ quán Anh rằng mình là một dân tị nạn đã chạy thoát khỏi nước Pháp (đang bị ĐQX chiếm đóng). Một tháng sau, Job bay về nhà, nhưng tình báo Anh đã đi trước một bước.

Tác giả Ed Perkins cho biết: “Chuồn Chuồn là một điệp viên kép làm việc cho người Anh. Ông ta chuyển giao mọi thông điệp cho MI.5. Họ biết điệp viên John Job sẽ đến Anh với chiếc nhẫn kim cương”.

Khi đó nước Anh đang tiến hành một cuộc chiến mật chống lại các điệp viên Đức một đơn vị của MI.5 tại nhà tù Wormwood Scrubs xác định có khoảng 120 điệp viên ở đây. Cho họ 2 cơ hội lựa chọn làm việc cho người Anh hoặc phải chết, họ đã thành công trong việc chuyển hóa nhiều tù nhân thành các điệp viên kép. MI.5 theo đuôi John Job suốt 3 tuần trước khi y bị bắt giữ và chuyển tới Trại 001 (một nhà tù ở Chelsea, phía Tây London, dùng để giam các điệp viên nước ngoài).

Khi bị thẩm vấn, Job kể lại hành trình trốn thoát khỏi ĐQX ở Châu Âu, nhưng sang ngày thứ hai gã thay đổi câu chuyện khi thừa nhận mình đã đồng ý làm việc cho mật vụ Đức, nhưng khẳng định chưa từng nghĩ sẽ làm theo người Đức. Khi người Anh hỏi về chiếc nhẫn, Job đã phạm phải một sai lầm chết người khi phủ nhận người Đức trao nó cho mình (có thể là ý đồ muốn giữ nó làm của riêng).

John Job đeo băng trắng của phạm nhân, đứng giữa 2 cai ngục. Ảnh nguồn: The National Archives.

Chết oan vì chiếc nhẫn kim cương

Liền đó khi người thẩm vấn giơ một tấm thẻ có đề tên và địa chỉ mà Job gửi thư đến, Job tái mặt biết trò chơi đã kết thúc. Y bị buộc tội thông đồng với mật vụ Đức và vào Anh làm gián điệp, rồi bị xét xử ở Tòa hình sự trung ương (Old Bailey) vào tháng 1/1944. Bồi thẩm đoàn chỉ mất đúng 21 phút để đưa ra phán quyết có tội cho Job. Lúc 9 giờ sáng ngày 16/3/1944, John Job bị hành quyết tại nhà tù Pentonville trong tay của Albert Pierrepoint, kẻ treo cổ khét tiếng nhất thời đó. Job là một trong số 6 kẻ phản quốc Anh bị hành hình vì thông đồng với ĐQX.

Nhưng tác giả Ed Perkins tin rằng có nhiều lý do để khẳng định Job vô tội và án tử hình dành cho ông ta là một sai lầm công lý. Ông Ed lập luận: “Trong quan điểm của tôi, Job không có ý định làm gián điệp. Ông ta là một kẻ trộm trang sức bị kết án, chiếc nhẫn kim cương đó ngày nay trị giá 10.000 bảng Anh đã hại đời ông ta. Có thể Job đã nghĩ dù sao Đức cũng đã thua trong cuộc chiến, chỉ cần giữ được mạng mình”.

John Job và người vợ thứ 2, Marcelle Job. Ảnh nguồn: The National Archives.

Ông Ed chỉ rõ: “Ở Lisbon, Job đợi 1 tháng trước khi về Anh, nhưng không nói cho người Đức biết khi nào mình lên đường. Chỉ huy nhà tù ngỡ rằng Job muốn đi bán đồ trang sức và nằm im.

Người đứng đầu phản gián của MI.5, Guy Liddell, viết trong hồi ký của mình: “Tôi tin rằng vì muốn giữ chiếc nhẫn nên Job không hé môi nói gì thêm. Nhưng mọi thứ đã bị quên bẵng khi ông ta ra tòa. Cũng có thể vì tư vấn pháp lý kém cỏi nên Job không thể đề cập việc mình đang giữ chiếc nhẫn trong phiên xử, thay vì nói rằng anh ta định gửi nó đến đồn cảnh sát. Nếu Job nói rằng mình chỉ là tên trộm và đã từng lừa đảo trang sức trước đây thì họ sẽ tin anh ta. Ngay cả gia đình Job cũng không hay biết về mớ hỗn độn mà y đã vướng vào. Người em trai William bất ngờ khi biết tin anh trai đã bị xử giảo một ngày trước đó, và 2 năm sau ông cũng qua đời. Ông Ed lần theo dấu vết những người đang sống còn nhớ về Job, 2 người cháu gái của bà Marcelle, họ cũng ngạc nhiên khi biết tin Job bị xử chết vì tội phản quốc. Ông Ed trầm ngâm: “Hai người phụ nữ nhớ về Job là một người hiền lành, thân thiện. Một người hết sức bình thường”.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cai-chet-cua-diep-vien-oswald-john-job-i695728/